Trông chờ thay đổi thật sự trong công tác cán bộ

Nghị quyết Trung ương 7 chứa đựng một hệ thống những quan điểm mới, khoa học trên cơ sở tổng kết công tác cán bộ hàng thập kỷ qua. Vì thế, điều đòi hỏi là việc triển khai thực hiện thực chất nhằm tạo ra cú hích tinh thần mạnh, sự phấn chấn cao.

TS NGUYỄN VIỆT HÙNG (Học viện Cán bộ TPHCM): Cần học thật, làm thật

Trông chờ thay đổi thật sự trong công tác cán bộ ảnh 1
Bác Hồ có nói cán bộ là gốc, nếu hỏng từ gốc thì hỏng hết. Do đó, để có con người dĩ công vi thượng, chí công vô tư thì trở lại tư tưởng của Bác Hồ, tập trung ở 4 điểm.
Thứ nhất, cán bộ là gốc của mọi việc thì huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Do đó, việc huấn luyện phải thực hiện toàn diện nhưng lấy cán bộ làm gốc và huấn luyện đạo đức cách mạng. Vừa qua ta xem nhẹ việc giáo dục đạo đức cách mạng, xem nhẹ giáo dục làm người tử tế trước khi làm người cán bộ tử tế.
Thứ hai, việc đánh giá cán bộ qua công việc, thay vì đánh giá qua lý lịch, hồ sơ qua cánh hẩu (là tiền, là quan hệ, là nợ nần nhau, là bao che nhau, là vì nhóm lợi ích…).
Thứ ba, việc kiểm soát quyền lực người đứng đầu, Bác Hồ cũng nói, là người của tổ chức, của bộ máy nếu không có đạo đức cách mạng thì sớm hủ hóa, tham ô, nhận hối lộ.
Do đó phải tăng cường dân chủ, dựa vào dân để kiểm soát quyền lực nhà nước. Thứ 4 là việc công khai minh bạch, chí công vô tư, quang minh chính đại, không thể để tình trạng ẩn khuất, cứ đóng dấu mật, kể cả trong công tác tổ chức cán bộ. Điều này nhằm ngăn chặn sự mờ ám, tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ và tránh được tình trạng “quy trình đúng nhưng chọn người sai”.
Nghị quyết Trung ương 7 đang thực hiện theo hướng này. Theo đó, Nghị quyết Trung ương 7 đề cập đến 3 vấn đề, gồm xây dựng đội ngũ cán bộ, chính sách tiền lương và BHXH nhưng tựu trung là vì con người - người cán bộ của Đảng. Mục đích cốt lõi của Nghị quyết Trung ương 7 là xây dựng cán bộ đàng hoàng, tử tế, quang minh chính đại và làm việc cho dân cho nước.
Nghị quyết lần này chứa đựng một hệ thống những quan điểm mới, khoa học trên cơ sở tổng kết công tác cán bộ hàng thập kỷ qua, từ sau ngày thống nhất đất nước.
Đồng thời, qua nghiên cứu các nghị quyết của Đảng về công tác cán bộ, đặc biệt từ sau Nghị quyết Trung ương 3 (năm 1997), thực hiện chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến nay, tôi khẳng định tất cả các nghị quyết đều đúng.
Song, chỉ có quá trình tổ chức thực hiện sai hoặc không tổ chức thực hiện quyết liệt đầy đủ đúng bản chất, đúng thực chất của các nghị quyết nên hiệu quả chưa đạt được như mong muốn. 
Nếu không nhìn thấy điều này thì con đường xa nhất “từ nghị quyết đến thực tế” vẫn tồn tại. Vì vậy, nội dung này cần được quán triệt ngay từ đầu khi triển khai quán triệt Nghị quyết Trung ương 7, nhằm tránh lặp lại bánh xe cũ.
Điều đặc biệt quan trọng để Nghị quyết Trung ương 7 tạo được cú hích tinh thần mạnh, sự phấn chấn cao thì chỉ cần 1 chữ “thật”, là học thật, làm thật. Tôi cũng tán thành với các chủ trương mà Nghị quyết Trung ương 7 đặt ra, trong đó có yêu cầu người đứng đầu cấp ủy tỉnh, huyện không phải là người địa phương.
Tuy nhiên, nội dung này cần được thực hiện một cách khoa học, thấu lý, đạt tình, cân nhắc nhiều chiều và xét tới những trường hợp đặc thù. Nếu nhất nhất thực hiện như thế có thể dẫn đến khiên cưỡng.
Cán bộ tại chỗ đảm bảo hiệu quả công việc, lại không vinh thân phì gia, không để người thân lợi dụng thì họ am hiểu địa phương, nắm chắc con người, hiểu rõ tình hình và trung thực, tâm huyết là quá tốt. Người nơi khác là có cái hay nhưng nếu có tư tưởng sai thì cũng sẽ có nhóm lợi ích mới ở nơi mới được bố trí.
Cho nên, vấn đề không phải cán bộ sinh ra ở đâu mà là họ cống hiến như thế nào, họ có sự trong sáng, chí công vô tư và dĩ công vi thượng hay không? Điều này có nghĩa là nhân tố con người mới là quyết định.

Ông LÊ NGỌC LONG (cán bộ hưu trí quận Bình Thạnh, TPHCM): Hy vọng và tin tưởng sẽ thay đổi thực sự

Trông chờ thay đổi thật sự trong công tác cán bộ ảnh 2
Hội nghị Trung ương 7 đã thông qua đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Tôi rất tán đồng với tinh thần của đề án, nhất là yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; đồng thời đòi hỏi xây dựng và hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ.
Trung ương đã coi đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đấu tranh ngăn chặn sự tha hóa quyền lực trong bộ máy công quyền, sự suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên để củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Điều đó cho thấy Trung ương đang có quyết tâm thay đổi rất lớn. Người dân chúng tôi đang trông chờ những thay đổi đó phải là thật sự. Làm như thế nào, làm được không là các vấn đề chúng tôi đang theo dõi, hy vọng. Nhưng thực hiện được điều đó không hề dễ dàng, đơn giản.
Thực tế thời gian qua trong khắp cả nước đã xảy ra nhiều vấn đề, nhiều vụ tiêu cực nặng nề. Đáng tiếc nó không phải chỉ xảy ra ở cán bộ cấp thấp, cán bộ thường mà cả cán bộ chủ chốt. Người có trọng trách cao cũng vi phạm. Gần như động đến lĩnh vực nào thì đều có “khoảng rỗng” là các sai phạm, diễn ra ở khắp nơi.
Việc chấn chỉnh là không đơn giản. Liệu tất cả đều được xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm với bất cứ ai? Hay có tình trạng chấn chỉnh cấp dưới, cấp thấp nhưng với “cây đa, cây đề, cây si” - tức là cán bộ giữ trọng trách lớn thì chờ… nghiên cứu tiếp?
Tôi mong muốn, nếu phát hiện sai sót trong công tác cán bộ, cùng với kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, phải xử lý nghiêm cả những cá nhân, tổ chức đã cất nhắc, chọn lựa cán bộ đó.
Những sai phạm do cán bộ nào gây ra, người đó phải chịu trách nhiệm đền bù và không được lấy tiền ngân sách để khắc phục các sai phạm đó. Mặc khác phải kiên quyết theo hướng người vi phạm, dù chức bé, chức to, quyền ít, quyền nhiều đều phải bị xử lý tương xứng với sai phạm. Có như vậy, lòng tin của nhân dân mới thực sự được giữ củng cố, khôi phục.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quyết liệt trong công tác cán bộ. Để thành công như mục đích của đề án và yêu cầu của xã hội, tôi mong muốn, cùng với Tổng Bí thư, cả Bộ Chính trị cũng phải tâm huyết, một lòng làm cho đất nước trong sạch.
Các cấp ủy đảng cũng cần phải cùng hành động như tinh thần Trung ương. Người dân chúng tôi cũng đòi hỏi bản thân những cán bộ, có trọng trách ở mỗi vị trí phải có tâm, có tầm, không thiên lệch lợi ích riêng tư, một lòng phụng sự nhân dân, làm cho đất nước hùng cường. Có như vậy, mới khả dĩ đạt được mục đích, đáp ứng yêu cầu.

Tiến sĩ HUỲNH THANH ĐIỀN (Đại học Kinh tế TPHCM): Kiên quyết bước qua trở lực mới cải cách thành công

Trông chờ thay đổi thật sự trong công tác cán bộ ảnh 3
Việc Trung ương ban hành nghị quyết về cải cách tiền lương thể hiện quyết tâm chính trị cao để thúc đẩy cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt. Điểm sáng của đề án cải cách tiền lương lần này là xây dựng thang bảng lương theo vị trí công việc và đảm bảo cuộc sống của cán bộ, công chức, sẽ tạo động lực cho cán bộ, công chức phấn đấu làm việc, sáng tạo để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước.
Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, các cơ quan lập pháp, hành pháp cần sớm có kế hoạch hành động cụ thể trong việc soạn thảo, ban hành các văn bản pháp luật về thang bảng lương, cơ cấu lại bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương theo hướng tinh gọn, cân đối nguồn thu ngân sách dành cho trả lương theo cơ chế mới.
Việc ban hành các quy định phải đảm bảo tính khoa học từ phân tích công việc, thiết kế bộ máy, xác định chức danh công việc, số lượng nhân sự cho từng chức danh, mức lương, tiền thưởng, tiêu chí đánh giá dùng làm cơ sở trả lương và thăng tiến trong khu vực công.
Thay đổi chính sách lương là một công cuộc đổi mới trong quản trị nhà nước nên sẽ vấp phải những trở lực. Đó là khả năng cán bộ hiện tại lo sợ mất việc, giảm lương, không thích ứng…; là sự nể nang trong việc sắp xếp lại bộ máy, xung đột nội bộ của các cơ quan. Những điều này sẽ cản trở quá trình triển khai đề án.
Do vậy, trong kế hoạch hành động phải đề ra lộ trình từ xua tan trở lực, đến tăng tốc thay đổi từ dễ đến khó nhằm đảm bảo có được thành công ngay từ những hành động đầu tiên trong quá trình cải cách tiền lương. Từ đó tạo được sự động thuận sâu rộng trong xã hội.
Cùng với cải cách tiền lương, một vấn đề tác động đến đông đảo người dân là cải cách BHXH. Điểm đáng lưu ý nhất trong đề án cải cách BHXH là thu hút và mở rộng đối tượng tham gia BHXH và bảo đảm cân đối thu chi bền vững.
Thu nhập và việc làm là hai yếu tố quyết định quỹ BHXH. Muốn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho dân cần khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân thông qua tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn, thu hút dòng vốn vào sản xuất. Khi một nền kinh tế phát triển bền vững thì đối tượng tham gia BHXH tự khắc sẽ tăng lên.

Giảng viên LÊ MINH TIẾN (Đại học Mở TPHCM): Cải cách tiền lương cốt yếu ở tinh gọn bộ máy

Trông chờ thay đổi thật sự trong công tác cán bộ ảnh 4
Nghị quyết về cải cách chính sách tiền lương được hội nghị Trung ương 7 thông qua là rất quan trọng, nhằm sớm xây dựng hệ thống chính sách tiền lương quốc gia khoa học, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế.
Điều này cũng giúp tạo động lực giải phóng sức sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực. Từ đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đồng thời phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Có thể nói, cải cách chính sách tiền lương là một trong những giải pháp hiệu quả nhằm kéo giảm tình trạng tham nhũng, lãng phí. Trong lĩnh vực xã hội học tội phạm, một trong những lý thuyết giải thích cho tình trạng tội phạm là khi cá nhân không tìm thấy những phương tiện hợp thức và hợp pháp để đạt được mục tiêu mà xã hội đề ra thì dùng đến các phương tiện phi hợp pháp để đạt được các mục tiêu ấy.
Như vậy, khi cán bộ, công chức, viên chức không đạt được mục tiêu là đảm bảo đời sống của cá nhân và gia đình mình bằng đồng lương (tức phương tiện hợp pháp), họ sẽ “sáng tạo” ra các phương tiện khác để đạt được mục tiêu ấy.
Một trong số “giải pháp sáng tạo” đó là tham nhũng. Vì vậy, việc nâng thu nhập chính đáng của họ lên đến mức đảm bảo được đời sống cho cá nhân và gia đình họ thì ít nhất chúng ta cũng sẽ kéo giảm được tình trạng tham nhũng vặt vốn đang tràn lan.
Tất nhiên, để thực hiện việc cải cách chính sách tiền lương theo hướng tăng lên để đảm bảo cho cuộc sống của cán bộ, công chức thì điều phải làm trước tiên là nhanh chóng cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn hơn. Chỉ bằng cách tinh gọn bộ máy, giảm bớt số người hưởng lương từ ngân sách thì mới có thể tăng thu nhập cho cán bộ, công chức được.
Về giải pháp tinh gọn bộ máy, chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin một cách sâu rộng hơn. Những đầu công việc vốn đang cần 2-3 người đảm trách thì thông qua ứng dụng công nghệ thông tin chỉ cần 1 người. Như vậy, tiền lương phải trả cho 2, 3 người sẽ chỉ còn trả cho 1 người.
Bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chúng ta cần quyết liệt cải cách tuyển dụng công chức.
Cụ thể, phải thay đổi theo hướng chỉ khi nào bộ máy cần nhân sự cho những đầu công việc được mô tả rõ ràng thì mới tuyển dụng, thay vì tuyển dụng rồi mới sắp xếp công việc.
Cùng với đó là phải tuyển dụng người có khả năng đảm nhận ngay các đầu việc ấy chứ không phải tuyển vào rồi đưa đi đào tạo như lâu nay. Bởi cách làm lâu nay tạo lãng phí ngân sách, dẫn đến khó thể tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.

Tin cùng chuyên mục