Tự phê bình và phê bình ở chi bộ

Ba yếu kém kéo dài
Tự phê bình và phê bình ở chi bộ

“Chấn chỉnh tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, Đảng bộ, thực hiện nghiêm nguyên tắc tự phê bình và phê bình” là một trong 6 giải pháp về nâng cao hiệu quả tổ chức, cán bộ và sinh hoạt Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Với ý nghĩa đó, chi bộ được xác định là thành phần nòng cốt của công tác tự phê bình và phê bình.

Đảng viên thi công trên các công trường xây dựng ở nhiều nơi nên khó tham gia đủ các buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: Kim Ngân

Đảng viên thi công trên các công trường xây dựng ở nhiều nơi nên khó tham gia đủ các buổi sinh hoạt chi bộ. Ảnh: Kim Ngân

Ba yếu kém kéo dài

Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng sinh hoạt chi bộ hiện nay, TS Nguyễn Việt Hùng, Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Trường Cán bộ TPHCM, thẳng thắn: Sinh hoạt chi bộ ở cơ sở tồn tại 3 yếu kém chủ yếu, dây dưa lâu nay chưa khắc phục được. Đó là tính chiến đấu rất hạn chế, đúng không khen, xấu không chê, bàng quan chủ nghĩa. Do đó, phần lớn những sai phạm của đảng viên không do tổ chức cơ sở Đảng phát hiện, mà do đơn thư khiếu nại, tố cáo của quần chúng. Khi phát hiện ra sự việc nhiều khi đã muộn. Thứ hai, tính hình thức, hành chính hóa, coi sinh hoạt Đảng chỉ là đến điểm danh. Cuối cùng, không thống nhất giữa lời nói và việc làm, nên có nghị quyết hay nhưng đảng viên vẫn vi phạm, có tình trạng nghị quyết cấp dưới mâu thuẫn với cấp trên. Nguyên tắc tập trung, dân chủ ở đây vì thế không thể hiện rõ.

Về vấn đề này, nguyên Giám đốc Sở Tư pháp TPHCM Võ Văn Thôn không giấu được băn khoăn: một phần lớn các vụ việc tiêu cực, liên quan trực tiếp tới cán bộ đảng viên do quần chúng, báo chí tố giác chứ không phải do chính tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị đó chủ động phát hiện. Điều này cho thấy sinh hoạt Đảng còn nặng hình thức dẫn tới che giấu khuyết điểm, xuê xoa cả nể trong đấu tranh phê bình; công tác giám sát, kiểm tra, kỷ luật trong Đảng chưa thực sự được coi trọng. Đó cũng là sự yếu kém về trách nhiệm và thực hiện chế độ trách nhiệm của từng tổ chức Đảng, mỗi đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhưng, đáng nói, tổng kết công tác Đảng cuối năm, một tỷ lệ rất cao đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ, còn tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh cũng cao đáng kể.

Nêu gương người đứng đầu

Nói về việc nêu gương của người đứng đầu, TS Nguyễn Việt Hùng cho rằng: bắt đầu từ người đứng đầu, từ chi bộ cơ sở vì đó là nền tảng, gốc rễ của Đảng. Không tạo được đột phá ở đây rất khó đưa nghị quyết vào cuộc sống. Từng đảng viên, cán bộ phải gương mẫu, mỗi đảng viên phải nêu gương và đề cao trách nhiệm. Cán bộ lãnh đạo, quản lý càng phải chú trọng đức tính gương mẫu, hy sinh, càng phải nhận về mình trách nhiệm to lớn, nặng nề hơn. Có như vậy, đảng viên mới tốt, chi bộ mới mạnh, toàn Đảng sẽ vững mạnh. Có như vậy, dân mới tin, mới noi theo.

Đồng tình với ý kiến này, Bí thư quận ủy Bình Thạnh Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để chi bộ thực hiện tốt tự phê bình và phê bình, cán bộ chủ chốt, nhất là bí thư phải gương mẫu. Cán bộ, đảng viên giữ cương vị càng cao càng phải nghiêm khắc tự phê bình; cấp trên gương mẫu tự phê bình trước cấp dưới, cấp dưới mạnh dạn phê bình cấp trên, tổ chức Đảng và đảng viên lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Định kỳ chi bộ tổ chức đảng viên góp ý kiến với cán bộ chủ chốt. Bí thư hoặc cấp ủy chủ trì hội nghị điều hành sinh hoạt đúng trọng tâm, không chỉ lắng nghe, phải biết khơi gợi vấn đề, phát hiện và kết luận vấn đề chính xác, khắc phục tình trạng kết luận chung chung, dung hòa các ý kiến.

Ở Đảng bộ TPHCM, thống kê 5 tháng đầu năm 2012, có hơn 26,2% trong 740 chi bộ cơ sở và gần 25% trong hơn 4.000 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở không sinh hoạt đủ kỳ, thậm chí có nhiều nơi chỉ sinh hoạt 2 kỳ trở xuống. Mục tiêu năm 2012 TPHCM nâng tỷ lệ chi bộ sinh hoạt định kỳ từ 11 đến 12 lần/năm đạt trên 90%.

Linh Đan

Tin cùng chuyên mục