Những bạn trẻ yêu... phòng LAB

Căn phòng đó không bao giờ khóa cửa. Nửa đêm, ngày lễ, tết vẫn sáng đèn. Từ căn phòng này với công sức của các nhà khoa học trẻ, nhiều công trình nghiên cứu đã “trình làng”: cá ngựa vằn phát sáng; bò con sinh ra từ tế bào trứng đông lạnh…
Những bạn trẻ yêu... phòng LAB

Căn phòng đó không bao giờ khóa cửa. Nửa đêm, ngày lễ, tết vẫn sáng đèn. Từ căn phòng này với công sức của các nhà khoa học trẻ, nhiều công trình nghiên cứu đã “trình làng”: cá ngựa vằn phát sáng; bò con sinh ra từ tế bào trứng đông lạnh…

Phòng thí nghiệm 24/7

Lúc Nguyễn Thị Minh Nguyệt (SN 1986) bắt đầu làm ở phòng thí nghiệm (LAB) nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc tại ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM cũng là lúc bố mẹ Nguyệt hiểu rõ nhất về… giờ giấc thất thường của cô. Câu trả lời thường trực của cô cho mỗi lần nhận được điện thoại lo lắng của cha mẹ về việc đi sớm về khuya của mình, đều là: “Dạ, con đang ở LAB”.

Nguyệt kể: “Bố mẹ mình lúc đầu cũng cằn nhằn dữ lắm - Con mình đi làm mà sao giờ giấc không giống con người ta. Nghiên cứu gì mà có khi ở lại cả đêm ở LAB!”. Cũng may là “uy tín” trong gia đình của Nguyệt cũng tốt, nên bố mẹ cô cũng hiểu và ngày càng thông cảm về việc đi sớm về khuya của con gái.

“Đôi lúc, vì công việc, mình về nhà không được, chứ chẳng muốn làm bố mẹ lo đâu. Ví dụ như chuyện lấy mẫu máu bò, mình phải xuống Long An đến 3 lần để lấy cho được mẫu máu con bò cái. Có hôm lấy được mẫu máu về đến trường thì đã gần 1-2 giờ sáng” - Nguyệt nói như thanh minh.

Các nhà khoa học trẻ đang nghiên cứu đề tài mới tại LAB tế bào gốc. Ảnh: sơn trà

Các nhà khoa học trẻ đang nghiên cứu đề tài mới tại LAB tế bào gốc. Ảnh: sơn trà

Phòng thí nghiệm có gần 50 thành viên, trong đó, phần lớn là các bạn trẻ, người lớn nhất cũng chưa tới tuổi “tam thập nhi lập”. Hiểu rõ thế mạnh, niềm đam mê của các bạn trẻ, tiến sĩ Phan Kim Ngọc - người đứng đầu phòng thí nghiệm, vừa là người thầy vừa là người “cha tinh thần” cho cả phòng - đã tạo điều kiện để các bạn thật tự chủ trong nghiên cứu. Mô hình làm việc mà thầy Ngọc đưa ra là không giới hạn không gian, thời gian, số lượng, trình độ, chuyên môn. Thầy xem tất cả những thành viên trong phòng thí nghiệm đều là đồng nghiệp, có quyền đưa ra những ý tưởng, chính kiến riêng. Không áp đặt dù đề tài đưa ra chưa được khả thi.

Theo những thành viên trẻ của phòng LAB, chính điểm tựa như thầy Ngọc đã khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu cho các bạn trẻ.

“Ở đây, thời gian là thoải mái nhưng công việc lại “hút” bọn mình vào. Không phải chỉ riêng Nguyệt là đi sớm về khuya mà tất cả các bạn ở đây đều vậy mỗi khi có đề tài, công trình gì mới. Ai cũng say mê nghiên cứu, quên hết mọi thứ, đến nỗi ngày lễ tết cũng bám trụ lại đây. Có người còn quên cả hẹn với người yêu!”, Nguyệt cười, tiết lộ.

Dấn thân

Nghiên cứu khoa học, không chỉ khó khăn, có lúc còn nguy hiểm nữa. Trường hợp của Nguyễn Thanh Tâm lúc làm đề tài “Nghiên cứu hàn gắn xương bằng cách ghép tế bào trung mô máu cuống rốn người trên mô hình chuột” là một ví dụ. Tâm nhớ lại: “Vào những ngày cuối cùng thực hiện đề tài, vì quá nôn nóng cho kết quả thí nghiệm, mình quên không mang kính bảo hộ mà xem trực tiếp kết quả dưới tia cực tím. Sáng hôm sau, bước ra khỏi phòng LAB, mình nhìn vật gì cũng lờ mờ. Rồi mắt không mở ra được, nước mắt cứ chảy như mưa”.

Lúc đó là năm 2009, Tâm mới 23 tuổi. Nghĩ đến chuyện mình có thể bị mù, Tâm sợ tái mặt. “Mình gọi điện thoại cho thầy Phạm Văn Phúc thì thầy bảo đừng lo quá, thầy cũng từng bị như thế! Sau đó, thầy lại gọi mấy bạn qua nhà trọ chở mình đi khám mắt. May quá, không mù, chỉ bị viêm niêm mạc mắt”. Vậy mà, vừa khám mắt xong, Tâm lại vội chạy vào phòng thí nghiệm để khoe với thầy Ngọc, thầy Phúc và các bạn kết quả nghiên cứu vừa tìm được!

Vất vả, khó khăn là thế nhưng gần 50 thành viên của phòng thí nghiệm luôn hết mình với công việc. Chung Tố Nhi, một thành viên của phòng thí nghiệm tâm sự: “Để có được những kết quả như ngày hôm nay là nỗ lực và đóng góp rất lớn của mọi người, nhất là thầy Ngọc. Nếu như ông Archimedes đã nói hãy cho tôi một điểm tựa tôi sẽ nâng cả quả đất này lên thì trong “nghề” của bọn mình chỉ cần có một tế bào, những điều kỳ diệu có thể xuất hiện. Trước đây, nhìn vào những gì mình học trong sách vở, mình cảm thấy những điều đó thật xa vời nhưng khi thật sự “bước chân” vào nghiên cứu lĩnh vực này mình tin mọi thứ đều có thể. Đó cũng chính là điều “hấp dẫn” nhất đã níu chân mình và các bạn trong lĩnh vực mới mẻ này”.

THANH AN

Tin cùng chuyên mục