Trở về Hồng Bắc

Hồng Bắc (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế)- mảnh đất chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, nơi túi bom của quân thù, vùng trắng bởi chất độc da cam, nhưng cũng là mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt với sự hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ. Nơi đây đã sinh ra 3 Anh hùng LLVTND là Hồ Vai, Hồ Kan Lịch và Hồ Nun; hàng trăm hạt giống đỏ cho cách mạng cũng đã nảy mầm, trưởng thành... Chiến tranh đã lùi xa, chúng tôi trở lại Hồng Bắc, dấu vết của bom đạn, những vết thương do chiến tranh đã dần được hàn gắn…
Trở về Hồng Bắc

Hồng Bắc (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế)- mảnh đất chịu nhiều gian khổ trong chiến tranh, nơi túi bom của quân thù, vùng trắng bởi chất độc da cam, nhưng cũng là mảnh đất ghi dấu những trận đánh oanh liệt với sự hy sinh anh dũng của biết bao chiến sĩ. Nơi đây đã sinh ra 3 Anh hùng LLVTND là Hồ Vai, Hồ Kan Lịch và Hồ Nun; hàng trăm hạt giống đỏ cho cách mạng cũng đã nảy mầm, trưởng thành... Chiến tranh đã lùi xa, chúng tôi trở lại Hồng Bắc, dấu vết của bom đạn, những vết thương do chiến tranh đã dần được hàn gắn…

Quá khứ hào hùng

Già làng Cu Xết - nguyên Xã đội trưởng xã Hồng Bắc kể: “Khi chưa có ánh sáng của Đảng và Bác dẫn đường, cả vùng núi phía Tây Thừa Thiên - Huế, con chữ xa lạ với người dân, tuổi tính theo mùa rẫy, con trăng, lấy lá rừng làm bát đựng thức ăn, đàn bà con gái không đủ váy mặc, thanh niên đóng khố bằng lá dăm bo. Từ năm 1955 - 1959, già làng, trưởng bản từ miền Nam ra Hà Nội gặp Bác Hồ. Chuyến đi ấy, A Lưới có 10 người, gặp Bác ai cũng mừng vui, nước mắt rưng rưng. Bác ân cần  dặn dò - con đường giải phóng dân tộc là đem lại ấm no, hạnh phúc… Nhớ lời Bác dặn, khi quay về, cả 10 người đều tích cực vận động con em đi theo Bác, theo cách mạng… Nhiều gia đình ăn sắn, ăn khoai, còn thóc gạo, bạc, trâu bò và cả những con voi là tài sản quý giá nhất thì  nhường hết cho bộ đội. Người người, nhà nhà là “căn cứ” che chở bộ đội, bảo vệ đường 559".

Nói đến đây, già Cu Xết ngừng lại, đôi mắt ánh lên niềm tự hào vì nhớ lại những ngày chiến đấu hào hùng năm xưa. Những năm tháng ác liệt ở Hồng Bắc, những trận đánh ở đồi A Bia hào hùng năm nào lại ập về.

Già làng Cu Xết nhớ lại từng chiến công mà nhân dân xã Hồng Bắc anh hùng đã lập được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Già làng Cu Xết nhớ lại từng chiến công mà nhân dân xã Hồng Bắc anh hùng đã lập được trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Già nhớ lại: “Năm 1965 - 1967, quân địch liên tục rải chất độc hóa học khiến cây cối, hoa màu ở miền núi A Lưới cháy rụi. Rồi bệnh tật xuất hiện, người dân nằm la liệt, một số không qua khỏi… Bộ đội địa phương, dân quân, du kích cũng không ngoại lệ. Trước tình thế ấy, Khu ủy Trị Thiên đã họp khẩn, đưa cán bộ xuống các xã hướng dẫn dân tăng gia sản xuất trồng khoai, kê, bo bo... Đồng thời củng cố lại lực lượng vũ trang, phát động các phong trào bắn máy bay, đánh biệt kích, chống địch càn quét lớn… Vợ tui bỏ nghề giáo viên về làm chính trị viên xã đội, trực tiếp chỉ huy và cầm súng chiến đấu cùng 60 đồng đội giáp lá cà với địch ở đồi A Bia nằm phía đầu làng. Trong những trận đánh ác liệt giữa bộ đội chủ lực phối hợp với du kích Hồng Bắc, vào tháng 5-1969, tại đồi A Bia, Can Ruòh - vợ tui đã dùng súng trường bắn rơi một máy bay trực thăng của địch, được phong tặng Chiến sĩ thi đua”.

Giữa năm 1969, địch dùng đến 13 tiểu đoàn bộ binh, 8 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ, trang bị xe tăng, máy bay hòng san bằng ngọn đồi, cắt đứt đường vận chuyển của Đoàn 559. Nhưng dù có vũ khí hiện đại, 1.500 tên địch đã bị tiêu diệt. Báo chí Mỹ đã chua chát gọi đồi A Bia là đồi “Bi Ai”, đồi “thịt băm”...

Trăn trở hôm nay

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện A Lưới nói chung, đồng bào PaKô ở xã Hồng Bắc nói riêng, một màu xanh mới tràn trề nhựa sống đã phủ lên trên “mảnh đất chết” như xóa đi những di chứng cuộc chiến năm xưa.

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc, Hồ Thị Thắng, tâm sự: “Từ khi tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua huyện A Lưới hoàn thành, cơ cấu kinh tế của huyện cũng có sự thay đổi, thương mại, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh hơn. Nhưng, để giải bài toán thoát nghèo của bà con Hồng Bắc thì còn nan giải lắm. Cả xã có hơn 400 hộ với gần 2.000 nhân khẩu (100% đồng bào dân tộc PaKô) nhưng có hơn 60% hộ thuộc diện nghèo, khả năng tái nghèo của những hộ còn lại là rất cao khi đồng bào chủ yếu sống dựa vào lúa rẫy, phụ thuộc vào nước trời, được mất trời cho. Tình trạng săn bắt, hái lượm vẫn diễn ra. Gay go nhất là di chứng của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh đã ngấm sâu vào lòng đất, hủy hoại nguồn sống…”.

Một khó khăn nữa của địa phương là số con em trong độ tuổi học THCS bỏ học quá cao, từ 30%-40%/năm. Ngoài lý do kinh tế khiến phụ huynh không mặn mà với việc học tập của con em, thì một nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ học sinh bỏ học cao là địa phương chưa có trường cấp THCS. Học sinh từ lớp 6 trở lên phải đi bộ gần 6 km đường làng gập ghềnh đến học tập trung tại xã Hồng Quảng. Khi trời mưa phùn gió bấc, học sinh lại rủ nhau bỏ lớp.

Ông Hồ Chí Thời, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, cho biết: “Địa phương đang triển khai kế hoạch xây dựng cụm trường cấp 2 tập trung tại xã Hồng Kim dành cho học sinh Hồng Bắc, Hồng Quảng và Hồng Kim. Nhưng dự án lại gặp “eo” vì cần phải có nguồn kinh phí khoảng 4,5 tỷ đồng để xây cầu, đường nối trường học Hồng Kim với xã Hồng Bắc và Hồng Quảng, mới mong các em đến lớp, cũng là xóa được nỗi ám ảnh sợ hãi mỗi khi học sinh qua suối mùa mưa lũ”.

Ông lo lắng: “Hướng đã có rồi đấy, nhưng làm cách nào thì địa phương còn đang loay hoay, chưa xoay ra được kinh phí”.

VŨ VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục