Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi: Giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn

Sáng 16-7, Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Ngãi, Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi, giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn”.

Hội thảo với các tham luận của các tác giả ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Hội Khoa học Lịch sử, phân viện Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại TP Huế…

Hội thảo nằm trong nội dung kế hoạch thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh “Sưu tầm, dịch thuật, phân loại, đánh giá tư liệu Hán Nôm ở tỉnh Quảng Ngãi” đã được UBND tỉnh Quảng Ngãi phê duyệt năm 2017, do TS Nguyễn Đăng Vũ làm chủ nhiệm đề tài.

Di sản Hán Nôm hiện diện ở Quảng Ngãi gắn liền với quá trình người Việt đến khai phá và xây dựng vùng đất này trong suốt nhiều thế kỷ. Trước thời nhà Hồ, có thể cũng có một số ít người Việt chạy vào vùng đất Nam Ngãi vì những lý do khác nhau, nhưng phải đến thời nhà Hồ thì mới có một bộ phận binh lính, nông dân ở lại đồn trú hoặc khai khẩn. Khi nhà Minh xâm lược, Chiêm Thành nhân cơ hội đó, đã chiếm lại vùng đất Chiêm Động và Cổ Lũy Động.

Mãi đến hơn 60 năm sau, với cuộc thân chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, lập nên đạo Thừa tuyên Quảng Nam - thừa tuyên thứ 13 của nước Đại Việt, thì vùng đất này mới trở thành một bộ phận không thể chia cắt của nước Việt Nam cho đến tận ngày nay.

Ắt hẳn, từ thời điểm 1471 trở về sau, di sản Hán Nôm mới chính thức theo những bước chân của quan quân, điền chủ, nông dân vào đến vùng Nam Ngãi. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa tìm thấy có tài liệu Hán Nôm nào còn lại của thời kỳ này.

Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi: Giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn ảnh 1 Nhiều tư liệu Hán Nôm được trưng bày tại hội thảo. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nhiều nơi ở Quảng Ngãi vẫn còn lưu giữ các tài liệu Hán Nôm như tại lăng Ông ở thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, huyện Bình Sơn) còn giữ 6 đạo sắc phong thần Minh Mạng đến Khải Định; tại làng Mỹ Huệ (xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) vẫn lưu giữ 11 sắc phong, chế phong, chiếu chỉ, tờ sai…; tại đền thờ Bùi Tá Hán (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi) hiện còn lưu giữ 23 sắc phong của các đời vua từ nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn; tại chùa Hoa Sơn (xã Nghĩa Phú, TP Quảng Ngãi) còn giữ 18 đạo sắc phong thần triều Nguyễn; tại nhà thờ và khu mộ Trương Đăng Quế (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) hiện còn lưu giữ nhiều tài liệu Hán Nôm đặc biệt có giá trị, văn bia Thần Đạo, văn bia trên mộ ở Sa Môn…

TS Nguyễn Đăng Vũ cho biết: “Sau gần 2 năm thực hiện, đã sưu tầm gần 5.000 trang tư liệu Hán Nôm, tiến hành dịch thuật trên 700 trang tư liệu, bao gồm các hoành phi, liễn đối, đơn từ, sắc phong… Hiện nay, di sản Hán Nôm trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ lụi tàn nhanh chóng, do bị thất lạc, mai một, thời tiết..., nên vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị di sản cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài”.

Ngoài các tài liệu Hán Nôm trên, các tư liệu về chữ Hán còn xuất hiện trên hàng hóa gốm sứ trong hai con tàu cổ đã khai quật tại vùng biển Quảng Ngãi là tàu cổ Bình Châu và Dung Quất.

Ngoài ra, tàu cổ Dung Quất khai quật năm 2019 cho thấy nhiều sự xuất hiện bát, đĩa hoa văn, sứ men trắng… Dưới đáy có ghi nhiều mác hiệu thời Minh bằng men lam.

Tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi: Giá trị, thực trạng và giải pháp bảo tồn ảnh 2 Hội thảo tư liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đề xuất các giải pháp bảo tồn, ThS Phạm Tấn Thiên, Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Ngãi, đề xuất các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị tài liệu Hán Nôm ở Quảng Ngãi, trong đó cần sưu tầm tư liệu Hán Nôm trên diện rộng, dịch thuật và chú giải tư liệu Hán Nôm, thống kê phân loại các di sản Hán Nôm, đánh giá tư liệu Hán Nôm.

Chú trọng một số phương pháp bảo quản tư liệu Hán Nôm, trong đó bảo quản bằng phương pháp truyền thống. Hầu hết các thể loại sách Hán Nôm được bảo quản bằng hộp làm bằng bìa free-acid và vải giả da nhập ngoại, những trang tài liệu rách nát do nhiều nguyên nhân khác nhau được bồi vá đúng cách bằng các loại nguyên vật liệu chuẩn, tránh tình trạng làm qua loa, chiếu lệ.

Bản dập bia và bản đồ, do phong chú về kích cỡ nên phương thức bảo quản cũng đa dạng hơn, văn bia ngoại cỡ phải để trong các bao chứa lớn, đặt trên mặt bàn phẳng hoặc cuộn lại để trong các ống nhựa tròn có đường kính lớn.

Ngoài phương pháp truyền thống, các phương pháp bảo quản hiện đại như bằng phương pháp số hóa, bằng hệ thống điều hòa trung tân, bằng Microfilm… Cuối cùng là tăng cường công tác bảo tồn, tuyên truyền, quảng bá giá trị nguồn tư liệu Hán Nôm, đổi mới hình thức khai thác, sử dụng tư liệu Hán Nôm tại các thư viện…

Nhân hội thảo này, Ban chủ nhiệm đề tài cũng đã tặng phiên bản sắc phong Quang Chiếu vương Mai Đình Dõng cho nhà thờ Quang Chiếu vương.

Tin cùng chuyên mục