Trường hợp nào được từ chức và không được từ chức

Ở cơ quan tôi, có trường hợp (đang bị cơ quan xem xét kỷ luật) làm đơn xin từ chức, nhưng không được cấp trên xem xét. Vậy xin được hỏi những trường hợp nào thì được từ chức và không được từ chức?

Trần Anh Cường (Quận 12)

Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 260-QĐ/TƯ ngày 2-10-2009 về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ. Quy định này áp dụng cho những người được bổ nhiệm hoặc được bầu giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.

Việc xem xét đối với cán bộ xin từ chức căn cứ vào một trong các trường hợp sau:

- Cán bộ xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý.
- Cán bộ xin từ chức do nhận thấy hạn chế về năng lực hoặc sức khỏe.
- Cán bộ xin từ chức do nhận thấy không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; do nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình.
- Cán bộ xin từ chức vì lý do cá nhân khác.

Việc cho cán bộ từ chức do người đứng đầu quyết định, sau khi tham khảo ý kiến các thành viên lãnh đạo khác. Khi chưa có quyết định cho từ chức thì cán bộ vẫn phải tiếp tục thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Còn những cán bộ không được từ chức nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đang đảm nhận nhiệm vụ quốc phòng, an ninh quốc gia; đang đảm nhận nhiệm vụ trọng yếu, cơ mật; nếu cán bộ từ chức sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ mà đơn vị được giao.
- Đang trong thời gian chịu sự thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo vệ pháp luật.

T.TRANG (ghi)

Tin cùng chuyên mục