Trường đại học chưa hết cảnh đi thuê chỗ dạy

Đến nay, nhiều trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) công lập lẫn tư thục và các trường mang nhãn quốc tế vẫn phải thuê mướn cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo. 
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM thuê cơ sở để đào tạo
Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM thuê cơ sở để đào tạo

Trong số đó, thật bất ngờ khi có trường đã vài chục năm tuổi. Thế nhưng mặc cho điều đó, cơ quan quản lý vẫn cho phép tuyển sinh, đào tạo.

36 năm thành lập vẫn phải thuê mướn

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM thành lập từ năm 1982, đến nay đã 36 năm. Trường được thí điểm tự chủ từ năm 2015 nhưng hiện vẫn phải đi thuê mướn mặt bằng nhiều nơi tại TPHCM để đào tạo.

Ngoài cơ sở chính trên đường Lê Trọng Tấn và đường Tân Kỳ Tân Ký (quận Tân Phú), trường còn thuê địa điểm trên đường Chế Lan Viên, một điểm ở đường Lương Minh Nguyệt (đều nằm ở quận Tân Phú) và đào tạo ngay trong Trường CĐ Công thương (quận 9). Trung tâm Giáo dục phổ thông của trường này cũng phải thuê địa điểm để học sinh học.

Hàng loạt trường ĐH công lập tự chủ tên tuổi khác cũng tương tự. Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM phải thuê cơ sở trên đường Phổ Quang (quận Tân Bình) để đào tạo bậc sau ĐH trong nhiều năm nay. Trường ĐH Mở TPHCM thuê cơ sở trên đường Nguyễn Kiệm (quận Phú Nhuận). Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM thuê cơ sở của Trường Dự bị ĐH TPHCM trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5).  

Trường công đã vậy, nhiều trường tư thục cũng không khá hơn là bao. Qua 11 năm thành lập, Trường ĐH Gia Định chưa hề có cơ sở vật chất. Tất cả đều đi thuê mướn từ quận 10, quận 7 cho đến quận Tân Phú.

Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen dù cơ sở chính tại quận 1 đã xây xong nhưng hiện vẫn phải thuê mướn tại quận 3 và quận 12. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dù đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhiều nhưng vẫn chưa chấm dứt cảnh thuê mướn đến 6, 7 nơi để đào tạo. Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), Trường ĐH Công nghệ Miền Đông, Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai cũng thuê mướn nhiều nơi khác để tổ chức đào tạo. 

Trường quốc tế cũng toàn thuê mướn

Ngay cả nhiều trường CĐ gắn nhãn quốc tế hoành tráng, thậm chí 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng thực chất cơ sở chỉ toàn thuê mướn.

Trường CĐ Quốc tế Cetana PSB Intellis thuộc Công ty TNHH Centena Việt Nam, đầu tư vào Việt Nam từ năm 2003, đến nay đã thuê mướn nhiều nơi. Ban đầu, trường thuê tại quận Phú Nhuận, sau đó chuyển sang quận 5, quận 1 và nay chuyển sang thuê tại đường Trần Văn Trà (phường Tân Phú, quận 7).

Trong khi đó, ít ai ngờ thông tin giới thiệu về trường lại rất quốc tế như: “PSB College Việt Nam là cơ sở chính thức và duy nhất của Học viện PSB Singapore tại Việt Nam. PSB College Việt Nam là đơn vị giáo dục có 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cung cấp chương trình đào tạo liên thông cử nhân đại học tại Singapore, Úc và Anh. Học viện PSB Singapore là 1 trong 3 học viện tư thục lớn nhất tại Singapore, được Hội đồng Giáo dục dân lập của Chính phủ Singapore cấp chứng nhận Edutrust và được Bộ GD-ĐT Việt Nam công nhận, cấp phép tuyển sinh”.

Trường CĐ Quốc tế Kent (thuộc Công ty TNHH Quốc tế Kent) được Bộ GD-ĐT ký quyết định thành lập ngày 30-6-2015, tuy nhiên cho thời gian hoạt động là 25 năm, tính từ năm 2003 - thời điểm công ty sở hữu trường đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Học phí của trường vài chục triệu đồng/năm. Nhưng từ khi thành lập đến nay, đơn vị này thuê mướn cơ sở vật chất ở các quận Phú Nhuận, Thủ Đức và hiện nay thuê lại tòa nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh).

Nhiều trường CĐ khác như Trường CĐ Việt Mỹ, Trường CĐ Quốc tế TPHCM, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Dược TPHCM, Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn, Trường CĐ Kinh tế - Công nghệ TPHCM... cũng chủ yếu đi thuê mướn cơ sở phục vụ đào tạo.

Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục thừa nhận: Việc đi thuê mướn cơ sở vật chất chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường. Cơ sở đi thuê thì các trường không thể nào đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị cho đào tạo. Đã vậy, việc trả tiền thuê mướn cơ sở vật chất cũng chiếm rất nhiều trong chi phí đào tạo. Bản thân các trường không ai muốn vậy nhưng cái khó là hiện nay không cho phép xây dựng trường ĐH, CĐ trong nội thành, nhiều trường có đất cũng không thể nào xây dựng được. Trường nào xây thì cũng “lách” bằng cách xây trung tâm thương mại, sau đó chuyển đổi công năng rồi ký hợp đồng cho thuê để đào tạo.

Một đại diện trường ĐH công lập khác kiến nghị: Để các trường chấm dứt cảnh thuê mướn thì chính sách phải có chỗ mở cho các trường nếu họ có đất, có dự án và có kinh phí (không xin ngân sách) để xây cơ sở phục vụ đào tạo. Ngoài ra, đối với những trường không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định thì Bộ GD-ĐT phải mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu.

Tin cùng chuyên mục