Truyền lửa nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mạ

Với lòng yêu nghề và mong ước gìn giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, nghệ nhân Ka Chất (55 tuổi, buôn Bù Gia Rá, xã miền núi Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đang âm thầm gìn giữ và “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Truyền lửa nghề dệt thổ cẩm dân tộc Mạ

Với lòng yêu nghề và mong ước gìn giữ nét đẹp truyền thống của đồng bào dân tộc Mạ, nghệ nhân Ka Chất (55 tuổi, buôn Bù Gia Rá, xã miền núi Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đang âm thầm gìn giữ và “truyền lửa” cho thế hệ trẻ bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Người Mạ ở Đồng Nai Thượng có nhiều nghề truyền thống như đan gùi, đan lát, rèn xà gạc, diều sáo; trong đó, dệt thổ cẩm được xem là nghề truyền thống tiêu biểu nhất. Ngoài thời gian làm nương rẫy, người phụ nữ dân tộc Mạ lại gắn mình bên khung cửi. Trước đây, nếu phụ nữ Mạ không biết dệt thì bị xem là không khéo tay. Quần áo cho các thành viên trong gia đình đều do người phụ nữ làm ra. Thế nhưng, do xã hội ngày càng phát triển, nam nữ trong buôn đua theo văn hóa người Kinh ăn vận quần jean, áo sơ mi… nên nghề dệt thổ cẩm của người Mạ mai một dần, lớp trẻ không còn mặn mà với nghề dệt.

Nghệ nhân Ka Chất (bìa phải) đang truyền nghề lại cho thế hệ sau

Nhìn những khung cửi bị vứt trong xó nhà, tận trong tâm khảm của Ka Chất rất buồn. Bà lo đến một ngày nào đó phụ nữ Mạ không còn biết “đưa thoi” và những sản phẩm thổ cẩm của người dân tộc mình sẽ bị lãng quên… Từ những trăn trở đó, bà Ka Chất đã tự thân vận động, mở lớp dạy dệt thổ cẩm tại nhà riêng của mình với mục đích truyền lại nghề truyền thống cho đồng bào. Bà cho biết: “Chiếc khung dệt của người Mạ không giống với các dân tộc khác mà được làm từ những thanh tre rời nhau. Phụ nữ Mạ ngồi dệt trên khung dệt trải dài và theo kỹ thuật luồn sợi tinh xảo. Điều đặc biệt, tài năng của các nghệ nhân Mạ ở chỗ không cần bản thiết kế, vì mọi thứ đã có sẵn ở trong đầu. Và quan trọng là sự điều khiển của đôi tay sao cho nhuần nhuyễn, khéo léo và phải có sức khỏe”.

Được sự ủng hộ của chính quyền xã Đồng Nai Thượng, năm 2013, Tổ hợp tác làng nghề truyền thống Bù Gia Rá được ra đời, bà Ka Chất làm chủ nhiệm với 5 thành viên trong 5 buôn. Ban đầu, hoạt động của tổ hợp tác còn nhiều khó khăn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu đầu ra… nhưng bà Ka Chất không quản ngại. Bà đi nhiều nơi, tham gia nhiều hội chợ triển lãm để tìm đầu ra cho sản phẩm. Là người yêu thổ cẩm nên bà Ka Chất luôn tự nhủ phải làm mọi cách để chị em luôn gần khung cửi. Để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu khách hàng, bà Ka Chất đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, tổ hợp tác còn dệt túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Vì thế, những sản phẩm của chị em trong Tổ hợp tác làng nghề truyền thống Bù Gia Rá làm ra đã dần được thị trường đón nhận. Sản phẩm của tổ hợp tác sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh Lâm Đồng mà còn được nhiều khách hàng ở TPHCM, Hà Nội… đón nhận.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên), cho biết: “Tổ hợp tác làng nghề truyền thống Bù Gia Rá đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 chị em trong buôn với thu nhập bình quân 1,5 - 2 triệu đồng/tháng và tạo việc làm thời vụ cho 50 chị em trong buôn. Nỗ lực của bà Ka Chất không những giúp nghề dệt truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại thu nhập mà còn giúp đời sống của chị em trong buôn ngày càng cải thiện”.

ĐÌNH THI

Tin cùng chuyên mục