Qua 8 năm Techmart, công nghệ – thiết bị Việt Nam vẫn chưa thành hàng hóa

Qua 8 năm Techmart, công nghệ – thiết bị Việt Nam vẫn chưa thành hàng hóa

Techmart - Softmart là mô hình do Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM khởi xướng và tổ chức thực hiện đầu tiên trong cả nước, ra mắt vào tháng 12 năm 1999. Mô hình này đã nhanh chóng được nhân rộng ra rất nhiều tỉnh thành, được tổ chức với quy mô quốc gia, thậm chí, trong Nghị định số 159/2004/NĐ-CP đã xác định việc tổ chức chợ thiết bị - công nghệ (Techmart) là một nhiệm vụ thường xuyên của hoạt động thông tin KH-CN. Được đánh giá rất cao như vậy, những năm qua, Techmart đã có những đóng góp gì cho TPHCM?
 
Họp chợ, hàng dở thì ế!

Qua 8 năm Techmart, công nghệ – thiết bị Việt Nam vẫn chưa thành hàng hóa ảnh 1

Nhiều sản phẩm KHCN tại các Techmart rất thu hút người tiêu dùng.

Sau lần đầu được tổ chức vào năm 1999, bảy năm sau đó, đã có 23 kỳ Techmart được tổ chức tại TPHCM, và TPHCM cũng đã tham gia 21 kỳ Techmart ở các tỉnh thành khác. Các con số thống kê cho thấy TPHCM đã huy động được gần 5.700 lượt đơn vị tham gia chào bán các loại công nghệ và thiết bị. Trong đó, các đơn vị nghiên cứu thiết kế chế tạo chiếm 66%, các viện và phân viện nghiên cứu chiếm 13%, trường đại học 6% và các trung tâm nghiên cứu chiếm 15%. Tổng số công nghệ và thiết bị chào bán của TPHCM qua các kỳ Techmart là hơn 21.200.
 
Theo đánh giá của PGS-TS Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TPHCM, trong 8 năm qua, Techmart là công cụ rất tốt trong việc hình thành và xây dựng thị trường công nghệ. Số lượng hợp đồng và giá trị các hợp đồng được ký kết qua các kỳ Techmart ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là Techmart đã không chỉ diễn ra tại các thành phố lớn, mà đã được tổ chức ở hàng loạt tỉnh thành trong cả nước. “Chúng ta đã đưa máy móc, công nghệ, thiết bị về giới thiệu được với các vùng xa, giới thiệu đến tận những người nông dân. Những chuyến đi đó cũng là cơ hội trao đổi, học học lẫn nhau của các đơn vị tham gia Techmart, là cơ hội tìm hiểu thị trường để qua đó phát huy năng lực sáng tạo KHCN, kết nối giữa tổ chức khoa học công nghệ với bên cầu”, ông Tân nhận định.
 
Đặc biệt, việc bán hàng tập trung tại các kỳ Techmart là cách để người tiêu dùng và nhà cung cấp so sánh giá cả, chất lượng sản phẩm một cách rõ ràng, dễ nhận thấy nhất.Tuy nhiên, như thống kê của Trung tâm Thông tin KH - CN TPHCM, các sản phẩm công nghệ – thiết bị của chúng ta vẫn chưa thực sự trở thành hàng hóa, chưa được sản xuất hàng loạt, chưa được kiểm định, đăng ký sở hữu trí tuệ, chưa có giá cả thống nhất mà thường là mua bán theo hình thức thỏa thuận… Đặc biệt, một sự thực đáng lo ngại là lực lượng các trường viện nghiên cứu chưa thích ứng và chuyển đổi kịp theo cơ chế thị trường, ít tham gia Techmart, cả về số lượng đơn vị lẫn số lượng máy.
 
Bài toán bán được và... bán được nhiều hơn
 
Những kết luận đáng lo ngại nói trên chỉ là một mảng tối trong thị trường KHCN hiện nay. Thực ra,các kỳ Techmart vẫn mang lại khá nhiều thành công, mà thống kê của đơn vị tổ chức cho thấy cứ trung bình bỏ ra 1 đồng để tổ chức Techmart, thì trong chợ, các đơn vị đã bán được 100 đồng. Đối với thị trường KHCN chưa phát triển ở nước ta hiện nay, đó là một tỷ lệ thành công nên hiện nay, phần lớn các Techmart vẫn được tổ chức theo hình thức “bao cấp” và “hỗ trợ” từ nhà nước: các đơn vị tham gia Techmart không phải tốn tiền đi lại, được cấp gian hàng, có người được bao ăn ở… Theo quy định, việc hỗ trợ phát triển thị trường này sẽ được tiếp tục đến hết năm 2010, trước khi giảm dần mức độ hỗ trợ xuống theo lộ trình.
 
“Có nhiều cái phải suy nghĩ trong việc hỗ trợ này. Bây giờ, nếu chúng ta tiếp tục bao cấp quá nhiều, tính tự chủ năng động của các đơn vị KHCN có thể sẽ bị giảm xuống. Một ý khác là khi các đơn vị được bao cấp hoàn toàn, họ tham gia Techmart mà bán hàng không được, thì họ cũng chẳng thấy lỗ lã bao nhiêu. Vì vậy, việc giảm dần hỗ trợ là hợp lý. Riêng TPHCM, chúng tôi đang cân nhắc giảm hỗ trợ kinh phí tham gia Techmart sớm hơn, và sử dụng kinh phí đó hỗ trợ các doanh nghiệp hậu Techmart”, PGS-TS Phân Minh Tân nói.
 
Theo ông Tân, hỗ trợ hậu Techmart bao gồm các loại hình hỗ trợ khác nhau như sử dụng Techmart Online để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, giới thiệu công nghệ với bên cầu; hỗ trợ tạo sản phẩm thương mại hóa cho các sản phẩm tốt tham gia Techmart, hỗ trợ sản xuất cho bên cung để nhiều bản ghi nhớ, ký kết tại Techmart trở thành hợp đồng hơn…
 
Trong thị trường KHCN trị giá hàng chục tỷ USD hiện nay tại Việt Nam, tỷ lệ các hợp đồng mà bên cung là tổ chức KHCN trong nước còn quá thấp. Tỷ lệ một đồng vốn tổ chức, 100 đồng hợp đồng mua bán được ký kết tại các kỳ Techmart hiện nay dẫu là một tỷ lệ hấp dẫn, nhưng tổng doanh thu qua các kỳ Techmart nói riêng, và tổng doanh thu của các tổ chức KHCN trong nước nói chung, vẫn là con số rất nhỏ so với tổng số tiền mà các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam hàng năm vẫn phải bỏ ra để đổi mới, mua sắm máy móc, thiết bị. Vì thế, với việc phát triển thị trường, Techmart, 8 năm qua, chỉ mới là một chặng đường đầu…  

Trung tâm thông tin Khoa học Công nghệ TPHCM đã rút ra thống kê từ các kỳ hội chợ Techmart rất đáng để suy nghĩ: Nguồn công nghệ thiết bị từ khối các cơ quan nghiên cứu là viện trường có sử dụng kinh phí nhà nước chiếm tỷ trọng rất thấp, vào khoảng 25%, số lượt tham gia của các đơn vị này cũng thấp, chỉ chiếm khoảng 34%.

Trên 90% các loại công nghệ thiết bị chào bán chưa đăng ký sở hữu trí tuệ và chưa thẩm định đánh giá công nghệ. Việc cải tiến nâng cao chất lượng, hình thức kiểu dáng của công nghệ thiết bị có chiều hướng phát triển, nhưng việc cung ứng cho khách hàng vẫn ở trạng thái nhỏ lẻ và đơn chiếc theo đơn đặt hàng.

 MINH TÚ
 

Tin cùng chuyên mục