Truy xuất nguồn gốc để có thực phẩm sạch

Nhiều nông dân sản xuất nông sản an toàn theo chuẩn GAP (Thực hành nông nghiệp tốt) nhưng lại gặp khó khâu đầu ra nên nản chí, quay lại làm theo tập quán cũ. Để giải quyết thực trạng này, cần phải có đầu mối gắn kết nông dân với doanh nghiệp tạo thành chuỗi cung ứng để có thể truy xuất nguồn gốc.

 

 

Truy xuất nguồn gốc phải do Nhà nước quản lý để tạo sự minh bạch, công bằng cho nông dân
Truy xuất nguồn gốc phải do Nhà nước quản lý để tạo sự minh bạch, công bằng cho nông dân
Khó phân biệt giữa sạch và “bẩn”

Đó là những vấn đề đặt ra trong hội thảo “Vai trò Hội Nông dân tham gia phối hợp phát triển nông sản sạch gắn với tiêu thụ sản phẩm”, do Hội Nông dân TPHCM tổ chức. Hiện nay, thực phẩm an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hay GlobalGAP so với thực phẩm “bẩn” có giá xấp xỉ bằng nhau, nên khó khuyến khích người trồng tiếp tục sản xuất, trong khi người tiêu dùng lại không thể phân biệt đâu là sản phẩm an toàn hay không. Để đỡ vất vả, nhiều nông dân không còn chú trọng hay hứng thú đến việc chăm sóc, bảo quản theo quy trình, nên thực phẩm không đảm bảo chất lượng. Dầu vậy, do giá thành thấp, ít tốn công sức nên lại dễ cạnh tranh.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Xuân Lộc (quận 12), cho hay khi sản xuất rau theo quy trình an toàn mới cảm nhận được hết thế nào là khó khăn. Ông Thành dẫn chứng, hợp tác xã đã trồng thử 2 luống rau, một luống trồng rau an toàn và một luống theo tập quán sản xuất cũ (không tuân thủ theo quy trình nào). Luống trồng rau an toàn thì cực nhọc ngay từ khâu chăm sóc, vì phải tuân thủ đúng các quy định như phải chi chép đầy đủ, sử dụng thuốc theo danh mục cho phép, cách ly trước khi thu hoạch đúng thời gian ghi trên bao bì... Kết quả, sau 45 ngày chỉ cho ra được 4kg rau/m2. Với luống rau không an toàn, chỉ cần tốn 10.000 đồng mua thuốc bảo vệ thực vật trôi nổi và phun xịt theo tập quán, nên luống rau luôn xanh tươi. Kết quả, sản lượng cao gấp 3 lần so với luống rau an toàn. “Ngay cả người dân trong nghề sản xuất như tôi, nhìn bằng cảm quan cũng không thể phân biệt được đâu là sản phẩm an toàn hay không an toàn. Muốn xác định thì phải mang đi xét nghiệm, phải mất thêm vài ngày mới có kết quả. Lúc đó thì rau… đã vào bụng người mua rồi”, ông Thành chia sẻ. Màu sắc rau quả bán ngoài chợ không khác gì so với bán trong siêu thị. Chỉ khác là chêch lệch giá tiền. Rau an toàn bán với giá cao nên khó tiêu thụ, còn rau không an toàn giá thành thấp hơn, khi mang ra chợ bán rẻ nên có nhiều người mua. Từ thực tế đó, người nông dân không mặn mà với việc sản xuất ra rau quả an toàn; chỉ cần trồng kiểu cũ, nhẹ nhàng hơn, sản lượng cao hơn, lợi nhuận nhiều hơn.

Theo Hợp tác xã Trường Thịnh, vẫn còn không ít nông dân chưa có nhận thức đầy đủ về mối nguy của việc sản xuất không an toàn. Những nông dân này phụ thuộc và lạm dụng phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật, vì khi thu hoạch, rau quả có màu sắc bắt mắt. Với tình hình đó, dù có đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp vẫn không thể cho ra sản phẩm chất lượng tốt nhất. Bởi hiện nay, nông dân đang làm theo kiểu “đèn nhà ai nấy sáng”. Một câu hỏi đặt ra: Việc truy xuất nguồn gốc con heo, con gà hay quả trứng dễ dàng làm được, vậy tại sao đối với rau quả lại khó khăn như vậy?

Nhà nước đứng ra làm truy xuất nguồn gốc

Một công ty sản xuất thực phẩm sạch nhận xét, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm trở thành xu hướng được nhiều nước, nhất là các nước phát triển áp dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam còn thực hiện theo kiểu tự phát. Nhiều công ty tư nhân tự làm truy xuất nguồn gốc để chứng minh sản phẩm có đầy đủ các quy trình. Nhiều trường hợp nông dân đồng ý chỉ vì tiêu thụ được sản phẩm, mà không hiểu biết hết ý nghĩa về việc truy xuất nguồn gốc. Nếu xảy ra sự cố, phát hiện rau không an toàn, nông dân mới là người chịu trách nhiệm. Các công ty thu mua chỉ bị cắt hợp đồng cung ứng, không bị phạt. Để việc truy xuất nguồn gốc thực sự tốt như một số nước đang triển khai, Nhà nước cần đứng ra làm, cụ thể là Bộ NN-PTNT, mới tạo sự công bằng, khách quan.

Theo Sở Công thương TPHCM, sau gần 1 năm thực hiện Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, trứng gia cầm và thịt gia cầm, đã có nhiều đơn vị, chủ thể tham gia. Đối với các kênh phân phối hiện đại, đã thực hiện 100%. Hiện nay, tỷ lệ thịt heo có thông tin truy xuất nguồn gốc từ các trang trại, chợ đầu mối chuyển biến theo hướng tích cực, chiếm tỷ lệ cao. Dự kiến tháng 1-2018, sở tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo: từ con heo mới sinh ra, toàn bộ quá trình chăn nuôi, sử dụng thuốc… Đề án nhằm nâng cao trách nhiệm và tính tự giác của từng chủ thể tham gia trong chuỗi sản xuất. Đây cũng là tiền đề để hỗ trợ tái cơ cấu sản xuất theo hướng hiện đại, an toàn. Trong tương lai, đề án sẽ nhân rộng ra nhiều thực phẩm khác để đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng. Vừa qua, sở cũng nhận được đề nghị hỗ trợ chuyển giao công nghệ, kỹ thuật triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo tại 4 tỉnh: An Giang, Cà Mau, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho biết, đơn vị đã trực tiếp trao đổi với doanh nghiệp và nông dân, để tìm đầu ra cho các sản phẩm. Doanh nghiệp muốn mua sản phẩm chất lượng tốt, còn nông dân thì lại muốn bán hết rau quả làm ra. Để giải bài toán này, cần có giải pháp xây dựng mô hình liên kết theo chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất - nhà thương mại - nhà quản lý.

Tin cùng chuyên mục