Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”!

TS Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế: Tạo môi trường tốt cho người tài làm việc
Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”!

“Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt khi đã là thành viên WTO, chúng ta đang đứng trước thách thức rất lớn về thiếu hụt đội ngũ nhân lực có trình độ cao. Việc nâng cao trình độ ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đang là vấn đề rất bức xúc. Phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng người tài là vấn đề Thành ủy, UBND TPHCM đặc biệt quan tâm” - bà Nguyễn Thị Lan, Phó Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM nhấn mạnh tại tọa đàm “Đưa cơ chế trọng dụng người tài đi vào cuộc sống” do Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài TPHCM tổ chức ngày 8-12. Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.

TS Nguyễn Thị Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế:
Tạo môi trường tốt cho người tài làm việc

Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”! ảnh 1

Chúng ta không thiếu người có tài năng, có đức độ, có tâm huyết vì dân. Vấn đề là phải tạo cơ chế để người có tài được tin cậy, được giao cho những công việc, những chức vụ, vị trí xứng đáng với tài năng của họ. Đấy phải là cơ chế mở, công khai minh bạch, tất cả mọi người đều có thể tham gia, ở mọi công việc, mọi vị trí. Bởi vì đơn giản là tài năng, đức độ của một người sẽ bộc lộ qua chính công việc, chức vụ mà người đó đảm trách. Chính qua công việc cụ thể thì người tài sẽ thể hiện rất rõ mình.

Với một cơ chế cạnh tranh lành mạnh mọi người đều có thể được thử thách, chúng ta sẽ chọn được người tài thực sự. Và điều quan trọng là phải tạo môi trường tốt cho người tài làm việc, cống hiến tài năng của mình.

TS Hồ Bá Thâm, Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM:
Đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách

Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”! ảnh 2

Sự phát triển của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng trong thời gian qua là bằng chứng về phát huy nội lực, sử dụng và trọng dụng nhân tài. Nhưng đồng thời, trong thực tế cũng có những hạn chế, bất cập đặt ra những vấn đề gay gắt, nhất là về nhận thức, cơ chế phát triển, sử dụng tài năng trẻ; cần phải nghiên cứu sâu ở tầm nhìn khoa học tâm lý giáo dục, khoa học lãnh đạo quản lý và tài năng học.

Yêu cầu trẻ hóa nguồn nhân lực, phát triển tài năng nói chung và phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ nói riêng là hết sức quan trọng. Nhân tài trên lĩnh vực quản lý có một ý nghĩa và vị trí đặc biệt. Phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào nhận thức, tâm lý, quan niệm và chính sách, cơ chế của các cấp lãnh đạo quản lý của xã hội. Cần có sự đồng bộ từ nhận thức, thái độ đến cơ chế chính sách trong phát hiện, đào tạo và sử dụng tài năng.

Ông Phạm Văn Hùng, nguyên UV Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy TPHCM: Cụ thể hóa chủ trương của Đảng

Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”! ảnh 3

Mặc dù các đại hội Đảng từ Đại hội VII đến Đại hội X đều đề cập đến vấn đề phát hiện, trọng dụng nhân tài nhưng rất tiếc là cho tới nay, Đảng ta chưa có một nghị quyết, một cơ chế chính sách nào để cụ thể hóa và đưa chủ trương chiến lược trọng dụng nhân tài vào cuộc sống.

Trong khi đó, chúng ta có những cán bộ đã qua đào tạo ở trong và ngoài nước, những cán bộ ngoài Đảng, những người có năng lực, có tài năng, còn trẻ nhưng vẫn chưa được sử dụng hoặc sử dụng không đúng ngành nghề. Ngay trong lực lượng đông đảo cán bộ đến tuổi nghỉ hưu, có một số người giỏi về khoa học kỹ thuật, về chuyên môn nghiệp vụ, còn sức khỏe có thể tiếp tục cống hiến bằng hình thức phù hợp, nhưng không được sử dụng. Có thể coi đây là một sự lãng phí lớn về nhân lực và chất xám…

Để có thể làm tốt vấn đề này, trước hết lãnh đạo thành phố cần có chuyển biến về tư duy, quan điểm và quý trọng sử dụng người tài hơn nữa trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với đội ngũ cán bộ sẵn có, đã qua đào tạo, nên rà soát kỹ, điều chỉnh những người sử dụng chưa đúng ngành nghề và tạo điều kiện cho những người có tài năng phát huy hết năng lực của mình.

TS Mai Văn Bảy, Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực, nhân tài TPHCM:
Có chính sách trọng dụng và đãi ngộ tốt

Trọng dụng người tài - Cần một cơ chế “mở”! ảnh 4

Làm sao để phát hiện được nhiều người tài và tư vấn việc trọng dụng người tài có hiệu quả là vấn đề Hội KHPTNNLNT TPHCM đặc biệt quan tâm. Thực trạng hiện nay là có người tài chưa được sử dụng, có người tài được sử dụng chưa hết tài năng của họ, có người tài mới xuất hiện qua thực tiễn lao động sáng tạo, do đó cần phải có biện pháp phát hiện người tài.

UBND TPHCM đã “đặt hàng” Hội KHPTNNLNT TPHCM tích cực tư vấn, phản biện có hiệu quả vào “Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo”, góp sức cùng Đảng bộ và chính quyền TP sớm phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng tốt nhất nhân tài trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Hiện nay, ở TPHCM có nhiều thuận lợi về đội ngũ nhân lực, nhân tài, nếu có cơ chế, chính sách trọng dụng và đãi ngộ tốt, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả to lớn.

Hồng Quân - Quý Lâm

Tin cùng chuyên mục