Chấn chỉnh kỷ cương trong giáo dục đại học

Tự chủ càng nhiều, thanh tra càng mạnh

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của giáo dục Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động GDĐH, đổi mới quản lý, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH.
Tự chủ càng nhiều, thanh tra càng mạnh

Luật Giáo dục đại học (GDĐH) sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng của giáo dục Việt Nam nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động GDĐH, đổi mới quản lý, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH.

PV Báo SGGP đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) về việc chuẩn bị đưa dự luật quan trọng này vào cuộc sống.

° Phóng viên: Để Luật GDĐH đi vào cuộc sống từ 1-1-2013, đến nay ngành GD-ĐT đã hoàn tất việc chuẩn bị như thế nào?

° Thứ trưởng BÙI VĂN GA: Để thực hiện luật, có 36 văn bản cần biên soạn mới, bổ sung, điều chỉnh, đến nay đã cơ bản hoàn thành, trong đó một số văn bản đã ban hành, một số vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến (gồm những nghị định, quyết định của Chính phủ). Nói chung, bộ đã chuẩn bị rất chu đáo, kịp thời để khi có hiệu lực có thể triển khai luật ngay. Những điểm nào đã rõ trong luật thì áp dụng thực tiễn, còn 22 điểm chưa rõ mới cần hướng dẫn. Trong đó có 4 khái niệm hoàn toàn mới mà luật đưa ra cần thêm thời gian để lấy ý kiến hoàn thiện trước khi thực hiện.

Thứ nhất là phân tầng - xếp hạng đại học. Vấn đề này thế giới đã làm nhiều nhưng Việt Nam thì chưa. Vì thế chúng tôi phải nghiên cứu kỹ để phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Phân tầng đại học là nhằm để Nhà nước tập trung đầu tư, để tạo điều kiện xã hội giám sát chất lượng giáo dục cũng như để các nhà tuyển dụng có cơ sở dựa vào đó mà tuyển dụng nhân lực. Đại học Việt Nam sẽ được phân tầng thành đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng và cao đẳng thực hành. Điều này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng. Trong năm 2013 sẽ có quy định rõ về việc phân tầng đại học cũng như việc đánh giá, xếp hạng các trường. Khi đó sẽ có những quy định cụ thể, muốn được đánh giá cao thì đầu vào của sinh viên phải cao hơn điểm sàn bao nhiêu chẳng hạn.

Cùng với đó, vấn đề xếp hạng cũng phải được làm rõ, xếp hạng theo nguyên tắc chất lượng giáo dục. Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ là người đứng ra công nhận bảng xếp hạng các trường đại học. Xếp hạng đại học ở ta không chỉ là để xã hội, người học tham khảo mà còn là căn cứ để Nhà nước đầu tư cho các trường.

Thứ hai là chuẩn quốc gia của các trường đại học. Luật quy định trường đạt chuẩn quốc gia sẽ được quyết định việc mở ngành đào tạo. Hiện bộ đang nghiên cứu để đưa ra các tiêu chuẩn quốc gia của trường đại học. Khác với phổ thông, tiêu chuẩn quốc gia của đại học khó hơn do mỗi trường có một hướng đào tạo khác nhau. Vì thế, bộ đang tìm những tiêu chí chung nhất để ban hành. Trường đại học đạt chuẩn quốc gia sẽ được tự chủ cao.

Thứ ba là vấn đề các trường ngoài công lập phi lợi nhuận và vì lợi nhuận. Luật chỉ mới nêu định nghĩa về vấn đề này, nhưng khi thực hiện phải chi tiết, định lượng. Nhà nước sẽ có chính sách đầu tư cho các trường đại học ngoài công lập phi lợi nhuận như đầu tư cho các trường công lập. Nếu đã là trường phi lợi nhuận nhưng lại hoạt động vì lợi nhuận thì sẽ bị xử lý rất nặng. Trong năm 2013, bộ sẽ ban hành tiêu chí để phân biệt trường nào vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Các trường vì lợi nhuận sẽ phải chịu mức thuế và những chính sách quản lý riêng.

