Trường học vùng lũ khai giảng trong gian khó

Trước ngày khai giảng năm nay, một số trường học trên cả nước bị thiệt hại nặng nề sau các đợt mưa lũ, ngập lụt. Hiện tại, việc khắc phục hậu quả thực sự còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương đã cố gắng nỗ lực để học sinh có ngày khai giảng đúng lịch.
Lễ khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bắc Lý huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An)
Lễ khai giảng tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bắc Lý huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An)

Sau những ngày mưa lũ, Trường Tiểu học Trung Sơn (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trở nên tan hoang, ngập trong bùn đất. 3 phòng học và 2 phòng chức năng ở khu nhà cấp 4 bị đất đá, bùn vùi lấp; 2 phòng học ở khu 2 tầng bị đất đá tràn xuống làm sập và hư hỏng nặng. Hàng ngàn khối đất đá, bùn, thân cây từ trên núi tràn xuống sân trường, các lớp học, phòng bán trú, nhà ở giáo viên, phòng ăn…  Thầy Hắc Xuân Phúc, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Sơn, cho biết: “Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng chúng tôi không thể cho học sinh khai giảng tại trường mình được. Sáng nay, trường tổ chức cho các em khai giảng chung với Trường THCS Trung Sơn”. Trước mắt, nhà trường mượn tạm nhà điều hành của Công ty 47 đóng trên địa bàn để làm phòng học cho các em, nhưng cũng chỉ ngăn ra được 5 phòng học. 

Tại huyện Mường Lát (địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Thanh Hóa do mưa lũ), vượt lên khó khăn, hơn 11.000 học sinh và thầy cô giáo nơi đây bắt đầu bước vào năm học mới. Đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 9 điểm trường bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều trang thiết bị, đồ dùng dạy học, sách vở,… bị đất đá vùi lấp. Ngay sau buổi lễ khai giảng, các thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh lại tiếp tục công việc dọn dẹp bùn đất, vệ sinh trường lớp để sớm ổn định việc dạy và học. Có 3 trường học tại xã Mường Chanh đã không thể tổ chức khai giảng đúng thời gian vì địa bàn xã này còn bị chia cắt, cô lập. Dự kiến 3 trường này sẽ khai giảng vào ngày 8-9 tới. 

Ông Mai Xuân Giang, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mường Lát, cho biết, đối với các điểm trường đang bị cô lập và sạt lở nặng, phòng chỉ đạo các nhà trường có phương án bố trí dồn học sinh về các điểm trường, mượn nhà văn hóa thôn, bản hoặc nhà dân để làm lớp học tạm thời nhằm đảm bảo công tác dạy học trong năm học mới. Ngoài các điểm trường bị hư hỏng do mưa lũ, hiện huyện Mường Lát có 112 điểm trường lẻ, trong đó có gần 30 khu lẻ học sinh phải học ở lớp tạm và lớp tranh tre nứa lá xuống cấp, ẩm ướt, dột nát, thiếu sân chơi cho học sinh... 

Theo ghi nhận của phóng viên, tại điểm Trường phổ thông Dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân (huyện Quan Hóa), ngay từ sáng sớm 5-9, không khí khai giảng đã ngập tràn khắp mọi nẻo đường. Các em học sinh với cờ hoa và những trang phục dân tộc sặc sỡ náo nức đến các điểm trường dự lễ khai giảng. Thầy Nguyễn Văn Đại, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Thanh Xuân, cho biết: Mới cách đây 2 ngày, khu vực xã Thanh Xuân còn ngập chìm trong lũ. Toàn xã có 3 bản bị cô lập hoàn toàn. Trường tuy không thiệt hại nhiều về cơ sở vật chất nhưng sau lũ, một khối lượng lớn đất đá đổ dồn về sân trường. Để kịp tổ chức lễ khai giảng cùng các hoạt động dạy và học, nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh và chính quyền tích cực khắc phục hậu quả thiên tai. Đối với học sinh ở 3 bản bị cô lập, trường tổ chức cho các em sơ tán, ăn ở tại trường để đảm bảo an toàn. Đến thời điểm hiện tại, 100% học sinh đã đến trường để bắt đầu năm học mới.

Tại tỉnh Nghệ An, các vùng mới xảy ra mưa lũ như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông… việc khai giảng vẫn diễn ra mặc dù gặp một số khó khăn trong đi lại. Riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Con Cuông, sau khi xảy ra hư hỏng do mưa lũ đã được chuyển sang địa điểm mới tại Trường Trung cấp nghề và Trung tâm GDTX huyện. Tuy nhiên, do các công trình phụ trợ cho học sinh chưa đảm bảo nên lễ khai giảng lùi lại một tuần.

Tại huyện miền núi - biên giới Kỳ Sơn, địa bàn khó khăn nhất sau mưa lũ là tại xã Mường Típ và Mường Ải. Trong đó, nan giải nhất là tại Trường Tiểu học Mường Típ, vì điểm học tại bản Na Mỳ bị lũ cuốn trôi phòng học, nhà công vụ và nhà văn hóa cộng đồng nên không có chỗ học. Phòng Giáo dục huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo đưa học sinh lớp 1, 2, 3 sang học tạm ở điểm trường mầm non của bản Na Mỳ, còn lớp 4, 5 dời ra điểm trường chính ở bản Vàng Phao. Do đường từ bản Na Mỳ sang bản Vàng Phao bị sạt lở nghiêm trọng nên phụ huynh và thầy cô không dám cho học sinh đi qua. Mặc dù vậy, tại Trường Tiểu học Mường Típ vẫn khai giảng bình thường. Sau khi khai giảng, nhà trường sẽ bố trí giảng dạy bù cho học sinh ở bản Na Mỳ khi đường thông, các em ra đi học.

Học sinh xã Thanh Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) vượt sông đi khai giảng
 Tại ĐBSCL, lũ năm nay về sớm, mực nước tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đang ở mức vượt báo động II, cường suất mỗi ngày lên 4 - 5cm. Nước lũ dâng cao khiến nhiều địa bàn bị chia cắt, nhất là đường đến điểm trường, điểm phụ trên địa bàn vùng thượng nguồn. Đường ngập khiến hành trình đi tìm con chữ của thầy trò nơi đây cũng vất vả hơn nhiều nơi khác.


Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp Nguyễn Minh Tâm khẳng định: Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 210 học sinh phải đi học bằng phương tiện đường thủy. Ngoài huyện Hồng Ngự, tại huyện Tam Nông, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Thành B (điểm phụ ấp Phú Hòa) và Trường Tiểu học Hòa Bình A (điểm phụ kinh Kháng Chiến) có hơn 150 em học sinh đi học bằng đường thủy. Riêng huyện biên giới Tân Hồng có 14 học sinh cần phải đưa đón qua sông... Để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, chính quyền địa phương đã vận động người dân tổ chức đưa đón học sinh bằng xuồng máy, trang bị áo phao để đảm bảo an toàn. Một số học sinh được cha mẹ trực tiếp đưa đến trường. 

Sáng 5-9, hàng ngàn học sinh các cấp trên địa bàn vừa bị ảnh hưởng của lũ quét tại tỉnh Sơn La đã vui mừng, phấn khởi đón lễ khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Từ sáng sớm, các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt (huyện Mai Sơn) - một trong những trường chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề từ các trận lũ quét xảy ra vào cuối tháng 8-2018, đã nô nức đến dự lễ khai giảng được tổ chức tại Nhà Văn hóa xã Nà Ớt.

Anh Lù A Chứ, trú tại Lụng Cuông, xã Nà Ớt, xúc động nói: Trong đợt lũ quét vừa qua, đồ dùng trong gia đình tôi bị thiệt hại nặng, sách vở và đồ dùng học tập của các con bị hỏng, không sử dụng được. Nhờ có sự giúp đỡ của các thầy cô giáo và nhà trường nên các con tôi đã có đủ sách vở, đồ dùng học tập để tiếp tục đến trường, nhất là được tham dự lễ khai giảng năm học mới ý nghĩa này.

Đúng 8 giờ ngày 5-9, thầy Nguyễn Trung Huấn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nà Ớt, đã đánh hồi trống khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Toàn trường đã lắng nghe Thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước. Năm học này, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, đơn giản song vẫn giữ được không khí trang trọng. Trên khuôn mặt các thầy cô giáo và các em học sinh đều rạng rỡ niềm vui, hy vọng một năm học diễn ra tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục