Tư duy lạc hậu về áp giá sàn đường bay nội địa

Theo đề xuất của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về việc áp giá sàn với đường bay nội địa, tôi xin góp ý kiến về việc này.

>> Cân nhắc kỹ vấn đề giá trần - giá sàn vé máy bay

Theo đề xuất của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) về việc áp giá sàn với đường bay nội địa, tôi xin góp ý kiến về việc này.

Hiện nay, các hãng hàng không là các công ty cổ phần, Nhà nước chỉ quản lý về mặt luật pháp và chỉ can thiệp khi tối cần thiết, không nên can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các công ty này vì như thế sẽ làm mất đi tính năng động, sáng tạo và phát triển. Trong nền kinh tế thị trường, cung cầu tự điều chỉnh nên giá cả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: Hoàn cảnh kinh tế của đa số người sử dụng, mức độ cần thiết của phương tiện, mức độ tiện nghi, tiện lợi so với ngành khác, cung cách phục vụ… Nhà nước quản lý làm sao để đảm bảo trong kinh doanh có sự công bằng, công khai và minh bạch. Có thể có giá trần để bảo vệ quyền lợi khách hàng dùng phương tiện vận tải công cộng này; nhưng không thể viện dẫn bất cứ lý do nào để thiết lập giá sàn, vì cơ bản giá sàn sẽ triệt tiêu sự cạnh tranh, phần thiệt hại sẽ về phía người sử dụng lẫn Nhà nước. Trong tình hình xấu nhất, nếu có sự cạnh tranh không lành mạnh, tiền lệ trên thế giới cho phép Nhà nước áp giá sàn bằng 40% - 50% giá trần. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta hiện tại, tình trạng này rất khó xảy ra.

Ảnh minh họa

Năm rồi cũng có một đề xuất kỳ lạ: Để cứu ngành đường sắt, nên tăng giá máy bay. Đây là một đề xuất thiển cận, đã không được sự đồng tình từ nhiều phía, vì trước hết, chính người dân bị thiệt hại vì phải đi máy bay với giá đắt một cách phi lý; đồng thời tạo điều kiện để ngành đường sắt mãi chìm đắm trong độc quyền kinh doanh, không có sự cạnh tranh để cố gắng khắc phục yếu kém về mọi mặt. Nay, đề xuất áp giá sàn với đường bay nội địa cũng là cách tư duy lạc hậu như vậy, nhằm giúp Vietnam Airlines dễ dàng tồn tại trong cuộc cạnh tranh, không cần phải cố gắng khắc phục yếu kém.

Trong xu thế ngày càng tạo ra nhiều tiện nghi, tiện ích cho con người, từ 20 - 30 năm trước, ngành hàng không nhiều nước trên thế giới đã không còn áp dụng giá sàn, vì nó đi ngược lại trào lưu tiến bộ trong kinh doanh. Có một điều được coi là kim chỉ nam trong hoạt động kinh doanh: “Lợi ích của khách hàng quyết định sự thành bại của doanh nghiệp”. Do vậy, đề xuất áp giá sàn đường bay nội địa trong bối cảnh kinh tế hội nhập như hiện nay không những đi ngược lại xu hướng thế giới mà còn làm thiệt hại cho cả Nhà nước lẫn nhân dân. Nếu như đề xuất áp giá sàn cho các đường bay nội địa được thực hiện, cơ hội phát triển thêm nhiều hãng hàng không giá rẻ ở nước ta sẽ không còn và cơ hội cho nhiều người dân, nhất là dân nghèo, được đi máy bay cũng bị triệt tiêu.

TÚ NGUYÊN 
(huyện Cần Đước, tỉnh Long An)


 Không cần áp giá sàn vé máy bay

(SGGP).- Ngày 7-4, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa đã có ý kiến chỉ đạo về vấn đề có hay không nên quy định giá trần, giá sàn vé máy bay.

Theo đó, quan điểm của Bộ GTVT là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay mà phải tăng cường hơn nữa vai trò quản lý nhà nước về điều hành bay.

Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, nếu các hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước là kiểm tra, kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mãi có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa.

Ông  yêu cầu các cơ quan quản lý phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý, trên cơ sở năng lực đáp ứng của hạ tầng để có giải pháp điều hành đảm bảo an toàn, an ninh tối đa, đảm bảo chất lượng dịch vụ. Hiện ngành hàng không đang tăng trưởng nóng, vì vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước về hàng không cần phải phát huy vai trò, trong đó có việc quy định về giá dịch vụ, cần thu đúng, thu đủ, từ đó mới có nguồn lực để tái đầu tư cho hạ tầng.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng khẳng định, quan điểm của Bộ GTVT là không bao giờ đặt lợi ích cho một hãng hàng không hay một doanh nghiệp nào, mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ, mọi doanh nghiệp kinh doanh đều phải bình đẳng, thượng tôn pháp luật.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục