Trò chuyện đầu năm với tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường đại học Hồng Bàng: Phấn đấu vì mục tiêu giáo dục toàn diện

Trò chuyện đầu năm với tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường đại học Hồng Bàng: Phấn đấu vì mục tiêu giáo dục toàn diện

Nói đến ĐH Hồng Bàng, người ta dễ dàng hình dung đến một ngôi trường đã đào tạo nên nhiều thế hệ kỹ sư, cử nhân vừa giỏi khoa học – kỹ thuật vừa biết trân trọng, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc. Nhiều bằng khen, chứng nhận, huy chương quốc gia và quốc tế là một phần kỷ niệm quan trọng và khó quên trong hành trang nhiều thế hệ thành đạt bước ra từ ĐH Hồng Bàng. Gặp Tiến sĩ Sử học Nguyễn Mạnh Hùng – Hiệu trưởng nhà trường trong một sáng nắng đẹp những ngày đầu năm mới, ông vui vẻ mở đầu câu chuyện: Tôi có ba mục tiêu nhỏ, đảm bảo chất lượng đào tạo SV, bứt phá và tạo cho trường một thương hiệu khác biệt...

Trò chuyện đầu năm với tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường đại học Hồng Bàng: Phấn đấu vì mục tiêu giáo dục toàn diện ảnh 1

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng (áo vest) trong lần dẫn đội bóng của trường tham dự ĐHTT SV Đông Nam Á vào tháng 12/2008.

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, sinh viên ĐH Hồng Bàng thường phấn đấu để đạt “ba dấu cộng thêm trong bằng tốt nghiệp của mình”?

Đây là mục tiêu giáo dục toàn diện cho SV trường đã được Ban Giám hiệu và Ban Lãnh đạo các khoa của ĐH Hồng Bàng xây dựng ngay từ những ngày đầu thành lập. Thông qua phong trào học tập bằng nghiên cứu, ĐH Hồng Bàng luôn vận động trí năng tiềm ẩn của sinh viên để phát hiện những yếu tố mới nhằm đóng góp cho xã hội. Những luận văn, đồ án hay những bài tập bình thường luôn có phần điểm ưu tiên cho những suy nghĩ mới khác biệt và sự phát hiện. Do vậy, óc sáng tạo là dấu cộng đầu tiên đính vào văn bằng tốt nghiệp.

Dấu cộng thứ 2, chúng tôi muốn các em là những người góp phần làm thay đổi nhận thức của xã hội về môi trường đại học: nơi rèn luyện thể lực và ý chí cho sinh viên. SV Hồng Bàng ngay từ năm nhất đã có thể tham gia tích cực và mang về cho bản thân sự hãnh diện bằng những thành tích huy chương vàng, bạc, đồng trong các hoạt động Đoàn hội, văn hóa – văn nghệ, thể thao trong và ngoài nước.

Dấu cộng thứ 3, sinh viên được giáo dục tâm hồn nhân ái thông qua nhiều hoạt động hướng về cộng đồng: hiến máu nhân đạo, cứu trợ nạn nhân lũ lụt, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tài trợ thường xuyên cho 15 trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, xây nhà tình nghĩa – tình thương, phụng sự Mẹ Việt Nam Anh hùng…

Cùng với mục tiêu giáo dục toàn diện, có thể nói, ĐH Hồng Bàng đang từng bước sử dụng phương pháp đào tạo duy lý thay cho phương pháp kinh nghiệm. Với sự thay đổi này, người thầy sẽ đứng phía sau và cung cấp kiến thức cơ bản cho sinh viên. Thầy và trò sẽ cùng phản biện ngay trên chính bài giảng của thầy để các bạn sinh viên tự tìm tòi, phát hiện ra những yếu tố mới, chân lý mới.

- Thưa Tiến sĩ, song song với sự đổi mới về phương pháp giảng dạy sẽ là những công việc triển khai rất cụ thể dành cho năm mới 2009?

Trò chuyện đầu năm với tiến sĩ sử học Nguyễn Mạnh Hùng, hiệu trưởng trường đại học Hồng Bàng: Phấn đấu vì mục tiêu giáo dục toàn diện ảnh 2

“Nghệ sĩ” Piano Nguyễn Mạnh Hùng thư giãn sau giờ làm việc.

Năm 2009 tiếp tục sẽ là năm đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của tập thể Hồng Bàng. Bên cạnh các khối ngành cơ bản, hiện trường có khối ngành Mỹ thuật Quốc tế và Truyền thông đa phương tiện. Do đó, trường sẽ tập trung đầu tư cho điện ảnh bằng việc xây dựng phim trường rộng 300 ha và tài trợ cho cuộc thi Ngôi sao điện ảnh (do Tạp chí Điện ảnh tổ chức). Đây cũng là những việc làm cần thiết nhằm tạo dựng cơ sở vật chất và tìm kiếm diễn viên triển vọng cho những bộ phim tương lai do Hồng Bàng sản xuất để bước vào cạnh tranh với phim Hàn Quốc bằng những kịch bản hiện thực phê phán.

Ngay tại phim trường, chúng tôi sẽ dành một khu vực thật đẹp và hiện đại cho Thung lũng người ngoài hành tinh. Đây là khu du lịch khai thác trí tưởng tượng, vượt xa những suy nghĩ thông thường của con người và đặc biệt dành để phục vụ du khách quốc tế của khoa Du lịch quốc tế, Khoa Quản trị Kinh doanh và nhiều khoa khác của trường.

Trường Hồng Bàng cũng sẽ chú trọng phát triển mảng du học tại Mỹ, Pháp, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc,.. và hình thức du lịch kết hợp thực tập 4 tháng (working travel) tại Mỹ dành cho sinh viên năm 2, năm 3 và năm 4. Chúng tôi đã dành khoảng thời gian hai năm cho việc đàm phán và cẩn thận xác minh lý lịch và khả năng phối hợp của công ty đối tác, tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”. Mục tiêu của chúng tôi là đưa thế giới đến gần hơn với sinh viên ĐH Hồng Bàng.

- Nhận định của ông về nền giáo dục nước nhà trong năm 2009?

Theo một số nhà giáo dục ảnh hưởng tư bản, bên cạnh chức năng đào tạo, nếu nhìn nhận dưới góc độ kinh tế thì giáo dục ngày nay mới thật sự là ngành công nghiệp không khói. Sản phẩm làm ra không bao giờ “lỗi mốt” để phải bán ra như “hàng dạt” hay “hàng tồn kho”. Nhà đầu tư có thể không cần tìm thị trường cho sản phẩm của mình, vì những sinh viên tốt nghiệp nếu được đào tạo bài bản phần lớn đều có thể tự lo liệu việc làm ổn định. Do vậy, các nhà đầu tư hiện đang “âu sầu” về sự khủng hoảng kinh tế có thể sẽ chuyển sự quan tâm của mình sang lĩnh vực giáo dục.

Năm 2009 cũng là năm mở đường cho sự hợp tác Việt – Mỹ trong lĩnh vực giáo dục cũng như tiếp tục thực hiện chủ trương của Bộ GD&ĐT từ năm 2008 là tiến hành hình thành các trường ĐH có trình độ quốc tế theo hình thức hợp tác, liên kết.

Theo tôi, năm 2009 chắc chắn sẽ là năm nở rộ cho hệ thống giáo dục VN.

- Cảm ơn Tiến sĩ đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Minh Tuyết (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục