Giáo sư J. I. Friedman, người đoạt giải Nobel Vật lý 1990: Không bao giờ phí phạm khi đầu tư cho KH-CN

Giáo sư J. I. Friedman, người đoạt giải Nobel Vật lý 1990: Không bao giờ phí phạm khi đầu tư cho KH-CN

Vừa trở về từ Huế và Quảng Bình cùng vợ chồng Giáo sư Trần Thanh Vân, chiều 24-7, Giáo sư Jerome I. Friedman đã có một cuộc trao đổi rất cởi mở cùng các phóng viên về cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế (IPhO) năm 2008 đang diễn ra ở Hà Nội, cơ hội để Việt Nam có 1 giải Nobel và cả những vấn đề có tính riêng tư…

* PV:
Là khách mời đặc biệt của IPhO, GS có nhận xét như thế nào về đề thi Vật lý năm nay và công tác tổ chức của nước chủ nhà Việt Nam?

* Giáo sư Jerome I. Friedman: Rất tiếc là tôi không tham gia làm đề thi và cũng không trực tiếp tham gia vào quá trình thi nên khó đánh giá được đề thi. Tuy nhiên, tôi rất ấn tượng với việc tổ chức IPhO của nước chủ nhà. Có thể nói các bạn đã tổ chức rất tốt kỳ thi này; đồng thời các thí sinh Việt Nam cũng như các nước đã tham gia cuộc thi đầy hứng thú và nỗ lực hết mình. Cũng xin nói thêm là trong mấy ngày qua, tôi đã đi Huế và Quảng Bình. Tiếp xúc với các bạn sinh viên – học sinh ở những nơi này, tôi thấy các sinh viên Việt Nam đều có nhiều khả năng và rất thông minh.

Giáo sư J. I. Friedman, người đoạt giải Nobel Vật lý 1990: Không bao giờ phí phạm khi đầu tư cho KH-CN ảnh 1

Giáo sư Jerome I. Friedman và Giáo sư Trần Thanh Vân trò chuyện cùng báo chí chiều 24-7.

Trong các buổi nói chuyện, tôi đã cố gắng thu hút mối quan tâm của các sinh viên đối với khoa học cũng như nhiều lĩnh vực khác, để các em xem khoa học như là một sự nghiệp. Việt Nam ngày nay cần có KH-CN để phát triển, vươn ra tầm thế giới. Vì thế, việc học sinh- sinh viên Việt Nam coi KH-CN là sự nghiệp của đời mình là một việc rất quan trọng.

* Thưa GS, Việt Nam có cơ sở để nhận giải Nobel khoa học trong tương lai không và con đường đến giải thưởng này sẽ như thế nào?

* Rất khó để tôi có thể đoán được nhưng tôi tin là những học sinh – sinh viên Việt Nam có khả năng đoạt được giải Nobel trong tương lai. Cách tốt nhất là khuyến khích học sinh giỏi trên con đường nghiên cứu khoa học trong mọi điều kiện, cho các em những cơ hội để có thể thực hiện được các nghiên cứu khoa học bởi chỉ có thể đoạt được giải Nobel với những công trình đặc biệt và rất quan trọng. Tôi tin là sẽ có giải Nobel nếu đất nước cho các em cơ hội. Tôi muốn lấy bản thân mình làm ví dụ: sinh trưởng trong một gia cảnh khó khăn, bản thân tôi cũng không có nhiều kiến thức cơ bản trong nhà trường. Tuy nhiên, cho dù khó khăn đến bao nhiêu thì tôi cũng cố giành được một học bổng toàn phần vào trường đại học. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã tiếp tục con đường nghiên cứu với sự giúp đỡ của Chính phủ và nếu không có sự giúp đỡ đó tôi không thể nào đoạt được giải Nobel.

* Có một nghịch lý là học sinh Việt Nam thường đoạt giải cao trong các kỳ Olympic quốc tế nhưng các công trình nghiên cứu khoa học được quốc tế biết đến rất hiếm hoi. GS có thể chia sẻ một vài ý kiến xung quanh thực tế này?

