Trước mắt chỉ khai thác một trạm BOT trên QL3 mới

Thông tin từ Bộ GTVT vừa cho biết, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể vừa yêu cầu Vụ Tài chính phối hợp với Vụ Đối tác công tư, Ban Quản lý dự án 2, nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để cho phép thu giá dịch vụ tại trạm thu đặt trên QL3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới.

Trước mắt chỉ khai thác một trạm BOT trên QL3 mới

Đồng thời, giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với nhà đầu tư giám sát chặt chẽ doanh thu từ 1 - 2 tháng, trên cơ sở đó đánh giá khả năng hoàn vốn cho dự án bằng trạm BOT này, làm cơ sở xây dựng các phương án hoàn vốn cho dự án. Với trạm thứ hai đặt trên QL3 cũ (còn gọi là trạm Bờ Đậu), tiếp tục rà soát thủ tục pháp lý, tính phù hợp của vị trí đặt trạm, đề xuất mức thu phù hợp.

Dự án BOT xây dựng QL3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng QL3 đoạn Km 75 - Km 100 đã hoàn thành đưa vào khai thác gần 1 năm vẫn chưa được thu giá dịch vụ, do người dân địa phương phản đối vị trí đặt trạm trên QL3 cũ.  Giống như trạm Cai Lậy (Tiền Giang), người dân Thái Nguyên cho rằng việc không đi đường BOT vẫn phải trả tiền là bất hợp lý.

Trước đó, các bên liên quan đã đưa ra 3 phương án giải quyết trạm thu giá trên Dự án BOT xây dựng QL3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới.

Phương án thứ nhất là giữ nguyên 1 trạm đặt trên QL3 cũ và 1 trạm trên QL3 mới theo hợp đồng đã ký kết, thu giá theo mức giá đã được Bộ Tài chính ban hành. Miễn giảm cho các chủ phương tiện có hộ khẩu thường trú tại khu vực lân cận đã được địa phương và nhà đầu tư thống nhất.

Phương án thứ 2 là, Bộ GTVT và các bộ, ngành, địa phương liên quan quyết định số lượng trạm thu giá, vị trí đặt trạm, mức giá; trường hợp phương án tài chính của dự án không khả thi, Nhà nước sẽ thực hiện hỗ trợ bằng ngân sách, khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Phương án thứ 3 là nhà đầu tư đề nghị Nhà nước mua lại toàn bộ dự án, khoảng 3.000 tỷ đồng, gồm giá trị tổng mức đầu tư dự án sau khi quyết toán, lãi vay ngân hàng và phần lãi đối với vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục