Kỷ nguyên “robot cảm xúc”

Kỷ nguyên “robot cảm xúc”

Tại Bảo tàng Khoa học Anh, từ ngày 29 đến 31-7 diễn ra cuộc triển lãm giới thiệu những “sao” mới trong thế giới robot, báo hiệu một kỷ nguyên “robot cảm xúc,” một bước tiến của khoa học khi chuyện robot có cảm xúc hay nhân cách không còn là chuyện giả tưởng.

Kỷ nguyên “robot cảm xúc” ảnh 1
David McGoren, trong nhóm nghiên cứu của Đại học West England, cùng “Heart Robot”

Nổi bật trong cuộc triển lãm là “robot tim” (Heart Robot) do các nhà khoa học tại Đại West England ở Bristol (Anh) sáng tạo với mục đích khám phá cách con người phản ứng với một cái máy biết bày tỏ cảm xúc. “Robot tim” có tầm vóc một đứa bé, với một trái tim biết đập, một cái bụng hô hấp và các bộ phận cảm biến có thể cảm nhận và phản ứng trước những cử động, âm thanh và sự tiếp xúc, tức biết thể hiện “cảm xúc” tùy theo cách đối xử của người đối diện.

Nếu được ôm ấp vỗ về, nó bày tỏ sự cảm động với tứ chi mềm ra, mi mắt hạ xuống, hơi thở nhẹ đi và tim đập chậm lại. Nhưng khi ai đó tỏ ra giận dữ, giật mạnh hay la mắng, “robot tim” trở nên khó chịu, bàn tay nắm chặt, hơi thở và nhịp tim nhanh hơn, mắt mở to...

“Sao” khác là Hexapod, một robot nhện kim loại 6 chân, có thể nhận ra và bám vào mặt khách tham quan đi quanh nó. Nếu ai đó nhìn chằm chặp vào Hexapod đủ lâu, hình ảnh người đó được chụp và chiếu lên một màn hình plasma. Theo nhà sáng chế Matt Denton, trong đầu của Hexapod có một camera nối với một máy tính và được lập trình để nhận ra một gương mặt.

Một dự án 3 năm có tên “Chương trình Khuôn khổ thứ sáu”, với sự tham gia của 6 quốc gia châu Âu và 25 chuyên gia, nhằm chế tạo các robot cảm xúc. Robot cảm nhận được nhờ có những hệ thần kinh nhân tạo phù hợp với thông tin đầu vào phong phú và luôn thay đổi, trong khi camera và các bộ phận cảm biến giúp robot ghi nhận những thông số khác nhau, như vẻ mặt, giọng nói và thậm chí tâm trạng người đối diện...

VÕ HÀ
(theo Science Daily)

Tin cùng chuyên mục