Truy đóng BHXH từ 20 năm trước để hưởng lương hưu

 Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM trả lời về vấn đề truy đóng bảo hiểm xã hội.
* Ông Nguyễn Trung Việt công tác liên tục tại Trường Đại học Bách khoa từ năm 1979 đến tháng 6-1998. Thế nhưng, từ tháng 1-1995 cho đến tháng 6-1998, trường không đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cho ông Việt. Sau đó, từ tháng 7-1998 đến tháng 10-2006, ông Việt công tác và có tham gia BHXH ở Đại học Văn Lang; từ tháng 11-2006, công tác tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Đầu năm 2018, ông Việt sẽ nghỉ hưu. Tuy nhiên, sổ BHXH của ông Việt lại chỉ ghi nhận quá trình đóng BHXH từ năm 1998 đến nay, không có thời gian cộng dồn từ năm 1979 đến 1995. Tại sao?
(Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM) 
- Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM: Thời gian công tác liên tục của người lao động trong cơ quan, đơn vị nhà nước trước ngày 1-1-1995 được xem xét để tính là thời gian công tác hưởng BHXH (không phải đóng BHXH) trên cơ sở các hồ sơ, giấy tờ gốc có liên quan của người lao động chứng minh thời điểm bắt đầu làm việc, quá trình làm việc và hưởng lương theo chế độ lương chung của Nhà nước liên tục đến ngày 31-12-1994.
Từ tháng 1-1995, theo quy định tại Nghị định 12/CP của Chính phủ, người lao động làm việc và hưởng lương theo chế độ lương chung của Nhà nước trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, phải đóng BHXH để được tính thời gian công tác hưởng BHXH. Nếu chưa đóng BHXH thì được xem xét truy đóng BHXH trên cơ sở đơn vị sử dụng lao động có đề nghị được truy đóng BHXH đối với người lao động.
Như vậy, trường hợp ông Việt nếu có hưởng lương tại Trường Đại học Bách khoa TPHCM thời gian từ tháng 1-1995 đến tháng 6-1998, đơn vị sử dụng lao động và cá nhân ông có nghĩa vụ phải trích nộp BHXH từ tiền lương theo quy định. Nếu chưa đóng BHXH, đơn vị cần phải lập thủ tục đề nghị truy đóng BHXH thời gian này để có thể được xem xét tính thời gian công tác hưởng BHXH liên tục từ năm 1979 đến tháng 6-1998.
* Công ty chúng tôi có một số công nhân đang hưởng lương hưu dưới 2 triệu đồng/tháng. Tiền lương hưu này có được điều chỉnh tăng hàng năm khi Nhà nước tăng lương tối thiểu hay lương cơ sở không?
(Công ty TNHH Thương mại Hùng Việt)
- Qua theo dõi, BHXH TPHCM nhận thấy thông thường khi điều chỉnh lương cơ sở thì người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cũng được điều chỉnh tăng tương ứng. Ví dụ: Lương cơ sở từ tháng 7-2017 điều chỉnh tăng từ 1.210.000 lên 1.300.000 đồng (tăng 7,44%); đồng thời Chính phủ cũng đã điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hằng tháng, tăng thêm 7,44% cho 8 đối tượng, trong đó có người hưởng lương hưu.
* Luật BHXH quy định: “Trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu mà thời gian đóng BHXH còn thiếu tối đa 6 tháng thì người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu, với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng BHXH trước khi nghỉ việc, vào quỹ hưu trí và tử tuất”. Xin hỏi: Thời gian còn thiếu tối đa 6 tháng nêu trên, người lao động không làm việc, không hưởng tiền lương, vậy số tiền đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu này có phải là người  lao động tự bỏ tiền ra đóng? Cách đóng thế nào?
(Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1)
- Theo Điểm 1.5 Điều 5 Quyết định 959 của BHXH Việt Nam, người lao động còn thiếu tối đa không quá 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc trợ cấp tuất hàng tháng, thì mức đóng hàng tháng bằng 22% mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc của người lao động trước khi nghỉ việc (hoặc chết) vào quỹ hưu trí và tử tuất (thực hiện đến ngày 31-12-2015; từ ngày 1-1-2016, thực hiện theo văn bản quy định của Chính phủ và hướng dẫn của BHXH Việt Nam). 
Quy định này được áp dụng cho người lao động đang làm việc đã đủ tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí nhưng thời gian đóng BHXH bắt buộc còn thiếu tối đa không quá 6 tháng để đủ 20 năm. Khi đó, người lao động sẽ đóng BHXH một lần cho 6 tháng còn thiếu thông qua đơn vị sử dụng lao động để lập hồ sơ hưởng chế độ hưu trí.
Riêng đối với người nghỉ việc khi chết có thân nhân đủ điều kiện hưởng chế độ tuất hàng tháng mà thời gian tham gia BHXH bắt buộc còn thiếu không quá 6 tháng để đủ 15 năm, thì thân nhân được đóng 1 lần số tháng còn thiếu tại cơ quan BHXH nơi cư trú để lập hồ sơ hưởng chế độ tuất hàng tháng.
Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, P5, Q3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục