Từ bỏ học bổng tiến sĩ về quê trồng rau sạch

Anh Lê Đình Quả khiến nhiều người quen biết ngạc nhiên khi quyết định nghỉ việc ở một đơn vị nhà nước, khước từ suất học bổng tiến sĩ ở Úc, trở về quê vợ tại Bố Trạch (Quảng Bình) trồng rau sạch hữu cơ…
 
Anh Quả trong vườn rau hữu cơ của mình
Anh Quả trong vườn rau hữu cơ của mình
Bỏ phố lên núi 
Anh Quả sinh năm 1981, tốt nghiệp đại học và được nhận vào làm việc tại Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ đóng tại Quy Nhơn (Bình Định). Anh bảo vệ luận văn thạc sĩ hạng ưu tại Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, là nguồn cán bộ trẻ của viện.
Với những nghiên cứu khoa học thành công như áp dụng các mô hình thâm canh làm giàu từ rau sạch, anh được dự án ACIAR Việt Nam cấp học bổng học tiến sĩ tại Úc, nhưng anh từ chối, quyết định về quê vợ khởi nghiệp trồng rau hữu cơ. 
Nhận thấy đất đai ở quê nhiều, tương lai rau sạch hữu cơ được ưa chuộng từ gia đình đến trường học, bếp công nghiệp, anh Quả thuyết phục vợ về xã Hòa Trạch (Bố Trạch) tìm mua đất. Vợ anh kể: “Ngày anh ấy tâm sự sẽ bỏ biên chế nhà nước, em nghe rụng rời. Đã có nhà cửa ở Quy Nhơn, tương lai đang tốt đẹp, vậy mà anh ấy có quyết định như vậy, nhưng thuyền theo lái, gái theo chồng, em tôn trọng ước mơ của anh ấy”.
Bán căn nhà ở Quy Nhơn được 600 triệu đồng, hai vợ chồng anh Quả về quê mua 2,5ha đất vùng đồi sâu trong thôn Kéc, đường vào đất vườn phải tự vỡ hoang, rồi dựng căn nhà cấp bốn, ngày ngày “đánh vật” với đất trồng đủ thứ rau.
Thạc sĩ làm nông dân
Sâu bên trong thôn Kéc, khu đất gia đình anh Quả xanh biếc các loại rau. “Tôi chọn khu đất này vì có hàm lượng khoáng trong đất cao, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, không có nguồn nước ô nhiễm, nước ngầm đạt tiêu chuẩn cao, đặc biệt không có hoạt động nhà máy nên yên tâm làm rau hữu cơ”, anh Quả nói. Vay mượn từ bạn bè, họ hàng, đầu tư vốn liếng hơn 1 tỷ đồng, anh bắt tay trồng rau mồng tơi, rau khoai, rau muống, rau đay, chùm ngây, rau cải, cải mầm… trên các giá thể xơ dừa, làm nhà màn, nhà kín. Vợ anh kể: Hồi đầu về phải cải tạo đất, cỏ dại um tùm, cầm liềm cầm cuốc chai cả bàn tay. Nhiều lúc thấy mình khổ, chồng con khổ, chợt nghĩ hay là vợ chồng mình chọn sai? Cả hai động viên nhau phải phấn đấu bằng sức lực và kiến thức để đưa rau sạch đến người dân. Lứa rau đầu tiên chở trên chiếc xe máy cà tàng được người dân đón nhận mừng ứa nước mắt. Đó là năm 2016. 
Khu rau sạch của vợ chồng anh Quả không bón bất cứ loại phân hóa học nào, chỉ xới đất làm tơi, bỏ phân thảo dược hoặc phân chuồng hoai, tưới nước bằng hệ thống ống dẫn thiết kế khoa học, tự động. Cơ sở được lấy tên là Rau sạch An Nông, nghĩa là nông nghiệp sạch, an toàn. “Làm rau sạch đối diện với nhiều rủi ro, năng suất thấp hơn, chi phí thuốc trừ sâu thảo mộc, nhà lưới, bẫy sinh học cao hơn nhiều so với trồng rau thông thường… Nhưng bù lại, sản phẩm làm ra an toàn, đặc biệt là đối với con trẻ đang giai đoạn phát triển”, anh Quả chia sẻ. 
Từ thành quả này, cơ sở được chứng nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap. Rau sạch hữu cơ của anh Quả đã có mặt tại 5 trường mầm non trên địa bàn huyện Bố Trạch, ngoài ra còn có mặt ở 5 cơ sở tại Đồng Hới và vùng phụ cận. Thời gian tới, một siêu thị lớn trên địa bàn sẽ đưa rau của vợ chồng anh vào chuỗi siêu thị của mình. Mục tiêu sắp tới của anh Quả là sẽ đưa rau sạch vào hệ thống bếp ăn của các bệnh viện. Về lâu dài, anh sẽ đầu tư chuồng trại để chăn nuôi gà, heo bản địa theo phương thức hữu cơ với mong muốn có thêm bữa ăn sạch cho người dân.

Tin cùng chuyên mục