Thứ tư là vấn đề lương của giảng viên đại học, bộ sẽ phải thảo luận với các bộ liên quan để ban hành.

° Tinh thần chủ đạo của Luật GDĐH là tăng quyền tự chủ cho các trường. Vậy từ nay, các trường sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước xã hội về những sai phạm của mình?

° Tinh thần của luật là đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH, trong đó có đổi mới cung cách quản lý. Về cơ bản, các trường sẽ được giao quyền tự chủ, nhưng anh phải bảo đảm có đủ những điều kiện để được giao tự chủ. Lúc đó, Hội đồng trường có vai trò rất lớn. Chính Hội đồng trường sẽ là người chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội về những sai sót của trường chứ không phải là Bộ GD-ĐT như hiện nay.

° Trong những tháng gần đây, Bộ GD-ĐT đã có nhiều động thái quyết liệt trong việc chấn chỉnh các sai phạm trong liên kết đào tạo, trong tuyển sinh. Phải chăng đó là bước chuẩn bị cần thiết để Luật  GDĐH  đi vào cuộc sống?

° Đúng vậy. Suốt cả năm qua, để chuẩn bị cho luật đi vào cuộc sống, chúng tôi đã có nhiều đổi mới về cung cách quản lý đối với GDĐH. Trong đó có việc phân cấp trách nhiệm cho các địa phương, đẩy mạnh thanh tra, giám sát về hoạt động của các trường trong liên kết đào tạo, tuyển sinh, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm và công khai xử lý. Tới đây, khi luật có hiệu lực, các trường được giao tự chủ thì bộ càng đẩy mạnh hơn việc thanh tra để phát hiện và xử lý các sai phạm. Những động thái mạnh gần đây của bộ cũng là nhằm để luật đi vào cuộc sống thuận lợi, tạo nên một không khí chấn chỉnh kỷ cương, lập lại trật tự trong GDĐH. Ai sai thì xử lý nghiêm, ai làm tốt thì được thưởng. Nếu chúng ta thực hiện tự chủ mà buông lỏng kiểm tra, không đi theo pháp luật thì chất lượng giáo dục sẽ bị thả nổi. Đó là lý do vì sao chúng tôi gần đây đẩy mạnh thanh tra hoạt động của các trường, là một cách dọn đường để thực hiện luật.

° Mới đây, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói rõ, từ năm 2013 sẽ hướng đến việc tạm dừng mở mới các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng?

° Hiện chỉ tiêu giao cho các trường bộ chỉ quy định tổng thể. Việc chọn bao nhiêu sinh viên cho ngành gì các trường tự quy định, bộ không can thiệp sâu. Tuy nhiên, về quản lý nhà nước, bộ có trách nhiệm thực hiện quy hoạch nguồn nhân lực đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch là căn cứ để các trường đại học và các cơ quan quản lý nhà nước dựa vào đó xây dựng chiến lược phát triển, điều hành để ngành này không quá thừa, ngành khác không quá thiếu. Các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng đã thừa rồi. Năm 2010 ta quy hoạch chỉ 20% các em theo học các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng trong tổng số sinh viên trên cả nước nhưng tuyển sinh 2011 vượt lên 38%.

° Trong năm 2013, công tác tuyển sinh ĐH-CĐ có gì đổi mới?

° Trong tháng 1-2013, bộ sẽ có cuộc họp bàn, lấy ý kiến về công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, chủ trương của bộ là ổn định tuyển sinh cho đến năm 2015 và chỉ thay đổi về kỹ thuật. Bộ cũng khuyến khích các trường có khả năng tuyển sinh riêng.

° Cảm ơn Thứ trưởng!

Phan Thảo

Tin cùng chuyên mục