Trồng cây ăn trái trong chậu - Làm chơi xơi thiệt

Ít ai biết, ở giữa cố đô Huế lại có một khu vườn hội ngộ hàng ngàn chậu cây ăn trái có nguồn gốc từ nhiều nước trên thế giới. Bà Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, TP Huế khoe với chúng tôi về mô hình trồng cây ăn trái trong chậu vừa chơi, vừa kinh doanh do hội viên Võ Thị Túy Lệ thực hiện.
Trồng cây ăn trái trong chậu - Làm chơi xơi thiệt

Ít ai biết, ở giữa cố đô Huế lại có một khu vườn hội ngộ hàng ngàn chậu cây ăn trái có nguồn gốc từ nhiều nước trên thế giới. Bà Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, TP Huế khoe với chúng tôi về mô hình trồng cây ăn trái trong chậu vừa chơi, vừa kinh doanh do hội viên Võ Thị Túy Lệ thực hiện.

  • Bảo tàng cây ăn trái

Mưa dầm dề cả tháng trời, cộng cái lạnh thấu da thịt khiến đa phần cây trồng tại TP Huế và các huyện vùng ven chết úng hoặc trơ càng, trụi lá. Vậy mà khu vườn rộng hơn 500m2, với hàng ngàn chậu cây ăn trái các loại của bà Võ Thị Túy Lệ (65 tuổi), ở khu 5 phường Thủy Biều, vẫn xanh mướt, hoa trái sum suê. Ý tưởng tạo khu vườn độc đáo này xuất phát sau nhiều năm bà Lệ đam mê học hỏi kiến thức trồng, chăm sóc cây ăn trái của người làm vườn miền Tây Nam bộ.

Bà Lệ tuyển chọn các loại giống cây ăn trái trong và ngoài nước mang về trồng trong chậu và khi đã thành công, bà mới mở lớp truyền dạy kiến thức cho các hội viên Hội Nông dân phường Thủy Biều. Qua đó, giúp bà con đa dạng giống cây trồng, thích nghi với thời tiết bất thường và khắc nghiệt của dải đất miền Trung.

Bà Võ Thị Túy Lệ bên cây cóc Thái Lan trồng trong chậu một năm đã sum suê trái.

Bà Võ Thị Túy Lệ bên cây cóc Thái Lan trồng trong chậu một năm đã sum suê trái.

Bên cây cóc Thái Lan trĩu quả, bà Lệ tâm sự: “Cũng chưa có gì đáng kể, nên tôi không dám kết luận thành hay bại. Chỉ biết, những loài cây ăn trái lấy giống từ các tỉnh miền Tây và Đông Nam bộ hay Thái Lan, Nhật Bản, Pháp… mà tôi trồng trong chậu đều cho trái to và ngọt”. Đặc biệt, cây trồng trong chậu đơm hoa kết trái sớm (cây khế trồng trong chậu một năm sau sẽ đơm hoa kết trái. Trong khi trồng tại vườn mất từ 2-3 năm mới ra trái – PV) và hoa trái ra quanh năm, chất lượng thơm ngon hơn. Trồng cây trong chậu không khó, thuận lợi di chuyển tránh nắng nóng hoặc mưa lớn.

“Nhưng để cây đơm hoa kết trái theo ý muốn, ngoài việc tuyển chọn cây thân thấp chiết cành làm giống, người làm vườn phải chọn thời điểm xuống giống thích hợp. Ví như, bưởi giống Hà Nội trồng vào mùa xuân, đất không quá ẩm và phải ủ gốc cây bằng bùn ao, hạn chế dùng phân hóa học. Muốn trái đậu nhiều, phải “điều chỉnh” bưởi trổ hoa đúng dịp tết…”, bà Lệ cho biết.

  • Trồng gừng trong bao xi măng

Từ lâu, giống gừng trồng ở khu vực gò đồi Thủy Biều dùng làm nguyên liệu mứt tết xứ Huế nổi tiếng, bởi vị ít cay và hương thơm hơn gừng trồng nơi khác. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa và thời tiết nắng mưa bất thường nên mấy năm gần đây người dân không mấy mặn mà với cây gừng. Không đành lòng nhìn giống cây đặc sản quê mình mất dần, bà Lệ đã dày công sưu tầm sách khuyến nông, nghiên cứu tìm ra phương pháp trồng gừng trong bao xi măng.

Tại lớp tập huấn kỹ thuật trồng gừng trong do Hội Nông dân phường Thủy Biểu tổ chức cho các hội viên, bà Võ Thị Túy Lệ với vai trò giảng viên, chia sẻ: Gừng giống mua về cắt thành từng đoạn, mỗi đoạn chọn những mắt mầm khỏe đem ủ bằng vỏ trấu mục 15 ngày để gừng nảy mầm. Bao xi măng phải vệ sinh sạch sẽ, cắt đôi theo chiều ngang, lấy phần đáy bao, đục 5-6 lỗ nhỏ thoát nước. Tiếp đó, rải lớp vỏ trấu dày 10cm dưới đáy bao, đặt gừng giống nảy mầm vào trong và phủ trên bề mặt lớp đất pha với tỷ lệ 70% đất màu, 30% phân chuồng và một ít phân vô cơ.

Hai tháng sau, thân cây phát triển khoảng 20cm, tiếp tục bón thúc bằng phân vi sinh và phân kali… Gừng là loài cây cần ánh sáng vừa phải nên có thể đặt các bao xi măng trồng gừng dưới tán cây xanh hay giàn mướp.

Bà Tôn Nữ Quỳnh Tương, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, cho biết: “Trồng gừng trong bao chỉ tốn 1/10 công chăm sóc so với trồng gừng tại khu vực gò đồi. Một cụm gừng trồng trong bao cho năng suất 1-1,5kg, trong khi một cụm gừng trồng trên một mét vuông đất khu vực gò đồi thường cho năng suất 0,5-0,8kg/cụm. Chất lượng gừng củ tương đương với gừng bán trên thị trường 50.000 đồng/kg. Đây là mô hình mới nhưng hiệu quả góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. 

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục