Trông chờ luật hóa việc tự chủ đại học

Sau khi loạt bài Giải pháp để đại học tự chủ hoàn toàn khởi đăng trên Báo SGGP (từ ngày 19 đến 20-10), nhiều cơ quan chủ quản và trường đại học (ĐH) tự chủ đã có ý kiến phản hồi về những nội dung mà báo đã phản ánh. Chúng tôi xin trích lượt nội dung các ý kiến gửi đến bạn đọc. 

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng:

Tôi thích cụm từ “cần sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống” trong bài 2 đăng ngày 20-10. Việc mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và y tế theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 19-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương khóa XII chưa bao giờ cần đến điều đó như bây giờ.

Thiếu sự hành động đồng bộ của các đơn vị chức năng trong toàn hệ thống, một chủ trương, nghị quyết (NQ) hay luật pháp đúng đắn tới đâu cũng có thể phá sản khi đi vào thực tế.

Tôi đơn cử 2 thí dụ. Một là, trong NQ 77 về thí điểm đổi mới cơ chế quản lý của các cơ sở giáo dục ĐH đã yêu cầu các bộ, ngành trung ương phải điều chỉnh các quy định hiện hành cho tương thích với tinh thần của NQ 77. Sau đó, trong các kỳ họp tổng kết, vấn đề này tiếp tục được Chính phủ yêu cầu.

Thế nhưng cho đến nay, riêng Bộ GD-ĐT vẫn còn hàng chục thông tư đã cũ, đã lạc hậu, không phù hợp với NQ 77 và những văn bản chỉ đạo có liên quan khác của Chính phủ; vẫn chưa biết đến bao giờ mới được sửa đổi.

Hệ quả, mỗi lần có đoàn thanh tra hay kiểm toán vào làm việc với cơ sở giáo dục, buộc phải lấy quy định “cũ” làm cơ sở kiểm tra; đơn vị bị kiểm tra cũng “khổ” vì trường thì tự chủ và tiến lên nhưng phải chịu quy định không còn phù hợp.

Hai là, ngày 24-1-2018, Chính phủ đã ban hành NQ 08 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ số 19 ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Trong đó, rất nhiều nhiệm vụ được đặt ra có thời hạn phải hoàn thành trong năm 2018 (lần lượt từ quý 1 đến quý 4). Nay, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết năm nhưng rất nhiều công việc đã và đang không có khả năng hoàn thành. Rõ ràng là sự thiếu đồng bộ trong hành động của cả hệ thống đã làm suy giảm hiệu quả của các chủ trương lớn.

Trong hoàn cảnh chúng ta đang ra sức xây dựng mô hình Nhà nước kiến tạo và Nhà nước hiệu quả, việc “không chạy cùng”, “không tương thích” hay “không đồng bộ” trong hành động của các cơ quan chức năng là thành viên Chính phủ đã và đang làm suy giảm hiệu quả toàn hệ thống, gây tác hại không nhỏ đến việc xây dựng Chính phủ kiến tạo và việc tiếp tục đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tự chủ.

PGS-TS Phan Thị Bích Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TPHCM:

Sau 4 năm tự chủ theo NQ 77 thì trường hoàn toàn thay đổi theo hướng tốt hơn. Từ chương trình đào tạo, giảng viên, thu nhập giảng viên đến điều kiện học tập của sinh viên được đầu tư thỏa đáng.

Tuy nhiên, cũng giống như 22 trường khác, tất cả việc thực hiện tự chủ là các trường tự làm chứ chưa hề có hướng dẫn hay nghị định tự chủ. Do đó, không riêng gì Trường ĐH Kinh tế TPHCM, mà nhiều trường khác dù là tự chủ nhưng vẫn còn vướng rất nhiều quy định hiện hành.

Trông chờ luật hóa việc tự chủ đại học ảnh 1 Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM)
trong giờ thực hành với giảng viên nước ngoài
Ngay cả việc Bộ GD-ĐT cho thí điểm 3 trường không còn cơ quan chủ quản (Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) theo chỉ thị của Thủ tướng thì chúng tôi cũng phải tự họp, tự bàn, tự thống nhất với nhau. Hiện nay tờ trình đã gửi Thủ tướng Chính phủ.

TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM:

Có thể nói rằng sự thành công của các trường ĐH khi được thí điểm tự chủ là minh chứng rõ nét nhất tinh thần NQ 19 và NQ 77. Tuy nhiên, điều mà các trường mong muốn nhất hiện nay là việc tự chủ phải được luật hóa chính thức bằng các văn bản quy phạm pháp luật.

Ngay cả Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH sắp trình Quốc hội cũng không hề có dòng nào đề cập đến trường công lập tự chủ.

Một đại diện của Bộ GD-ĐT:

Thực hiện NQ 19 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, bộ chỉ thực hiện chủ quản đối với các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước của bộ và những đơn vị trọng điểm, chuyên sâu.

Căn cứ Thông báo kết luận số 220/TB-VPCP ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT và Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực, theo đó chỉ đạo làm thí điểm, trước mắt là 3 cơ sở giáo dục ĐH bao gồm Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội xây dựng đề án thực hiện thí điểm không có cơ quan chủ quản để báo cáo Chính phủ quyết định, Bộ GD-ĐT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ và các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện các đề án thí điểm này.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã soạn thảo, trình Thủ tướng và chờ phê duyệt Nghị định về tự chủ ĐH, để các trường có đầy đủ cơ sở pháp lý trong thực hiện.

Tin cùng chuyên mục