Tự hào con đường mang tên “Nữ dân công”

Xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM ngày nay đã hình thành khu đô thị với nhiều đường phố khang trang, hàng quán sung túc và khu công nghiệp thu hút hàng ngàn lao động. Không xa trụ sở UBND xã, con đường “Nữ dân công” dẫn tới khu di tích lịch sử cùng tên nằm sâu trong vùng quê hẻo lánh mà xưa kia là bãi dứa gai mênh mông đầm lầy nước đọng.

Xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TPHCM ngày nay đã hình thành khu đô thị với nhiều đường phố khang trang, hàng quán sung túc và khu công nghiệp thu hút hàng ngàn lao động. Không xa trụ sở UBND xã, con đường “Nữ dân công” dẫn tới khu di tích lịch sử cùng tên nằm sâu trong vùng quê hẻo lánh mà xưa kia là bãi dứa gai mênh mông đầm lầy nước đọng.

Con đường mang tên Nữ dân công chính là con đường “dân công” ngày xưa các đoàn dân công hỏa tuyến vận chuyển súng đạn từ căn cứ Bình Thủy (Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An) ra chiến trường Sài Gòn – Gia Định và ngược lại, tải thương về tuyến sau trong những năm chống Mỹ cứu nước, đặc biệt trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968.
  
Qua khỏi cổng tam quan đồ sộ, lộng lẫy, khuôn viên khu di tích nổi bật lên tượng đài, văn bia nằm chính giữa sân lát gạch, đá cao rộng và nhà tưởng niệm xây dựng theo kiểu dáng ngôi đình cổ với mái ngói đỏ au. Tượng đài dân công hỏa tuyến vươn cao, tôn vinh 32 dân công hy sinh đêm 15-6-1968 tức 20-5 năm Mậu Thân.
 
Bà Nguyễn Thị Khỏi nay đã 68 tuổi, nữ dân công may mắn thoát khỏi cuộc tàn sát đẫm máu ấy, kể: “Ngày đó, vào chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, luôn có từ 30 tới 50 chị em tuổi từ 18 đến 20 là dân thuộc ấp 4, ấp 5 tham gia đoàn dân công thực hiện tốt hai nhiệm vụ chính được cách mạng giao, bên cạnh các đoàn chiến sĩ CT 9, SĐ 5 và TĐ 6. Đoàn dân công 55 người có nam có nữ vượt cánh đồng dứa, bưng biền xã Vĩnh Lộc (nay thuộc huyện Bình Chánh) để tới Giồng Dứa, Bình Thủy huyện Đức Hòa (nay thuộc tỉnh Long An) tải đạn, súng về mặt trận Sài Gòn – Gia Định. Nhưng trên đường về cứ, tới bìa bưng Láng Sấu thì bị hai trực thăng Mỹ phát hiện. Tất cả trốn vô đám dứa gai, nhưng đã bị trực thăng quần đảo, nả đại liên. Xác người, cây cỏ, nước, bùn và máu… 25 chị và 7 anh hy sinh”.

Là nữ dân công may mắn nhất, nhưng sự mất mát, đau thương quá nặng nề nên bà Khói không nghĩ tới chuyện lập gia đình. Từ sau ngày giải phóng tới khi nghỉ hưu, bà liên tục tham gia công tác xây dựng chính quyền, xây dựng đời sống văn hóa xã, ấp.

Gặp lại bà dịp kỷ niệm Thương binh liệt sĩ 27-7, bà nói rất mãn nguyện đã sống cuộc đời son trẻ có ý nghĩa. Bà cũng tự hào đã có ý kiến và mới đây ngành chức năng trân trọng đặt tên con đường mới mở ngay trên đường mòn công tác trong thời chống Mỹ cứu nước năm xưa là đường Nữ dân công, dẫn từ trung tâm xã tới khu di tích, nghe thật mát lòng mát dạ!

VƯƠNG LIÊM

Tin cùng chuyên mục