TS Phạm Quốc Quân: Giá trị của bảo vật quốc gia phần nhiều vẫn nằm trong kho…

Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt, liên quan đến một sự kiện trọng đại của đất nước, liên quan đến sự nghiệp của anh hùng dân tộc, danh nhân tiêu biểu; hoặc là tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ, tiêu biểu cho một khuynh hướng, một phong cách, một thời đại… 
TS Phạm Quốc Quân: Giá trị của bảo vật quốc gia phần nhiều vẫn nằm trong kho… ảnh 1TS Phạm Quốc Quân
Cho tới thời điểm này, mặc dù rất nhiều hiện vật đã được Chính phủ phong tặng là Bảo vật quốc gia, nhưng giá trị và sức lan tỏa của những hiện vật này vẫn còn rất hạn chế. Làm thế nào để phát huy sức mạnh của bảo vật quốc gia? TS Phạm Quốc Quân (ảnh), thành viên Hội đồng Di sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo SGGP về những trăn trở này.
PHÓNG VIÊN: Một số ý kiến cho rằng, người dân không có cơ hội được thưởng lãm, chiêm ngưỡng bảo vật và bảo vật cũng chưa có được sức lan tỏa mạnh mẽ, chính là do chưa có được chế độ bảo quản, bảo vệ đúng tầm?
TS PHẠM QUỐC QUÂN: Đúng vậy, trên thực tế bảo vật quốc gia phải có chế độ về bảo quản, bảo vệ… Khi được tôn vinh, ghi nhận thì vinh dự phải gắn kèm theo trách nhiệm và phải có đủ điều kiện để giữ gìn bảo vật ấy. Ở nước ngoài, các bảo vật quốc gia hàng năm có kinh phí riêng dành cho bảo quản, có chế độ bảo vệ đặc biệt.
Tượng Chăm ở Bảo tàng Chăm Đà Nẵng chẳng hạn, khi bản tượng này đi trưng bày tại nước ngoài, nó đã được mua bảo hiểm với giá trị lên tới 5 triệu USD. Được các chuyên gia nước ngoài đánh giá rất cao, nhưng tiếc thay, hiện nay bản trưng bày tại bảo tàng chỉ là phiên bản do Australia giúp phục dựng, chứ không phải là hiện vật gốc. Bởi khu vực trưng bày của bảo tàng chưa đủ điều kiện an ninh, bảo vệ. Tác phẩm ấn tượng, có giá trị như vậy nhưng lại cất giữ trong kho, người dân không được hưởng thụ… thật đáng tiếc!
Thực tế, nhiều bảo vật không nằm trong bảo tàng mà lại nằm trong di tích, do cộng đồng quản lý, nên những lo ngại về an ninh lại càng trở nên cấp thiết. Ví như tượng nghìn mắt, nghìn tay ở Hưng Yên đã bị mất và cuối cùng may mắn tìm lại được ở… giữa đường. Nhiều hiện vật khác được công nhận là bảo vật nhưng mỗi địa phương, mỗi di tích tùy theo điều kiện lại có những cách bảo vệ, gìn giữ khác nhau… khiến nhiều bảo vật luôn phải đối diện với nguy cơ xuống cấp, mất mát. Điều này tôi đã trăn trở lâu.
Khi được công nhận thì dường như địa phương hay đơn vị đang quản lý bảo vật phải gánh thêm nhiều áp lực về việc bảo tồn, bảo vệ… Phải chăng chính vì lý do đó mà nhiều hiện vật rất có giá trị nhưng chưa được xây dựng hồ sơ xét tặng?
Có lẽ đó cũng là một nguyên nhân. Thực tế trong nhiều chuyến công tác, khảo sát tại một số địa phương, chúng tôi cũng thấy còn nhiều hiện vật quý giá đang tồn tại trong các di tích mà vẫn bị đối xử thờ ơ, chưa xứng tầm. 
Theo ông, các cơ quan quản lý ngành có cần có thêm những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong việc bảo tồn, quảng bá và phát huy giá trị báu vật?
Tôi cũng từng nêu ý kiến này trong Hội đồng Di sản quốc gia, phải có hình thức để tôn vinh bảo vật. Ví dụ trong bảo tàng, di tích, cần có hình thức tôn vinh nó thay vì tổ chức những buổi lễ đón nhận hoành tráng, dềnh dang, tốn kém. Có thể xây dựng một quỹ tu bổ hoặc một mô hình trưng bày riêng để nhận diện, tôn vinh dành riêng cho bảo vật quốc gia. Nhiều bảo tàng trên thế giới, khi bảo vật quốc gia khuyết trống vì đang được đưa đi trưng bày ở nơi khác, họ thường đề một dòng thông báo: “Nơi đây là chỗ trưng bày bảo vật quốc gia. Nhưng hiện vật đang đưa đi trưng bày ở nước ngoài!”. Thông tin đơn giản, nhưng lại có sức hấp dẫn lớn đối người xem và tôn vinh hơn vị trí của bảo vật.
Cùng đó, nên có nhiều dự án đặc biệt dành cho bảo vật. Như ở Pháp, bảo vật quốc gia hàng năm có kinh phí đầu tư cho bảo quản và hội đồng quốc gia trong công tác bảo quản. Hàng năm có đánh giá công tác bảo quản đối với mỗi hiện vật, rồi đưa ra những khuyến cáo về việc cần phải bảo quản những bộ phận gì, rồi cấp kinh phí cho việc đó.
Nhiều nước đã làm cuốn sách hoành tráng, hấp dẫn về cổ vật của Việt Nam để bán và đều có sức lan tỏa, kinh doanh cũng rất tốt. Vì thế những người làm cuốn sách cũng hướng tới việc kinh doanh. Như ở bảo tàng Chăm Đà Nẵng, cuốn giới thiệu bảo vật và cũng được du khách ủng hộ rất đông.
Trong nhiều bảo tàng trên thế giới, người ta không làm các quầy lưu niệm, không bán các đồ vật mang tính lưu niệm thông thường. Họ thường làm cửa hàng chuyên về các sản phẩm mang đặc trưng riêng của bảo tàng, của di tích, không phải các sản phẩm làm hàng loạt. Các hiện vật cần làm với độ tinh xảo, chính xác, kỹ lưỡng tới từng chi tiết theo kiểu copy chất lượng cao, với chuẩn mực riêng các hiện vật… Có như vậy mới có thể bán được với giá trị cao. Ở Việt Nam, cũng cần phải hướng tới những kỹ thuật như vậy, chứ đừng là hàng lưu niệm đơn thuần. Đó cũng là một cách tôn vinh bảo vật thay vì chỉ lưu giữ cất kho!

Tin cùng chuyên mục