Từ đầu tư đến làn sóng M&A của doanh nghiệp Thái Lan - Bài 2: Định vị chỗ đứng cho hàng Việt

Cùng với sự tăng cường đầu tư và thâu tóm hàng loạt thương hiệu lớn tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan, thị trường hàng hóa tại Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Đâu là cách nhìn mới để hàng Việt phát triển. 
Mua hàng siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều gia đình. Ảnh: CAO THĂNG
Mua hàng siêu thị đã trở thành thói quen của nhiều gia đình. Ảnh: CAO THĂNG
Cùng với sự tăng cường đầu tư và thâu tóm hàng loạt thương hiệu lớn tại Việt Nam của các doanh nghiệp Thái Lan, thị trường hàng hóa tại Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Tuy thống kê từ nhiều hệ thống phân phối trong nước cho thấy, tỷ lệ hàng Việt hiện vẫn chiếm 90% - 95% trong tổng lượng hàng đang bán tại các siêu thị. Nhưng theo chúng tôi, con số này không đúng với thực tế và cần có cách nhìn mới để hàng Việt phát triển. 
Nước chảy chỗ trũng
Ngay sau khi hoàn thành việc “thay tên đổi họ” từ Metro thành MM Mega Market, siêu thị MM Mega Market An Phú thường xuyên dành vị trí đẹp nhất để giới thiệu các sản phẩm có nguồn gốc từ Thái Lan, với hàng trăm chủng loại sản phẩm, giá cả khác nhau.
Hệ thống bán lẻ này đang mở một hội chợ mini về hàng Thái ngay trong siêu thị. Từ những gói bánh snack có giá 6.600 đồng/gói, mì ăn liền, nước mắm, gạo các loại, tương đậu nành, bún khô, bánh kẹo, nước ép… đến đồ gia dụng, xà bông, nước xả vải… tất tật đều có ở đây.
Báo cáo của một số cơ quan chức năng tại TPHCM cũng cho thấy, hàng hóa Thái đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn. Hiện tượng cửa hàng chuyên bán đồ Thái được mở ra hàng loạt, cho thấy mức độ tiêu thụ hàng Thái rất lớn. Biểu hiện rõ nhất là tại TPHCM, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo trẻ em cao cấp của Trung Quốc hoặc Hồng Công, Hàn Quốc... đã và đang nhường đất cho hàng Thái! Hiện tượng hàng Thái vào Việt Nam được ví như “nước chảy chỗ trũng” diễn ra từ nhiều năm qua.
Trên quy mô lớn, hàng loạt công ty đã được thành lập với mục đích nhập khẩu và phân phối hàng tiêu dùng Thái Lan. Các công ty này trực tiếp ký hợp đồng với vài nhãn hàng tại Thái Lan và phân phối lại cho các đại lý ở Việt Nam. Chính sách chiết khấu cao, nhiều khuyến mãi, giá cả hợp lý, hỗ trợ vận chuyển đã thu hút nhiều thương nhân chuyển sang nhập hàng Thái. Để hỗ trợ các doanh nghiệp Thái Lan bám sâu vào thị trường Việt Nam, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng của nước này thường xuyên tổ chức hội chợ với quy mô lớn để giới thiệu hàng Thái. Trung bình mỗi năm có 8 hội chợ, bước sang năm 2017 và 2018 đã tăng tần suất mỗi tháng lên 1 - 2 kỳ hội chợ, mỗi kỳ kéo dài 3 - 5 ngày. Lịch tổ chức cũng được ấn định trước và công khai để đối tác và khách hàng biết.  
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá bán hàng hóa tại hội chợ thường cao hơn ở Thái Lan nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung tại Việt Nam. Chính điều này đã hấp dẫn người Việt. Họ chờ mở hội chợ là đến mua chứ không phải để xem như nhiều hội chợ khác. Thái Lan còn có các tập đoàn phân phối cỡ bự đã và đang rất thành công tại Việt Nam. Trong đó, Thai Corp International Co. Ltd. (TCI) với hơn 20 năm kinh nghiệm tại Việt Nam, trở thành cánh tay nối dài cho hàng loạt sản phẩm hàng Thái Lan vào thị trường Việt Nam…
Cần thế trận cho hàng Việt
Hội nhập đi đôi với mở cửa thị trường. Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp cũng là điều bình thường của nền kinh tế phẳng. Nhưng trong bối cảnh các nước trong khu vực, nhất là Thái Lan, đã ráo riết tập dượt và chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm qua, thông qua nhiều hình thức thâm nhập thị trường, với “đội quân” hùng hậu làm xúc tiến rất bài bản, chuyên nghiệp thì Việt Nam vẫn còn lúng túng. Rất ít doanh nghiệp Việt biết tận dụng và khai thác từ các ưu đãi thuế quan để đẩy mạnh lượng hàng xuất vào thị trường ASEAN.
Năm 2017, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong nội khối ASEAN với 15,11 tỷ USD, chiếm 30,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Thái Lan cũng dẫn đầu thặng dư cán cân thương mại với Việt Nam (xuất siêu với Việt Nam) trong số các thành viên ASEAN với 5,88 tỷ USD. Đứng thứ hai là Singapore với 2,34 tỷ USD, Malaysia 1,65 tỷ USD…
Người Thái không ngần ngại khi cho rằng, việc họ mua các doanh nghiệp không phải vì lợi nhuận trước mắt, mà xa hơn chính là thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân, dân số trẻ, cộng với những tương đồng về văn hóa - xã hội giữa 2 nước là những điều kiện tốt để họ tăng cường đầu tư vào Việt Nam. 
Vậy hàng Việt sẽ đứng ở đâu ngay trên sân nhà cũng như trong khu vực? Phải làm gì và có chính sách khôn ngoan ra sao để hạn chế rủi ro thấp nhất cho doanh nghiệp Việt khi các rào cản thuế quan đã được gỡ bỏ tới 98%? 
Nhiều ý kiến cho rằng, lâu nay các chính sách của nhà nước thường hướng vào khuyến công, khuyến nông mà quên đi vai trò to lớn của khuyến thương. Nói như một chuyên gia “các nước khác ta ở chỗ, họ tập trung vào phân phối, tiêu thụ còn ta lại tập trung vào sản xuất”. Thị trường bán lẻ vốn là kênh kết nối sản xuất với người tiêu dùng nhưng lại do nhiều doanh nghiệp nước ngoài kiểm soát, khiến sản xuất trong nước thất bại. Điều này hoàn toàn đúng với thực tế. Đó là kinh phí cho xúc tiến thương mại ngày càng giảm, từ mức khoảng 500 tỷ đồng/năm của nhiều năm về trước, đến năm 2017 giảm chỉ còn vài chục tỷ đồng! Một số thị trường vốn là ưu thế của hàng Việt nhờ tổ chức thường xuyên các hội chợ xúc tiến như Campuchia, nay cũng rơi vào tình trạng “hổng chân”. 
Theo các chuyên gia, để ứng phó với tình hình mới, nhà nước cần tăng cường các chính sách và kinh phí để thực hiện vai trò “bà đỡ”, là người dẫn đường cho doanh nghiệp, thông qua việc tổ chức nhiều hơn các chương trình xúc tiến để quảng bá hàng Việt ở trong và nước ngoài. Trong lĩnh vực bán lẻ, cần siết chặt việc cấp phép đầu tư, siết chặt quy định về quy mô dân số khu vực, khoảng cách giữa các điểm bán lẻ (liên quan quy định ENT); đồng thời, rà soát toàn bộ công tác cấp phép mở điểm bán mới đối với các doanh nghiệp bán lẻ FDI.
Trong việc giao đất, cho thuê đất, nhà nước cần ràng buộc cụ thể đối với nhà bán lẻ nước ngoài, chẳng hạn khi được giao đất phải cam kết hoạt động ít nhất 2/3 thời gian được giao đất. Doanh nghiệp phải hoạt động có lãi, nộp thuế ít nhất 3 năm mới được chuyển nhượng và trong trường hợp bán lại, ưu tiên bán cho nhà bán lẻ Việt Nam. Đối với nhà bán lẻ trong nước, khi giao thuê đất cần xem xét năng lực và kinh nghiệm kinh doanh bán lẻ, tránh tình trạng thua lỗ, hoặc bán lại cho các nhà bán lẻ khác để thu lợi. Từng địa phương sớm có quy hoạch chi tiết, khoa học, phù hợp xu hướng phát triển ngành bán lẻ hiện đại, ưu tiên mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm TP cho các nhà bán lẻ vừa và nhỏ.
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm hàng đầu tại TPHCM nhìn nhận, trong bối cảnh hàng Việt chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ kênh phân phối hiện đại, may mắn vẫn còn đến 70% dân số từ khu vực nông thôn. Theo đó, doanh thu từ các kênh truyền thống vẫn còn chỗ đứng cho hàng Việt. Nhưng thời gian cho doanh nghiệp đã hết vì đại bộ phận các dòng thuế trong khu vực ASEAN đang tiến về mức 0%. Nếu mỗi doanh nghiệp không nhanh chóng định vị rõ khách hàng của mình thì nguy cơ mất thị phần là tất yếu. Nếu chúng ta không liên kết trong sản xuất và phân phối hàng hóa thì không chỉ các doanh nghiệp bị “nuốt chửng” mà người tiêu dùng sẽ bị chi phối về giá, bởi lẻ mở cửa thị trường, ai nắm hệ thống phân phối sẽ có quyền quyết định đến sản xuất. Đây là quy luật khắc nghiệt của hội nhập kinh tế.

Tin cùng chuyên mục