Trở lại ngày xưa

Kể cũng lạ, tháng 10, tháng 11 còn thong dong một chút, chứ tháng Chạp vừa rón rén sang, coi như ngày tết đã về đến cửa. Đọng trong tôi vẫn mãi là muôn màu nhớ. 

Nhớ mẻ bột hồ anh trai tôi khuấy để dán từng tờ lịch lên vách nhà đã cũ. Nhớ từng cánh hoa giấy chị tôi tỉ mỉ cắt dán đến nửa đêm dưới ánh đèn dầu leo lét. Nhớ cái bàn ủi có chốt khóa bằng con gà một chân dùng từ gáo dừa đốt lên để ủi đồ mới mà mẹ tôi vừa cắt may cho cả nhà. Nhớ om dưa cải dậy mùi chua được ủ từ nước cơm vo nhà làm, nhớ nồi bánh tét mà bà phân công anh em tôi canh lửa đến tận tối giao thừa…

Nhưng âm vọng sâu thẳm trong tâm hồn tôi, khó có thể san lấp được, đó là nhịp quết bánh phồng ngày tết xưa của bà, thuở tôi còn nhỏ. Bây giờ, bà tôi đã về cõi khác, nhưng nhịp quết bánh phồng ngày đó của bà vẫn còn vọng đều vào mỗi giấc mơ tôi những ngày giáp tết.

Không nhớ từ bao giờ, chỉ nhớ khi tự mình biết thưởng thức và cảm nhận vị ngon từ các món ăn, tôi đã bị đôi bàn tay khéo léo của bà làm cho mê hoặc. Chỉ là chút cơm thừa thôi, bà cũng có thể biến chúng thành cốm, hay với một tẹo bột, thể nào lũ nhóc bọn tôi cũng có bánh cam, bánh còng để ăn. Như thế đó, bọn trẻ con nhà quê chúng tôi lớn lên từ những món ăn dân dã đẫm tình yêu thương từ bà, từ mẹ.

Nói vòng vo như thế, cốt cũng chỉ để trở lại nhịp quết bánh phồng ngày tết của bà mà thôi. Muốn cho những cái bánh phồng ngon, bà tôi cẩn thận chọn từng hạt nếp, từng ký khoai mì (các vùng miền khác gọi là sắn). Ngày đó, bà tôi chỉ quết hai loại: bánh phồng nếp và bánh phồng mì thôi, không phải nhiều loại như các cơ sở sản xuất công nghiệp bây giờ.

Để có được những cái bánh phồng nếp ngon, bà tôi chỉ chọn loại nếp sáp hột to, có hương thơm tự nhiên, dẻo nhiều. Nếp sáp sau khi mua về, bà tôi ngâm trong nước đến vài tiếng đồng hồ cho hạt nếp mềm, tiếp theo, nếp được vò sạch rồi cho vào chõ xôi cho nếp chín.

Khi nếp vừa chín tới, bà tôi cho vào cối giã chung với nước cốt dừa, đường. Cái hay nhất của bà tôi ở chỗ, bà chỉ nêm nếm theo quán tính chứ không phải cân đong theo trọng lượng đường muối, vậy mà cái bánh phồng có vị đậm đà đến khó tả.

Khó hơn chút là khâu quết bánh, mà quết thì chỉ cần sức mạnh, khó nhất ở đây là trở bột. Vì vậy, các công đoạn khác, bà tôi có thể nhờ hoặc “phân công” cha mẹ tôi, anh em tôi hoặc những người con, dâu khác của bà; nhưng khâu trở bột, phải tự bà tôi đảm nhiệm. Vì khi trở bột phải thật đều tay, nhanh và liên tục thì bột mới nhuyễn và không còn nguyên hạt nếp, bánh mới nở đều và xốp khi nướng.

Khi bột đã được quết nhuyễn (hay còn gọi là giã), sẽ đến công đoạn cán bánh. Để bánh được cán đều và tròn đẹp, lại phụ thuộc vào người “bắt” bột. Người bắt bột khéo là bắt được các viên bột đều nhau về khối lượng. Bánh cán xong sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nếu nắng tốt, cỡ nửa ngày bánh dẻo khô, đừng quá giòn là được.

Tương tự bánh phồng nếp, bánh phồng mì nguyên liệu chính được làm từ khoai mì. Khoai mì sống sau khi mua về sẽ được lột vỏ, rửa sạch rồi đem ngâm qua nước một đêm để tránh bị thâm đen. Đến sáng hôm sau, ta có thể đem khoai mì rửa thật sạch với nước lạnh, cắt thành từng khúc rồi cho vào nồi hấp cách thủy đến khi khoai mì chín.

Vì sao phải hấp? Thay vì luộc khoai mì, ta hấp để khoai không bị nhão, khó quết. Sau khi khoai mì đã được hấp chín, ta bỏ cọng rễ ở bên trong lõi, cả phần xơ và sượng của khoai mì cũng được bỏ đi. Bước tiếp theo là cho khoai mì vào trong cối quết. Khoai mì được quết chung với hỗn hợp nước cốt dừa cùng với đường mía...

Cũng giống như bánh phồng nếp, quết đến khi nào bột khoai mì thật nhuyễn và quyện vào các hỗn hợp khác thì “bắt” bột rồi đem ra cán thành những cái bánh tròn đều, không quá dày cũng không quá mỏng. Chiếc bánh sau khi được cán và phơi đặng nắng, sẽ có màu trắng ngà của nước cốt dừa, ăn sống sẽ có mùi thơm và béo ngậy của sữa.

Bánh phồng mì thường được bà tôi bắt đầu làm từ khuya, để khi trời vừa hửng nắng, bánh đã được đem ra phơi, đến trưa, hơi đứng bóng một chút, là bánh đã khô, và thể nào bọn trẻ con chúng tôi cũng được bà cho ăn thử.

Suốt năm tháng ấu thơ, tôi đã lớn lên bên những điều bình dị mà thân thương đến lạ lùng như thế. Để rồi bây giờ, khi mỗi mùa giáp tết, tôi lại hoài niệm về những điều xưa cũ, về những ký ức vụn đã nuôi tôi khôn lớn thành người.

Đâu đó bên hiên nhà thuở nhỏ, góc này cha tôi vót nan lọp, góc kia mẹ tôi khâu vá. Và xa hơn một chút, sau chái bếp, khói chiều quê đang nhẹ len, chị tôi chuẩn bị bữa cơm chiều đậm mùi kho quẹt…

Để rồi bây giờ, làm sao tôi có thể trở lại ngày xưa?

Tin cùng chuyên mục