Từ 0 giờ ngày 15-4, đổi mã vùng điện thoại cố định đợt 2

Từ 0 giờ ngày 15-4, bắt đầu đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2. Đến 23 giờ 59 phút ngày 14-4, việc chuyển mã vùng điện thoại cố định tại 13 tỉnh, thành đợt đầu tiên được hoàn tất.

(SGGPO).- Từ 0 giờ ngày 15-4, bắt đầu đổi mã vùng điện thoại cố định giai đoạn 2. Đến 23 giờ 59 phút ngày 14-4, việc chuyển mã vùng điện thoại cố định tại 13 tỉnh, thành đợt đầu tiên được hoàn tất.

Theo kế hoạch được Bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn phê chuẩn bằng Quyết định số 2036 ngày 21-11-2016, việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định hiện tại của 59/63 tỉnh, thành trên toàn quốc sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, bắt đầu từ 0 giờ ngày 11-2-2017 và hoàn tất vào 31-8-2017. Mã vùng điện thoại của 4 tỉnh được giữ nguyên là Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình và Hà Giang.

Sau chuyển đổi, mã vùng điện thoại cố định của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước đều bắt đầu với số 2 và có 3 số (2XX); riêng Hà Nội và TPHCM sẽ có mã 2 số (Hà Nội là 24 và TPHCM là 28). Số điện thoại cố định riêng của tất cả thuê bao hiện nay đều được giữ nguyên, không có bất kỳ thay đổi nào.

Sau khi chuyển đổi xong, dãy số liên lạc của tất cả các số điện thoại cố định của Việt Nam đều là 11 số (0 + số mã vùng + số thuê bao).

Cụ thể, giai đoạn 1 (gồm 13 tỉnh, thành) được hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 14-4-2017.

Giai đoạn 2 thực hiện chuyển đổi có 23 tỉnh, thành phố; thời gian bắt đầu từ từ 0 giờ ngày 15-4-2017, hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 16-6-2017.

Giai đoạn 3 có 23 tỉnh, thành bắt đầu chuyển đổi từ 0 giờ ngày 17-6-2017, hoàn thành vào 23 giờ 59 ngày 31-8-2017.

Trong đợt 2 này, cụ thể về mã vùng cũ và mới của 23 tỉnh, thành sau: Quảng Ninh mã cũ 33, mã mới 203; Bắc Giang mã cũ 240, mã mới 204; Lạng Sơn mã cũ 25, mã mới 205; Cao Bằng mã cũ 26, mã mới 206; Tuyên Quang mã cũ 27, mã mới 207; Thái Nguyên mã cũ 280, mã mới 208; Bắc Cạn mã cũ 281, mã mới 209; Hải Dương mã cũ 320, mã mới 220; Hưng Yên mã cũ 321, mã mới 221; Bắc Ninh mã cũ 241, mã mới 222; Hải Phòng mã cũ 31, mã mới 225; Hà Nam mã cũ 351, mã mới 226; Thái Bình mã cũ 36, mã mới 227; Nam Định mã cũ 350, mã mới 228; Ninh Bình mã cũ 30, mã mới 229; Cà Mau mã cũ 780, mã mới 290; Bạc Liêu mã cũ 781, mã mới 291; Cần Thơ mã cũ 710, mã mới 292; Hậu Giang mã cũ 711, mã mới 293; Trà Vinh mã cũ 74, mã mới 294; An Giang mã cũ 76, mã mới 296; Kiên Giang mã cũ 77, mã mới 297; Sóc Trăng mã cũ 79, mã mới 299.

Lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết, kế hoạch chuyển đổi mã vùng kho số viễn thông đã được Bộ TT-TT chỉ đạo, khảo sát đánh giá năng lực của hệ thống và thử nghiệm hệ thống trên thực tế.

Việc chuyển đổi mã vùng không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung trên thế giới khi mà dịch vụ điện thoại cố định suy giảm mạnh và người dùng chuyển sang sử dụng di động là chính.

Được biết kế hoạch chuyển đổi này sẽ giải phóng và thêm vào tài nguyên kho số khoảng 600 triệu đầu số. Dự kiến 100 triệu số sẽ dùng cho cho dịch vụ điện thoại vệ tinh, điện thoại Internet, đầu số dự phòng, cho các cơ quan Đảng, Nhà nước, quân đội, công an. 500 triệu số còn lại sẽ được phân bổ để phát triển thuê bao di động và các dịch vụ mới.

Cũng theo quy hoạch, sau khi hoàn tất quá trình chuyển đổi mã vùng cố định, Bộ TT-TT sẽ cho phép các mạng di động thực hiện chuyển đổi các thuê bao di động 11 số hiện nay thành 10 số, theo đầu số của từng nhà mạng để thống nhất dịch vụ di động ở Việt Nam chỉ có dải 10 số.

Sau kinh nghiệm của việc chuyển mã vùng cố định đợt 1, các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel, FPT,… khẳng định, sẵn sàng cho việc chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định đợt 2.

TRẦN BÌNH

Tin cùng chuyên mục