Trung Quốc đánh bóng hình ảnh thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh 20 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong 2 ngày 4 và 5-9. Đây là cơ hội để Bắc Kinh chứng tỏ với thế giới về tầm quan trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc đánh bóng hình ảnh thông qua Hội nghị thượng đỉnh G20

Hội nghị thượng đỉnh 20 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc trong 2 ngày 4 và 5-9. Đây là cơ hội để Bắc Kinh chứng tỏ với thế giới về tầm quan trọng của nước này trong nền kinh tế toàn cầu.

Trung Quốc muốn tập trung vào chủ đề kinh tế

Hàng Châu, cố đô được ca ngợi là một trong những thành phố đẹp nhất ở Trung Quốc. Chọn Hàng Châu làm nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, Trung Quốc muốn hướng cộng đồng quốc tế vào chính sách phát triển dựa trên công nghệ chứ không còn dựa vào lao động giá rẻ. Hàng Châu là nơi tập trung trụ sở nhiều công ty công nghệ hàng đầu của Trung Quốc, trong đó có tập đoàn thương mại trực tuyến Alibaba lớn nhất thế giới. Công nghệ thông tin chiếm 23% GDP của Hàng Châu, đóng góp hơn 45% vào tăng trưởng GDP của thành phố này trong năm 2015. Ngoài ra, tỉnh Chiết Giang, nơi có thành phố Hàng Châu từng có tỷ lệ tăng trưởng GDP cao nhất ở Trung Quốc trong thời kỳ ông Tập Cận Bình còn là Bí thư Tỉnh ủy giai đoạn 2002-2007. Vì vậy, chọn Hàng Châu là cách Trung Quốc muốn G20 tập trung vào chủ đề tăng trưởng kinh tế theo phương châm “nền kinh tế thế giới sáng tạo, năng động, kết nối với nhau”.

Tình nguyện viên hướng dẫn các đoàn khách đến Hàng Châu (Trung Quốc) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20

Theo các nhà phân tích, Bắc Kinh rất cần tô điểm lại hình ảnh quốc tế của mình, vốn đã bị sứt mẻ trong thời gian qua vì nhiều vấn đề, đặc biệt là biển Đông. Ngoài ra, uy tín của nền kinh tế thứ hai thế giới đã bị suy giảm do sự sụp đổ của thị trường chứng khoán cũng như sự mất giá mạnh của đồng nhân dân tệ và sự suy giảm nặng nề của tỷ lệ tăng trưởng.

An ninh ở Hàng Châu đã được tăng cường tối đa trong bối cảnh phong trào ly khai ở Tân Cương và Tây Tạng đang trỗi dậy cùng với các hoạt động khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Thành phố này đã tạo vùng an ninh bán kính 300km. Các nhà máy và công trình xây dựng trong khu vực này tạm ngừng hoạt động để đảm bảo không gây ô nhiễm không khí. Hàng Châu cũng cho phép cư dân nghỉ 1 tuần, khuyến khích họ rời khỏi thành phố hoặc ở nhà hoặc du lịch tới những nơi khác với chính sách giảm giá. An ninh đã được tăng cường không chỉ tại các nhà ga, sân bay, mà còn ở mọi ngóc ngách của thành phố.

Tay bắt nhưng mặt chưa mừng

Trong cuộc tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama tối 3-9 trước thềm phiên khai mạc G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ để đảm bảo mối quan hệ song phương trở lại đúng hướng. Ông kêu gọi hai nước theo nguyên tắc không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi trong hợp tác, làm sâu sắc thêm sự tin cậy lẫn nhau, đồng thời quản lý và kiểm soát sự khác biệt một cách xây dựng.

Các nhà lãnh đạo trong G20 có thể tránh đụng chạm các vấn đề gai góc vì Trung Quốc là nước chủ nhà, song theo Tổng thống Mỹ Barack Obama, biển Đông là một trong ba chủ đề chính mà Nhà Trắng sẽ đề cập tại Hàng Châu. Quan hệ Mỹ - Trung Quốc trong chuỗi các sự kiện liên quan đến các hoạt động của Trung Quốc ở biển Đông cũng làm nóng cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ngay trước khi lên đường tới Trung Quốc, Tổng thống Obama trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình CNN vào ngày 1-9 đã thúc giục Trung Quốc kiềm chế và nhấn mạnh những lợi ích của việc tôn trọng các chuẩn mực quốc tế. Ông Obama cũng cảnh báo Trung Quốc về hậu quả với chính sách gây bất ổn ở biển Đông.

Ngoài ra, cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh Theresa May với các lãnh đạo Trung Quốc lần đầu tiên có thể sẽ căng thẳng khi Thủ tướng Anh mới đây quyết định ngừng dự án xây nhà máy điện hạt nhân do Trung Quốc đầu tư. Thủ tướng Australia cũng sẽ bảo vệ quan điểm của mình trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Bắc Kinh cáo buộc Australia tham gia liên minh với Mỹ và Nhật Bản chống lại chính sách của Trung Quốc tại biển Đông. Hơn nữa, gần đây Australia đã từ chối bán hơn 50% cổ phần công ty điều hành lưới điện ở bang New South Wales cho Trung Quốc và bác bỏ việc bán 80% cổ phần công ty  Kidman quản lý đất nông nghiệp cho một công ty của Hồng Công.


THỤY VŨ (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục