Sắp có cách làm “tàng hình”?

Sắp có cách làm “tàng hình”?
Sắp có cách làm “tàng hình”? ảnh 1

“Người tàng hình” sẽ thành hiện thực?

(SGGP 12G).- Ước mơ của con người muốn “tàng hình” tưởng như chỉ có trong phim khoa học giả tưởng nhưng giờ đây sắp trở thành hiện thực với công trình nghiên cứu của Đại học California Berkeley (Mỹ). Kết quả nghiên cứu này sẽ được công bố trên 2 tạp chí khoa học uy tín Nature và
Science vào tuần tới.


Nhóm nghiên cứu của  Xiang Zhang ở Đại học California Berkeley đã thiết kế những “siêu vật liệu” có thể “bẻ cong” ánh sáng. Bước đột phá này có thể giúp các nhà khoa học “hô biến” bất cứ thứ gì, từ con người đến các vật thể lớn như xe tăng và tàu bè, thành “vô hình”.

Ý tưởng cơ sở của công trình nghiên cứu này là uốn cong ánh sáng nhìn thấy được quanh một vật thể sẽ giúp “che” được vật thể đó. Một số công trình trong vài năm gần đây đã đi theo hướng này. Từ năm 2006, Ulf Leonhardt tại Đại học St Andrews ở Scotland và John Pendry thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) đã đề xuất ý tưởng thiết kế các “siêu vật liệu”. Đó là những vòng dây kim loại được tổ chức thành các bảng mạch dán vào nhau, hoạt động như các ăng ten tương tác với điện từ trường của ánh sáng và biến đổi đường đi của sóng ánh sáng. Những “siêu vật liệu” này sẽ có những đặc điểm quang học kỳ lạ, thí dụ như chỉ số khúc xạ là giá trị âm, để làm lệch hướng ánh sáng.

Sắp có cách làm “tàng hình”? ảnh 2

Mô hình một chất liệu uốn cong ánh sáng quanh lỗ đen có vật thể “tàng hình”

Một công trình nghiên cứu với sóng cực ngắn (viba) tại Đại học Hoàng gia London đã đạt những kết quả tương tự. Giống ánh sáng, sóng viba là một hình thức phóng điện từ nhưng bước sóng dài hơn nên dễ điều khiển hơn.

Theo Xiang Zhang, để một vật thể “tàng hình”, “siêu vật liệu” sẽ phải uốn cong hoàn toàn sóng ánh sáng quanh vật thể đó, giống một dòng sông chảy quanh một tảng đá. Khi nhìn vào vật thể “bị che” này lại thấy được ánh sáng đến từ phía sau nó, làm cho nó dường như... biến mất.

Những “siêu vật liệu” như thế phải có khả năng “nắm bắt” điện từ phát ra và nhẹ nhàng chuyển hướng sóng. Trong tự nhiên, không có vật liệu nào như thế và các nhà khoa học chỉ có thể sáng tạo “siêu vật liệu” khi công nghệ nano đạt đến trình độ thiết kế vật chất ở trạng thái nguyên tử và phân tử. Thực tế, nhóm của Zhang đã phải thiết kế một “siêu vật liệu” với những thành phần có kích cỡ khoảng 0,00000066m.


VÕ HÀ (theo Times, Nature)

Tin cùng chuyên mục