Trong nhà kho của ký ức

1.

1. Hồi bé, như mọi đứa trẻ trong làng, tôi luôn luôn chờ tết đến. Tết càng đến gần càng nôn nao. Cách tết một tháng, bọn trẻ con chúng tôi đã tính đếm từng ngày. Có đứa quanh năm không ngó ngàng gì tới tấm lịch trên tường, bây giờ ngày nào cũng giành bóc lịch. Chỉ để sung sướng thấy thời gian ngắn dần lại dưới tay mình. Đứa nào nhà không có lịch thì lấy than vạch lên tường. Vạch ba mươi vạch. Để mỗi sáng thức dậy, chưa kịp đánh răng rửa mặt đã ba chân bốn cẳng chạy lại bức vách xóa đi một vạch, xuýt xoa: “vậy là còn 29 ngày”... “còn 25 ngày”... “còn 17 ngày”...“Tết”, bản thân cái từ âm vang đó luôn đồng nghĩa với niềm vui. Chúng ta vẫn nói “Vui như tết” đó thôi.

Riêng với trẻ con, tết mang lại những niềm vui cụ thể: ăn, mặc, chơi.

Tôi sẽ viết về mặc tết và chơi tết trong một dịp khác. Bài này chỉ bàn đến cái ăn.

2. Tết, là dịp để ăn ngon, không chỉ với trẻ con. Cả người lớn cũng thế, như là dịp để bù đắp những lo toan, chắt chiu tằn tiện trong một năm làm lụng vất vả. Có người thắt lưng buộc bụng quanh năm, dành dụm tiền bạc chỉ để bung ra ăn tiêu ba ngày tết, như nhà thơ Tú Xương từng nhận xét: “Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết/Kiết cú như ai cũng rượu chè”. Dĩ nhiên, mâm cao cỗ đầy không chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất mà còn bộc lộ một khát vọng tinh thần: những bữa ăn tươm tất trong ba ngày tết thể hiện ước mơ về một năm mới an khang thịnh vượng.

Trẻ con tất nhiên không suy nghĩ sâu xa như người lớn. Chỉ biết tết đến được ăn ngon mặc đẹp đã thấy sướng mê. Tôi nhớ ngày còn bé, năm nào cũng vậy, cứ trước tết khoảng nửa tháng mẹ tôi lại ra chợ mua cùi dừa về làm mứt. Anh em tôi ngồi chồm hổm xem mẹ gọt dừa, nạo dừa thành từng sợi rồi rửa nước qua vài lần cho sạch dầu, sau đó đem ướp đường. Đến khi sợi dừa thật trong, mẹ tôi bắt đầu sên dừa. Lúc này, nhiều đứa trong bọn tôi đã thèm lắm rồi nhưng kẹt nỗi có mẹ tôi ngồi đó, không đứa nào dám táy máy tay chân. Hơn nữa mứt đang sên trong chảo, đứa nào láu táu bốc trộm là phỏng tay ngay.

Cơ hội hấp dẫn nhất là lúc mẹ tôi trải mứt ra nong đem phơi ngoài sân. Lúc đó đi ngang qua nong mứt, thế nào tôi cũng vờ đánh rớt viên bi hay một cái gì đó để cúi xuống nhặt, rồi thò tay bốc trộm mứt nhanh như chớp. Mứt dừa nhiều màu, xanh đỏ trắng vàng; mứt dừa của mẹ tôi chỉ có mỗi màu trắng nhưng với tôi thật không có thứ gì ngon bằng.

Mẹ tôi còn làm cả mứt gừng và mứt me. Mứt me khó bốc trộm nhất vì mứt me làm nguyên trái, mẹ tôi lại làm số lượng ít nên mất trộm là mẹ tôi biết ngay.

3. Bánh tét cũng là món ăn đặc biệt trong dịp tết. Trước giao thừa một, hai ngày, cả nhà già trẻ lớn bé đều xúm vào gói bánh. Cũng như bánh ú, nhưn bánh tét quê tôi không có thịt heo, chỉ có đậu xanh. Sau khi ngâm nếp và luộc đậu xanh, chuẩn bị lá chuối và ngâm lạt cho mềm, mọi người ngồi quây quần cặm cụi gói bánh. Tôi còn nhỏ, lúc đổ nếp lên thân lá rồi rải đậu xanh lên khe nếp không có trở ngại gì nhưng đến khi ốp lá rồi cột dây, không sớm thì muộn đòn bánh của tôi nếu không bung ra cũng xộc xệch hoặc lỏng le lỏng lét trông như đứa bé mặc áo quần của người lớn. Thế nhưng tôi cứ thích gói bánh, bị người lớn gạt ra là ngoác miệng nức nở rất ghê để lại được mó tay vào thúng nếp.

