Truyền hình trên Internet: Cơ hội và thách thức

Với dân số xấp xỉ 94 triệu người, người dùng Internet tại Việt Nam hiện nay chiếm 50% dân số, trong đó có 39,7 triệu người sử dụng Mobile Internet. “Đây là thời điểm vàng để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình Internet
Khi truyền hình truyền thống đang gặp muôn vàn khó khăn trong việc giữ chân khán giả, thì truyền hình trên Internet đang trở thành một hướng đi mới. Đây được xem là xu thế, là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với người làm truyền hình.   
Sự dịch chuyển tất yếu
Thống kê được ông Phan Thanh Giản, Giám đốc điều hành Clip TV đưa ra tại hội thảo “Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam” nằm trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế phim và công nghệ truyền hình (Telefilm 2017) cho thấy, với dân số xấp xỉ 94 triệu người, người dùng Internet tại Việt Nam hiện nay chiếm 50% dân số, trong đó có 39,7 triệu người sử dụng Mobile Internet. “Đây là thời điểm vàng để dịch chuyển truyền hình truyền thống sang truyền hình Internet”, ông Giản nói.
Và năm 2016 chính là thời điểm chứng kiến bước chuyển mình mạnh mẽ ấy. Nhận định trên cũng được ông Phạm Thành Nam, Giám đốc Công ty CP công nghệ số Sao Bắc Đẩu đồng tình. Theo ông, người dùng đang nhanh chóng chuyển sang màn hình thứ 2 (Second Screen), một thiết bị độc lập với tivi và trở thành một phần không thể thiếu trong việc trải nghiệm. 
Một câu hỏi được đặt ra là truyền hình OTT (Over The Top - giải pháp cung cấp các nội dung cho người sử dụng dựa trên các nền tảng Internet) liệu có phải là tương lai của ngành truyền hình tại Việt Nam.
Truyền hình trên Internet: Cơ hội và thách thức ảnh 1 Triển lãm Telefilm 
Theo ông Phạm Anh Chiến, Giám đốc Trung tâm Sản xuất và kinh doanh nội dung số - Đài Truyền hình Việt Nam, thời gian xem tivi truyền thống giảm, lượng xem trên Internet ngày càng tăng.
Hiện không chỉ các đài truyền hình mà lĩnh vực này còn có sự nhập cuộc mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, những người sáng tạo nội dung cho đến chủ sở hữu các nền tảng trực tuyến. Tại Việt Nam, YouTube, Netflix, Iflix, VTV Go, FPT Play, Danet, ZTV, Clip TV, My K+, Daily motion... là những đơn vị tiên phong.  
Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, tại sao lại làm OTT, ông Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập và quản lý của Umbala, cho biết: “Nói OTT là sân chơi của các ông lớn không sai. Tuy nhiên, chúng tôi muốn tạo sân chơi cho những người bình thường, trong đó đối tượng Umbala hướng đến là các bạn tuổi teen”.
Ông Phan Thanh Giản thì khẳng định, dù mất 5 năm thua lỗ hàng triệu USD, nhưng đơn vị vẫn quyết tâm và tin OTT tại Việt Nam vẫn có chỗ đứng riêng. “Đó là phương thức dễ nhất, rẻ nhất và cách tiếp cận người dùng nhanh nhất”, ông Shaun Ray - Kiến trúc sư trưởng khu vực ASEAN của Amazon Web Services (AWS) cho biết.  
Cơ hội song hành thách thức
Thống kê từ ông Phạm Anh Chiến cho thấy, doanh thu từ thị trường quảng cáo số năm 2016 tại Việt Nam đạt 58 triệu USD và dự kiến tăng lên 76 triệu USD trong năm 2017 và có thể tiệm cận 171 triệu USD vào năm 2020.
Theo ông Phạm Thành Nam, sự phát triển của truyền hình trên Internet là cơ hội để tăng doanh thu cho các đài phát thanh - truyền hình hiện nay. Ngoài việc cố gắng duy trì lượng khán giả trung thành, việc phát triển lượng khán giả mới trên nền tảng OTT là cách để tối đa hóa doanh thu cho các đài truyền hình, đặc biệt, khi quảng cáo trên internet đang tăng mạnh. Sau khi có nền tảng công nghệ tốt, việc duy nhất cần làm là chuẩn bị nội dung.
Ông Thanh Giản phát biểu thêm, cách duy nhất để các đài truyền hình ứng phó với “cơn lũ Internet” là phải chấp nhận sống chung và cạnh tranh một cách sòng phẳng… 
Thách thức lớn nhất đối với các đơn vị kinh doanh truyền hình Internet hiện nay, theo ông Phạm Anh Chiến là có thêm bao nhiêu khách hàng và thời gian họ xem các sản phẩm là bao lâu. “Ai giữ chân được khách hàng lâu hơn, người đó có nhiều tiền hơn”.
VTV Go lên kế hoạch từ cuối 2017 sẽ có riêng đội ngũ sản xuất nội dung dành cho OTT. “Càng có nhiều nội dung, người dùng càng có nhiều lựa chọn”, ông Giản nói. Trong khi đó, ông Thảo cũng như ông Chiến thì nhấn mạnh đến tính tương tác với khán giả nhằm tạo sự hấp dẫn, tăng tính chia sẻ. 
Các nhà sản xuất cũng nhìn nhận thực tế, hiện nay nhiều nội dung trên các nền tảng OTT tại Việt Nam vẫn còn chất lượng kém. Đặc biệt, chúng ta chưa có nhiều series phim được sản xuất riêng cho OTT, điều mà các đơn vị nước ngoài như Netflix đã làm rất hiệu quả.
Một câu hỏi khác được đặt ra, OTT phát triển như vũ bão liệu có xảy ra khả năng truyền hình truyền thống sẽ mất đi trong 10 - 20 năm nữa.
Theo ông Shaun Ray, ngay cả ở nước ngoài, nhiều thứ trên OTT vẫn chưa được hoàn thiện. Đặc biệt, nhiều nội dung là thế mạnh của truyền hình truyền thống như: tin tức trực tuyến, thể thao...
Riêng ở Việt Nam, do đặc thù OTT mới chỉ phủ sóng ở các đô thị lớn nên truyền hình truyền thống chưa dễ biến mất.

Tin cùng chuyên mục