* Tôi thấy rằng vấn đề có lẽ nằm ở cách đầu tư cho khoa học. Tôi có thể lấy một ví dụ là Singapore, trước đây là một quốc gia nghèo nàn, không có tài nguyên thiên nhiên, đến cả nước sạch cũng không có. Tuy nhiên, đất nước này đã đầu tư mạnh mẽ vào khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực và bây giờ chúng ta thấy, Singapore đã trở thành nền kinh tế mạnh trên thế giới. Do đó, tôi muốn nói rằng, chúng ta không bao giờ phí phạm khi đầu tư vào KH-CN.

* Từng đến Việt Nam năm 2000, GS có sự so sánh nào về 2 thời điểm cách đây 8 năm?

* Đến thăm Việt Nam là một hạnh phúc lớn lao đối với tôi. So với 8 năm trước, vẫn những kiến trúc tương tự nhưng Việt Nam nhiều xe cộ hơn chứng tỏ nền kinh tế đang phát triển rất tốt. Tôi thấy rằng, các nhà Vật lý Việt Nam hiện nay đã biết hợp tác với các nhà Vật lý quốc tế trong các công trình nghiên cứu của họ và tôi thấy, đây là một điều rất tốt vì càng hợp tác nhiều với các nhà khoa học quốc tế thì khả năng nghiên cứu thành công càng cao.

* Được biết, trong ngày 23-7, trên đường từ Huế ra Quảng Bình, GS đã đề nghị dừng xe và đi bộ 2 lượt trên cầu Hiền Lương lịch sử. GS đã suy nghĩ gì khi đi trên chiếc cầu đó?

* Khi đi bộ trên chiếc cầu lịch sử đó, cảm giác của tôi là rất hạnh phúc. Tôi hạnh phúc vì bây giờ giữa Mỹ và Việt Nam đã có một nền hòa bình tồn tại một cách bền vững, giờ đây chúng ta có thể cùng nhau chung tay xây dựng những điều tốt đẹp nhất cho đất nước mình mà không còn lo sợ chiến tranh. Mặt khác, tôi đã đi bộ 2 lượt trên cầu Hiền Lương vì lúc đó, trong tôi có một cảm giác rất thoải mái. Ở Hà Nội cũng có cầu, và tôi đã từng đi bộ qua những chiếc cầu ở Hà Nội, nhưng không đâu có được cảm giác thanh bình như khi đi trên cầu Hiền Lương.

* Vào những năm 60 của thế kỷ trước, khi GS cùng các đồng nghiệp bắt đầu nghiên cứu công trình mà sau này đoạt giải Nobel Vật lý, là thời điểm mà cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam bắt đầu đi vào hồi quyết liệt. Lúc đó, GS đã quan tâm đến cuộc chiến này như thế nào?

* Vào thời gian ấy, tôi là một trong những người chống cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Vì kêu gọi phản chiến nên tôi đã bị bắt và bị giam một đêm. Đêm ở trong nhà tù đó, tôi đã ở cùng buồng giam và làm quen với một người rất nổi tiếng sau này. Đó là ông J. Kerry, người sau này trở thành Thượng nghị sỹ và là ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ cách đây 4 năm. Ông ấy cũng vì phản đối cuộc chiến tranh ở Việt Nam nên đã bị bắt giam giống như tôi. Chúng tôi đã có một đêm rất thú vị ở trong nhà tù…  

Đ.LAN – T.LƯU (thực hiện) 

Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 39
Hoàn tất bài thi thực hành khá thuận lợi

Tối qua, 24-7, 376 thí sinh, được chia thành 2 nhóm, đã hoàn tất phần thi thực hành tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội với chủ đề “Đo nhiệt độ bằng phương pháp vi phân”. So với phần thi lý thuyết khá chật vật, các thí sinh đã có một buổi thi thực hành khá thuận lợi. Hầu hết các đoàn đều tỏ ra tự tin với bài thực hành và hy vọng có thể “kéo” lại điểm so với phần thi lý thuyết.

A.NHI

Tin cùng chuyên mục