Trung Quốc đang theo một chiến thuật nguy hiểm

Truyền thông Trung Quốc ngày 18-6 đồng loạt đưa tin và hình ảnh vệ tinh mới nhất được Google Maps ghi lại cho thấy, một chiến hạm của quân đội Trung Quốc neo tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn thuộc type 71.
Trung Quốc đang theo một chiến thuật nguy hiểm

Truyền thông Trung Quốc ngày 18-6 đồng loạt đưa tin và hình ảnh vệ tinh mới nhất được Google Maps ghi lại cho thấy, một chiến hạm của quân đội Trung Quốc neo tại bãi đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là tàu vận tải đổ bộ Tỉnh Cương Sơn thuộc type 71.

Trơ tráo

Dựa vào số hiệu của tàu cho thấy tàu Tỉnh Cương Sơn có khả năng chở từ 500 - 800 lính, 15 - 20 xe tác chiến đổ bộ tấn công cùng một xe tăng chiến đấu chủ lực. Boong tàu chứa 4 tàu đổ bộ đệm khí, có lượng giãn nước khi đầy tải đạt 18.500 tấn và sở hữu một bãi đậu trực thăng.

Trước đó, Bắc Kinh cũng công khai kế hoạch sử dụng cơ sở dân sự ở một số bãi đá tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, sau khi thông báo sắp hoàn thành việc cải tạo đảo nhân tạo. Kế hoạch được Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) công bố trong một bản thông báo vắn tắt. Các cơ sở được nêu trong kế hoạch xây dựng gồm hải đăng cỡ lớn, trạm dành cho thiết bị điều hướng không dây, trạm dự báo thời tiết, trạm nghiên cứu khoa học và thiết bị để đối phó với sự cố tràn dầu. Cơ sở xử lý nước và rác thải cũng nằm trong số này.

Trung Quốc đẩy mạnh quá trình xây dựng phi pháp trên các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế, Bắc Kinh thậm chí còn trơ tráo nêu rằng các cơ sở hạ tầng tại đây dành cho mục đích quân sự.

Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc đăng tải ảnh vệ tinh tàu mang số hiệu 999 xuất hiện ở bãi đá Vành Khăn.

Lắm mưu nhiều mẹo

Theo tạp chí Diplomat, với tuyên bố sắp ngừng việc bồi đắp các bãi đá thuộc quần đảo Trường Sacủa Việt Nam, Trung Quốc đang áp dụng chiến lược “một mũi tên trúng hai đích”, mục tiêu vừa hoàn thiện chuỗi đảo nhân tạo, vừa thu về sự tín nhiệm, lòng tin của các quốc gia khác.

Theo nhà phân tích Shannon Tiezzi, phụ trách mảng châu Á - Thái Bình Dương của Diplomat, Trung Quốc đã lên kế hoạch kỹ lưỡng khi ra quyết định dừng việc cải tạo. Lý do đơn giản nhất là bởi mùa mưa bão sắp bắt đầu trên biển Đông. Nếu khăng khăng muốn tiếp tục xây dựng, Bắc Kinh sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết. Yếu tố chính trị cũng là điểm mấu chốt chi phối quyết định của Trung Quốc. Quan hệ Mỹ - Trung đang có chiều hướng xấu đi bởi những xung đột giữa hai nước quanh vấn đề biển Đông. Trong bối cảnh Đối thoại Kinh tế và Chiến lược khai mạc vào tháng tới, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ trong tháng 9, hai bên cần tạo dựng một số động lực tích cực để cải thiện mối giao hảo. Tuyên bố dừng xây đảo cũng nhằm phục vụ mục tiêu này.

Với các nước ASEAN, tuyên bố ngừng bồi đắp cho thấy Trung Quốc đang theo đuổi một chiến thuật nguy hiểm khi vừa khẳng định tuyên bố chủ quyền vừa xoa dịu căng thẳng trong quan hệ với các nước có liên quan trong tranh chấp. Bà Tiezzi cảnh báo, khi mối quan hệ tốt dần lên, Bắc Kinh sẽ lại trở về với cải tạo và xây dựng, thậm chí với tốc độ còn nhanh hơn trước.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Bắc Kinh dù đã kết thúc hoạt động cải tạo ở vài bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong đó có đá Gạc Ma và đá Chữ Thập, nhưng tại bãi đá Subi và bãi đá Vành Khăn, công tác cải tạo mới chỉ bắt đầu. Nếu Bắc Kinh ngừng các hoạt động ở hai bãi đá trên thì động thái này mới là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc thật sự đang hướng tới bước thay đổi lớn trong chính sách. Tuy nhiên, thông báo được phát đi từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào của sự chuyển biến này.

Cùng ngày, China Daily dẫn nguồn từ Hiệp hội công nghiệp đóng tàu cho biết, Bắc Kinh vừa phê duyệt kế hoạch yêu cầu các nhà đóng tàu dân sự phải đảm bảo các tàu mới có thể sử dụng cho quân đội trong trường hợp khẩn cấp. Kế hoạch này sẽ giúp chuyển đổi tiềm năng của hạm đội tàu dân sự thành sức mạnh quân sự đồng thời khả năng hỗ trợ hàng hải và mục tiêu chiến lược của quân đội cũng được cải thiện. 5 loại tàu nằm trong diện này là tàu container, tàu đa năng, tàu chở xe cộ, tàu chở hàng rời và tàu chở hàng kiện.

VIỆT ANH

Tin cùng chuyên mục