Trung Đông - Thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng

Trong một thời gian dài, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam quá tập trung vào các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật Bản… mà gần như bỏ quên thị trường Trung Đông. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, đây là thị trường có sức mua lớn, lại tương đối dễ tính, nên phù hợp với khả năng cung ứng của DN Việt Nam. 
Sức mua lớn
Trung Đông là thị trường tiềm năng của hàng hóa Việt Nam, thông qua cửa ngõ Dubai là thị trường lớn với hơn 400 triệu dân, bao gồm 16 quốc gia. Trung Đông nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD/năm về lương thực, thực phẩm; dự kiến đến năm 2035 là 70 tỷ USD.
Trong những năm qua, thương mại Việt Nam - Trung Đông liên tục tăng trưởng cao: Năm 2016, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 8,06 tỷ USD; đến năm 2017 con số này là 12 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu đạt 9 tỷ USD và nhập 3 tỷ USD.
Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam sang Trung Đông là điện thoại di động, giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, gạo, hạt tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, hạt điều, rau quả, cà phê. Trong đó, mặt hàng gạo xuất khẩu tăng 242% (đạt 97 triệu USD), kế đến là rau quả tăng 53,4% so với năm 2016. 
Theo phân tích của Bộ Công thương, các nước Trung Đông có sức mua lớn với GDP bình quân đầu người 60.000 - 127.000USD/năm. Hàng tiêu dùng, nông sản thực phẩm là 2 mặt hàng chính mà các nước này có nhu cầu nhập số lượng lớn, vừa để tiêu thụ trong nước vừa phục vụ khách du lịch.
Do có số lượng người nhập cư và khách du lịch lớn, nên nhu cầu của thị trường này là sản phẩm đa dạng về chủng loại, chất lượng. Đồng thời, Trung Đông là thị trường trung chuyển nên có nhu cầu nhập khẩu để tái xuất sang Bắc Phi, Trung Á.
Trung Đông - Thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng ảnh 1 Mặt hàng dệt may có nhiều lợi thế xuất khẩu vào Trung Đông (Ảnh: Dệt xuất khẩu tại Công ty Thái Tuấn). Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng lưu ý một số khó khăn mà DN Việt có thể phải đối mặt, như bất ổn chính trị, mâu thuẫn tôn giáo, khủng bố. Nơi đây yêu cầu hợp pháp hóa chứng từ xuất khẩu và có thể xuất hiện tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại…
Đặc biệt là tập quán kinh doanh công ty gia đình, thương nhân thường sử dụng phương thức thanh toán D/P (phương thức nhờ thu trả ngay trong thanh toán quốc tế) và đặt cọc, thích gặp gỡ trực tiếp trao đổi.
Vì vậy, các DN Việt Nam cần hiểu rõ những đặc điểm về tập quán kinh doanh cũng như các quy định, chứng nhận cần thiết khi xuất khẩu vào thị trường Trung Đông. Đặc biệt, đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm cần có chứng nhận Halal (những quy định được phép theo Luật Hồi giáo). 
Nhiều hỗ trợ cho DN
Ông Lê Thái Hòa, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), cho biết Trung Đông đang được biết đến như một khối thị trường giàu tiềm năng có nhu cầu nhập khẩu tương đối cao, không đòi hỏi khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng.
Để tạo điều kiện cho DN trong nước xuất khẩu sang thị trường Trung Đông trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải tiến, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế, thực hiện cơ chế một cửa, giảm thời gian thông quan xuất nhập khẩu tại các cảng quốc tế.
Một thay đổi lớn nhất dễ nhận thấy, vừa qua Bộ Công thương đã thực hiện cắt giảm, bãi bỏ, đơn giản hóa hàng ngàn thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM), nhằm giúp các DN có cơ hội tiếp cận các thị trường tiềm năng để hợp tác và xuất khẩu, VCCI-HCM thường xuyên tổ chức nhiều chương trình giao lưu, khảo sát thực tế, tìm hiểu về thị trường nước ngoài cho các DN Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. 
Để tăng cường việc kết nối giữa các DN Việt Nam và Trung Đông, Công ty Relam Investment (UAE) và MIG Holdings (Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác về việc triển khai TRADE-HUB tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Duy Phương, Giám đốc MIG Holdings, cho biết TRADE-HUB Việt Nam dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7-2018, được đầu tư để trở thành trung tâm kết nối các nhà sản xuất, thương mại, cung ứng dịch vụ, tổ chức tài chính và nhà đầu tư cho các DN Việt Nam, Trung Đông.
Trong đó, bao gồm các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu các cơ hội hợp tác kinh doanh, kết nối dịch vụ logistics, tư vấn phương thức thanh toán phù hợp với từng thị trường cũng như kiểm tra năng lực của các đối tác, từ đó giảm thiểu rủi ro cho DN.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết sau nhiều năm xuất khẩu hàng hóa sang Trung Đông, ông nhận thấy thị trường này có nhu cầu rất lớn đối với các mặt hàng gạo, cà phê, tiêu, thủy sản. Các DN muốn tiếp cận thị trường Trung Đông có thể thông qua thị trường Dubai, vì đây là một trong những nền kinh tế cởi mở nhất của khu vực, đồng thời là cửa ngõ, là nơi trung chuyển hàng hóa đi khắp Trung Đông. Ngoài ra, DN cũng nên tham gia các hội chợ thương mại hàng năm tại Dubai để có thể gặp gỡ trực tiếp những nhà mua hàng đến từ tất cả các nước Trung Đông và khu vực lân cận.

Tin cùng chuyên mục