Đêm giao thừa, ngồi trước nồi bánh sôi sùng sục trên bếp củi kê ngoài sân chờ mẹ tôi vớt ra từng cái bánh chín tới là một trong những khoảnh khắc thú vị nhất đối với tôi. Từ khi bắt lên nấu đến khi bánh chín thường phải mất đến bốn, năm tiếng đồng hồ nên tôi chỉ trông nồi bánh chừng hai tiếng là mắt díp lại, nhưng mẹ tôi giục vào nhà ngủ thế nào tôi cũng không nghe.

Tôi nhớ mẹ tôi thường dùng sợi chỉ để cắt bánh tét, gọi là “tét bánh”. Miệng ngậm đầu này sợi chỉ, tay phải cầm đầu kia, mẹ tôi khoắng sợi chỉ từng vòng quanh đòn bánh. Suốt bao nhiêu cái tết trẻ thơ, tôi từng đứng ngắm mê mẩn từng lát bánh rơi vào đĩa theo từng động tác của mẹ tôi - một hình ảnh vô cùng ấn tượng.

Miền Trung thuở đó chưa biết đến thịt kho tàu, dưa giá của miền Nam. Bánh tét chỉ chấm nước mắm hoặc ăn với dưa món đã ngon tuyệt. Bánh tét khi đem chiên lên, ăn càng mê tơi.

Ngoài mứt và bánh tét, những ngày tết còn xuất hiện nhiều món ăn lạ như hạt dưa, lạp xưởng. Hạt dưa thì nhà nào cũng có, tới bất cứ đâu cũng thấy đĩa hạt dưa bày giữa bàn. So với đám con trai, bọn con gái thích ngồi tí tách cắn hạt dưa hơn, vì vỏ hạt dưa làm đôi môi đỏ thắm tự nhiên. Riêng lạp xưởng chỉ nhà giàu mới có. Lúc mười tuổi, lần đầu tiên được ăn lạp xưởng nơi nhà một người bạn của ba tôi, tôi “tương tư” suốt một tuần và lập tức bầu chọn đây là món ăn ngon nhất trên đời.

4. Ôi, những cái tết thời thơ ấu, sao mà lắm nhớ nhung đến vậy. Tết vừa xong, cây nêu vừa hạ, áo mới vừa cất vào rương là lại mong thời gian qua mau để lại được đón tết, để được tái ngộ mứt gừng, mứt dừa, mứt me, bánh tét, hạt dưa, lạp xưởng - những món ăn đặc biệt mỗi năm chỉ xuất hiện một lần.

Sau này vào Sài Gòn đi học, tôi ngạc nhiên phát hiện những món đó ở miền Nam người ta bày bán quanh năm, muốn ăn lúc nào cũng được. Lúc đó lòng tôi không khỏi dâng lên nỗi niềm ghen tị. Nhưng rồi nghĩ lại, khi cái gì cũng có, món gì cũng sẵn lại đâm ra thiếu mất cái thèm thuồng háo hức, cái xao xuyến ngóng trông, cái hồi hộp chờ đợi, nhất là không có những món ăn đặc biệt để phân biệt ngày tết với ngày thường.

Một tuổi thơ thiếu thốn cũng có cái hay. Nhất là khi phải tả cảnh ngày tết trong giờ học môn văn, trẻ con quê tôi có thể bắt đầu một cách dễ dàng: “Khi mẹ tôi ra chợ mua dừa, mua nếp, bà tôi cặm cụi hái lá chuối sau vườn còn ba tôi ngồi loay hoay chẻ lạt trước hiên, em biết ngay là... Tết sắp về!”. Hình ảnh thân thuộc đó, kỷ niệm xốn xang đó, quả thật không phải ai cũng có thể tìm thấy trong nhà kho của ký ức!

10-12-2012
Nguyễn Nhật Ánh

Tin cùng chuyên mục