Tủ điện và sự an toàn khi vận hành

Mới đây, UBND quận 1 (TPHCM) đã có văn bản kiến nghị yêu cầu ngầm hóa các trạm biến áp, tủ điện hạ thế và tủ điện phân phối trên vỉa hè. Trong khi đó, Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) lại cho rằng, chưa thể ngầm hóa được. Vì sao có sự không đồng nhất này?
Thi công ngầm hóa hệ thống lưới điện. Ảnh: THANH VÂN

Theo UBND quận 1, thời gian qua, các tuyến đường ở trung tâm quận 1 đã cơ bản được ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Tuy nhiên, hiện nay trên các tuyến đường đang tồn tại và xây mới rất nhiều trạm biến áp, tủ điện hạ thế, tủ điện phân phối có kích thước lớn trên vỉa hè, gây cản trở người đi bộ và mất mỹ quan đô thị. Cụ thể là các tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Lê Duẩn, Lê Thánh Tôn, Lý Tự Trọng, Đồng Khởi… Mặt khác, những tủ điện lớn được bố trí bên cạnh các trường học, tạo khu vực khuất cho người dân đổ rác thải và phóng uế. Đồng thời, có thể gây nguy hiểm cho học sinh và phụ huynh nếu xảy ra sự cố điện. Để đảm bảo mỹ quan đô thị tại khu vực trung tâm thành phố, đảm bảo vệ sinh môi trường và tạo lối đi thông thoáng cho khách bộ hành, UBND quận 1 kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo EVNHCMC nghiên cứu và có lộ trình ngầm hóa toàn bộ trạm biến áp, tủ điện hạ thế, tủ điện phân phối trên vỉa hè. Trong đó, ưu tiên ngầm hóa các trạm và tủ điện trước cổng các trường học trên địa bàn quận 1.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết việc ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông là chủ trương lâu dài của Thành ủy, UBND TPHCM nhằm tăng độ tin cậy của lưới điện và đảm bảo mỹ quan đô thị. Sau thời gian thí điểm, đến năm 2011, EVNHCMC đã triển khai đề án “Ngầm hóa lưới điện TPHCM để nâng cao năng lực và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020” và đã được UBND TPHCM thông qua. Trên cơ sở nhiệm vụ được UBND TPHCM giao theo đề án ngầm hóa được duyệt, EVNHCMC đã triển khai các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp dây thông tin trên địa bàn TP phù hợp với quy hoạch được duyệt; tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn thiết kế, tiêu chuẩn vật tư thiết bị, các quy định về quản lý đô thị, hạ tầng giao thông và quy định của ngành điện. Tuy nhiên, cũng theo ông Bảo, các thiết bị điện đang bố trí lắp đặt trên vỉa hè như trạm biến áp, tủ RMU, tủ phân phối điện hạ thế chưa thể ngầm hóa được do đặc thù khí hậu Việt Nam ẩm ướt; hơn nữa, tình trạng ngập nước ở TPHCM chưa được giải quyết triệt để. Cạnh đó, tiêu chuẩn kỹ thuật của các tủ điện, trạm điện đòi hỏi phải được vận hành trong điều kiện khô ráo, không ẩm ướt. Các tủ điện phải có cửa đối lưu không khí để chống ẩm, tránh hiện tượng phóng điện cục bộ. Chưa kể theo tiêu chuẩn, quy định của các thiết bị điện hiện nay, Nhà nước không bắt buộc phải ngầm hóa và công nghệ chế tạo hiện tại cũng chưa đủ điều kiện để vận hành khi bị ngập nước hoàn toàn. Các quy định của Nhà nước, Bộ Công thương, ngành điện chỉ mới áp dụng ngầm cho cáp điện và viễn thông, chứ chưa quy định ngầm hóa đối với các thiết bị điện khác. 

Theo EVNHCMC, đối với các tủ điện phân phối trên vỉa hè, theo thông số kỹ thuật mà ngành GTVT cung cấp và yêu cầu, các tủ phân phối điện được lắp đặt phải có phần đế cao hơn 0,5m so với mặt đường. Phần thiết bị điện nằm phía trên, tính từ mặt đường đến đầu tủ sẽ cao hơn 1m. Bên trong tủ, có cầu dao tự động ngắt điện trong trường hợp nước xâm phạm tủ điện. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đối với những khu vực ngập nặng, EVNHCMC yêu cầu các đội vận hành phải cử công nhân ứng trực, theo dõi. Nếu mực nước ngập đe dọa tủ điện, nhân viên sẽ báo về đội để cắt điện trên hệ thống lưới điện, kiên quyết không để xảy ra tai nạn do điện.

Tin cùng chuyên mục