Tự chủ đại học - Cần “áo” rộng hơn

Lâu nay, khá nhiều ý kiến cho rằng, tự chủ đại học (ĐH) là một trong những vấn đề cốt lõi cần phải được xem xét để cải cách, chấn hưng nền giáo dục ĐH Việt Nam. Đây không phải vấn đề mới, nhiều trường đang thực hiện, nhưng không tránh khỏi lúng túng, khó khăn. Từ thực tiễn của mình, hiện nhiều trường ĐH kiến nghị cần tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tự chủ đại học - Cần “áo” rộng hơn

Lâu nay, khá nhiều ý kiến cho rằng, tự chủ đại học (ĐH) là một trong những vấn đề cốt lõi cần phải được xem xét để cải cách, chấn hưng nền giáo dục ĐH Việt Nam. Đây không phải vấn đề mới, nhiều trường đang thực hiện, nhưng không tránh khỏi lúng túng, khó khăn. Từ thực tiễn của mình, hiện nhiều trường ĐH kiến nghị cần tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Sinh viên khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực tập lắp mạch điều khiển động cơ một chiều. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa TPHCM thực tập lắp mạch điều khiển động cơ một chiều. Ảnh: Mai Hải

Tài chính: Bức xúc dài dài...

Theo GS-TS Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, nguồn kinh phí eo hẹp trở thành nguyên nhân chính lý giải cho sự chậm tiến của nhiều trường ĐH. Điều này thôi thúc các trường ĐH phải đổi mới quản lý tài chính để tiến tới tự chủ. Tuy nhiên, khi nói đến tự chủ, thì không phải chỉ nói đến tự chủ tài chính, mà là tự chủ về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ để có thể tự chủ tài chính.

Từ năm 2005, Trường ĐH Ngoại thương là một trong 5 trường thí điểm thực hiện lộ trình tự chủ tài chính và bị cắt giảm kinh phí chi thường xuyên. Đến năm 2008, Bộ GD-ĐT đã có văn bản về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. ĐH Ngoại thương thuộc diện không được cấp ngân sách chi thường xuyên.

“Đây thực sự là thách thức lớn với nhà trường, nhất là trong điều kiện khung học phí thấp, nhưng mọi chi phí đào tạo đều tăng như hiện nay. Trong bối cảnh đó, chúng tôi phải tự tìm đường mà ra”, GS Hoàng Văn Châu nhấn mạnh.

Theo GS Châu, trường đã phải tận dụng mọi cơ hội có thể để có thêm nguồn lực, từ phát triển các chương trình chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh, tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài, cho tới thu hút sinh viên nước ngoài vào học tại trường (Lào, Hàn Quốc)... Và với cách làm này, đã góp phần tăng nguồn thu của nhà trường (ngoài nguồn thu học phí và nguồn ngân sách) từ 4% năm 2004 lên khoảng 25% năm 2008.

“Không được nhà nước cấp kinh phí đào tạo hàng năm cho số sinh viên đang theo học tại trường như các trường ĐH công lập khác trong khi học phí thu theo quyết định của Chính phủ. Chúng tôi cũng chưa được Nhà nước cấp đất xây dựng, cơ sở đào tạo phải thuê. Nhà trường phải tự trả lương cho cán bộ giáo viên và trang trải các chi phí đào tạo khác với nguồn kinh phí hạn hẹp”, đó là tình cảnh của Viện ĐH Mở Hà Nội mà TS Phạm Minh Việt, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho biết. Trong khi hiện tại, viện có tới 50.000 sinh viên đang theo học, thực hiện tự chủ tài chính gặp rất nhiều khó khăn.

Khó khăn về tài chính và những bức xúc đi kèm cũng là vấn đề chung của nhiều trường đang được giao tự chủ như ĐH Luật Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Lao động-Xã hội. Đó là chưa kể, trong công tác tuyển sinh, nhiều trường bị lỗ nặng vì thu không đủ chi. Dù các trường đã kiến nghị nhiều lần về việc thu lệ phí hồ sơ và lệ phí tuyển sinh một lần để giảm lượng thí sinh ảo và giảm bớt khó khăn về tài chính nhưng vẫn chưa được bộ đồng ý.

Ngoài vấn đề tài chính, các trường cũng cho rằng, trường ĐH chưa được tự chủ trong các vấn đề chuyên môn. “Theo Luật Giáo dục thì hiệu trưởng các trường ĐH đã được giao nhiệm vụ đào tạo nghiên cứu sinh, có quyền công nhận trúng tuyển nghiên cứu sinh và công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tiến sĩ. Nhưng cho tới nay, Bộ GD-ĐT vẫn ôm đồm quyền này, không trao cho hiệu trưởng các trường ĐH”, đại diện nhiều trường cho biết.

Sinh viên ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học ôn trong thư viện trường. Ảnh: Mai Hải

Sinh viên ĐH Quốc tế (ĐHQG TPHCM) học ôn trong thư viện trường. Ảnh: Mai Hải

Trao nhiều quyền hơn?

Không phủ nhận mô hình tự chủ là định hướng hết sức đúng đắn từ Bộ GD-ĐT vì đã tạo điều kiện cho các trường phát huy mọi tiềm năng để thực hiện nhiệm vụ và nâng cao chất lượng giáo dục, nhưng theo ghi nhận chung, hiện nay các trường ĐH đều cho rằng, phải có giải pháp để tự chủ ĐH thực sự có hiệu quả.

GS-TS Hoàng Văn Châu (ĐH Ngoại thương) cho rằng, cần phân cấp mạnh mẽ hơn nữa cho các trường ĐH. “Bộ GD-ĐT nên giao cho các trường, đặc biệt là các trường tự chủ được quyết định trong vấn đề tuyển sinh, quy định mức học phí của các hệ liên kết đào tạo và một số thủ tục liên quan đến xây dựng cơ bản, mua sắm...”, GS Châu nói. Mặt khác, theo GS Châu, cần có chính sách để đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các loại trường ĐH, nên phân loại rõ ràng các trường ĐH và có quy định cụ thể về quyền tự chủ, cũng như phạm vi trách nhiệm.

Thạc sĩ Phùng Bá Đề (Trường ĐH Lao động-Xã hội) cũng đồng tình cho rằng, Nhà nước cần giao việc quyết định chỉ tiêu tuyển sinh, loại hình đào tạo cho các trường trên cơ sở năng lực, cơ sở vật chất... của từng trường. Ngoài ra, Chính phủ cần giao quyền tự chủ hơn cho các trường ĐH trong việc xây dựng, triển khai và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về các chương trình đào tạo liên kết với các trường ĐH trên thế giới. “Bộ GD-ĐT sẽ giám sát chất lượng đào tạo thông qua công tác kiểm định chất lượng được xây dựng thành các tiêu chí rõ ràng”, Thạc sĩ Phùng Bá Đề đề nghị.

Theo ông Khuất Văn Ninh, Phó Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội 2, nếu trường nào có khả năng tự chủ hoàn toàn thì Bộ GD-ĐT nên để cho họ được tự chủ hoàn toàn. Vai trò của bộ là đề ra những chủ trương, chiến lược cho giáo dục. Các trường đều có trách nhiệm xã hội của mình. Không một trường nào không hướng tới đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội với chất lượng ngày càng cao, có thương hiệu. 

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục