Truyền bá mê tín dị đoan để trục lợi

Sáng ngày 21-3, Bộ VH-TT-DL đã cử đoàn công tác tới Quảng Ninh làm việc với địa phương về những thông tin liên quan tới hoạt động thỉnh vong, giải nghiệp như báo chí đăng tải tại chùa Ba Vàng.
Chùa Ba Vàng
Chùa Ba Vàng

Những thông tin về việc thỉnh vong, giải nghiệp bằng cách “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào chùa Ba Vàng - một cơ sở thờ tự lớn và nổi tiếng ở TP Uông Bí, Quảng Ninh, đã khiến dư luận bất bình và hoang mang. Ngay sau khi hiện tượng này bị phản ánh, UBND tỉnh Quảng Ninh, Bộ VH-TT-DL và Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã vào cuộc để xác minh và làm rõ.

Thỉnh vong giải nghiệp là vô minh

Bày tỏ quan điểm về chuyện vong báo oán, chuyện giải nghiệp bằng cách trả tiền như đã phản ánh ở chùa Ba Vàng, PGS-TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khẳng định: “Không có chuyện đó, đó là bịa đặt. Phật giáo khuyên con người sống thiện và hướng thiện, tức là lời nói tốt, hành vi tốt, ý nghĩ tốt”. Lãnh đạo Viện Nghiên cứu tôn giáo cũng nói rõ, chuyện bỏ tiền ra để hóa giải những nghiệp chướng từ nhiều kiếp trước thực chất là đánh vào tâm lý của người dân để trục lợi, hoàn toàn là thương mại hóa. Tinh thần của Phật giáo cũng quan niệm rằng, con người ta có thể cải được nghiệp bằng cách tích đức, làm việc thiện chứ không phải bằng tiền. Việc giải vong cũng tựa như dâng sao giải hạn, chẳng lẽ làm việc xấu xong bỏ tiền ra giải hạn là xong? Chỉ có tích đức, tích thiện mới thay đổi được.

Ngày 21-3, chia sẻ với báo chí về chuyện có hay không việc thỉnh vong trong giáo lý nhà Phật, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhắc lại học thuyết của Phật giáo về duyên, nghiệp và chuyển nghiệp. Không hề có chuyện thỉnh, giải oan gia trái chủ như chùa Ba Vàng thực hiện. “Chỉ có con người mới làm chủ việc chuyển hóa nghiệp, tu là chuyển nghiệp và giải nghiệp, không hề có chuyện thỉnh, nhờ ai đó giải nghiệp. Giải nghiệp chỉ có thể nhờ vào tu thân, tích đức”, thượng tọa nói. 

Nhắc lại việc phật tử Phạm Thị Yến (người từng giảng pháp cho hàng ngàn Phật tử chùa Ba Vàng) trên kênh YouTube, lấy ví dụ vụ cô gái ở Điện Biên bị sát hại là để giải oan gia trái chủ, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định, đây là điều không đúng với giáo lý nhà Phật, trái đạo đức xã hội. “Tôi chưa tham dự trực tiếp tại chùa Ba Vàng, nhưng theo dõi clip thấy nhiều điều chưa phù hợp với giáo lý nhà Phật”, thượng tọa nói. Bàn về khái niệm mê tín và chính tín là mong manh, song chuyện “thỉnh vong” để giải nghiệp là việc làm vô minh! Việc đưa ra những dẫn chứng về mấy chục kiếp trước là hành động dẫn dắt vào con đường tà kiến, mê lầm, là không đúng với chính pháp.

Xác minh sai phạm, xử lý rốt ráo

Sáng ngày 21-3, Bộ VH-TT-DL đã cử đoàn công tác tới Quảng Ninh làm việc với địa phương về những thông tin liên quan tới hoạt động thỉnh vong, giải nghiệp như báo chí đăng tải tại chùa Ba Vàng.

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Trịnh Thị Thủy cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, xác minh, làm rõ thông tin gọi vong và truyền bá mê tín dị đoan mà báo chí đã nêu; đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về di tích và lễ hội tại địa phương; chấn chỉnh, kiện toàn bộ máy quản lý di tích tôn giáo, tín ngưỡng; kịp thời ngăn chặn việc truyền bá hoạt động mê tín dị đoan; đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân.

Tại văn bản hỏa tốc số 1014/BVHTTDL-DSVH gửi Bộ Nội vụ (Ban Tôn giáo Chính phủ), Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Bộ VH-TT-DL cũng chỉ đạo cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng, giáo hội Phật giáo các địa phương kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý hoạt động lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để truyền bá mê tín dị đoan, trục lợi. Lãnh đạo Bộ VH-TT-DL cũng mong muốn các bên tăng cường công tác tuyên truyền định hướng cho phật tử, du khách về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tôn giáo, tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống; kịp thời ngăn chặn việc truyền bá hoạt động mê tín dị đoan, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần lành mạnh của nhân dân. 

Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản gửi Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đề nghị tổ chức ngay buổi làm việc với Đại đức Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng để kiểm điểm làm rõ sự việc, có báo cáo bằng văn bản. Yêu cầu chấn chỉnh việc thuyết giảng tại chùa Ba Vàng cũng như có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cá nhân nếu để xảy ra sai phạm trong thuyết giảng gây mê tín, dị đoan.

Về hình thức xử lý với những điều sai trái của Phật tử, chủ trì chùa Ba Vàng, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp, xem xét và căn cứ vào báo cáo từ Quảng Ninh để có hình thức xử lý kịp thời và đích đáng. “Giáo hội tiếp thu ý kiến, không có chuyện nương nhẹ cho cơ sở thờ tự nào”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói. Vào ngày 26-3, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ họp và xem xét xung quanh vấn đề này.

Ngày 21-3, UBND TP Uông Bí cho biết đã có cuộc họp và giao Công an TP chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ, liên quan đến sự việc trên. Dự kiến sáng 23-3, UBND TP Uông Bí sẽ làm việc với bà Phạm Thị Yến, phật tử chùa Ba Vàng và thầy trụ trì chùa Ba Vàng. Cùng ngày, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL Phạm Cao Thái cho rằng, qua dư luận, tình trạng diễn ra hoạt động thỉnh vong thu tiền đã manh nha diễn ra tại chùa từ năm 2015 đến nay. Theo quy định pháp luật, hoạt động tổ chức truyền bá mê tín dị đoan hoàn toàn không được phép. Vì vậy, việc bà Phạm Thị Yến tổ chức rao giảng như vậy trong chùa cần phải xem xét xử lý vi phạm. “Nếu đúng có việc truyền bá mê tín dị đoan thu hàng trăm tỷ đồng như báo chí nêu thì xem xét ở góc độ hình sự chứ không phải ở mức độ hành chính...”, ông Phạm Cao Thái nói.

Vào tối 21-3, qua livestream trên trang Facebook và YouTube của chùa Ba Vàng, thầy trụ trì - đại đức Thích Trúc Thái Minh đã trả lời phật tử xung quanh các bài báo đã đăng tải liên quan đến chùa thời gian qua. Livestream đã thu hút hàng ngàn lượt xem chứng tỏ sự quan tâm của dư luận xung quanh vấn đề này. Đại đức Thích Trúc Thái Minh một lần nữa khẳng định, thế giới vong linh là có thật và tác động đến con người: “Cái gì là sự thật sẽ là sự thật và khi chân chính sẽ có người bảo vệ”. Một số phật tử cũng có mặt để kể các câu chuyện củng cố niềm tin vào một thế giới vong linh mà họ đã trải qua trong cuộc sống. Đặc biệt, những “nhân chứng” này đều bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào việc “thỉnh vong, giải nghiệp” mà nhà chùa thực hiện thời gian qua. 

Cần nói thêm, trên trang web nhà chùa còn đăng tải thông báo về số tài khoản của chùa để phật tử phát tâm cúng dường. Ngoài ra còn ghi rõ cách khấn phúc báo oan gia trái chủ. 

Tin cùng chuyên mục