Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức triển khai mô hình đào tạo kép đầu tiên tại Việt Nam

Đào tạo kép là mô hình phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó có 30% kiến thức lý thuyết do TDC giảng dạy, 70% còn lại là kỹ năng, thái độ làm việc được rèn luyện tại các công ty có ký kết đào tạo.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng TDC ký kết hợp tác với doanh nghiệp
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng TDC ký kết hợp tác với doanh nghiệp

Sáng ngày 12-7, Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TDC) đã tổ chức lễ ký kết giữa nhà trường với các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo kép đối với ngành Truyền thông và mạng máy tính, bậc cao đẳng.

Tham gia buổi lễ có ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM, Ban Giám hiệu TDC cùng đại diện các doanh nghiệp có hợp tác với TDC trên địa bàn TPHCM.

Đào tạo kép là mô hình phối hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, trong đó có 30% kiến thức lý thuyết do TDC giảng dạy, 70% còn lại là kỹ năng, thái độ làm việc được rèn luyện tại các công ty có ký kết đào tạo. Đây là mô hình khá mới ở nước ta, được TDC triển khai từ đầu năm 2018 và trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam thực hiện chương trình này, trong khi đã khá phổ biến ở nước Đức.

Phát biểu tại buổi lễ ký kết, bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng TDC cho rằng: mặc dù mới triển khai nhưng trường đã làm việc và ký kết được với 4 doanh nghiệp có uy tín là: công ty TNHH MTV dịch vụ viễn thông Phương Nam; CTCP thiết bị Bách Khoa; Công ty CMC; Công ty TNHH Giải pháp Sóng Nam để đưa 26 sinh viên tham gia khóa đầu tiên. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo (1150 giờ học, trong đó, học tại doanh nghiệp là 890 giờ), sinh viên có thể làm việc chính thức ngay tại doanh nghiệp mà không phải đào tạo lại.

Trong khi đó, ông Hồ Hoàng Minh, đại diện Công ty TNHH Giải pháp Sóng Nam đánh giá cao mô hình đào tạo này đồng thời cho biết đơn vị xem sinh viên thực tập như nhân viên thử việc chứ không phải đi thực hành đơn thuần, nhằm bồi dưỡng và tiếp nhận 100% sinh viên TDC đến thực tập ở lại làm việc chính thức.

Trước băn khoăn về kỹ năng sư phạm của đội ngũ kỹ sư tại doanh nghiệp khi tham gia giảng dạy cho sinh viên, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM cho biết đã đề nghị các đơn vị thống kê danh sách nhân sự để đào tạo kỹ năng giảng dạy và kinh phí đào tạo này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước.

Tin cùng chuyên mục