Tủ sách dạy nông dân làm giàu

Tủ sách dạy nông dân làm giàu

8 năm trước, trong một chuyến đi công tác Thái Lan, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng tình cờ được biết nhà vua Thái Lan đích thân làm chủ nhiệm chương trình, giao cho các trường đại học làm 500 cuốn sách cho nông dân. Ông nung nấu ý tưởng về nước viết bộ sách cho nông dân Việt Nam, thực hiện những cuốn sách dạy nghề để tính kế thoát nghèo cho nông dân cả nước.

Tủ sách bách nghệ

Từ hàng chục năm trước, thầy giáo trẻ Nguyễn Lân Hùng đã nguyện gắn đời mình với bà con nông dân. Khởi đầu với những bài viết trên các báo: Nhân dân, Nông nghiệp Việt Nam v.v., rồi trong vai trò Giám đốc Trung tâm Sinh học thực nghiệm (Đại học Sư phạm Hà Nội), ông xuất hiện trong các chuyên mục: Bạn của nhà nông, Nông dân cần biết, Cùng nông dân bàn cách làm giàu (VTV2) và nay là chuyên mục Chuyện nhà nông trong chương trình Chào buổi sáng (VTV1).

Lịch làm việc của ông luôn kín mít. Ngoài các buổi lên lớp trong tuần, thứ bảy, Chủ nhật, ông lại tất bật đến các tỉnh, thành tổ chức các lớp tập huấn đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất vào đồng ruộng.

Tối tối, ông vừa soạn giáo án, lại vừa nghiên cứu viết sách, viết báo hướng dẫn cách làm ăn cho nông dân. Chuông điện thoại của ông liên tục đổ dồn, đa phần là bà con nông dân hỏi chuyện cây trồng, vật nuôi. Bằng lối nói dí dỏm, vui tươi, ông tư vấn cặn kẽ và dễ hiểu nhất cho từng người chuyện con rắn, con ếch, con giun… Ông bảo, mình là người mắc nợ ơn nghĩa của nông dân nên còn sống thì phải tìm đủ cách mà trả.

Tủ sách dạy nông dân làm giàu ảnh 1

Tự tay làm không xuể, với tư cách Tổng thư ký Hội các ngành Sinh học Việt Nam, ông kêu gọi các nhà khoa học trong ngành Sinh học, Nông nghiệp, những nông dân giỏi… viết sách dạy nghề cho nông dân.

Ông bảo, mỗi vùng chỉ cần chọn 20-30 nghề, mỗi gia đình chọn 1-2 nghề thì nông dân cả nước sẽ có nghề phụ. Ví như, với 2.000m² chuồng trại, sau một thời gian nuôi rắn rivoi, một nông dân ở Mỹ Tho thu được 1 tỷ đồng; hay cây thanh long hiện chỉ trồng được ở miền Nam nhưng giống của Đài Loan lại trồng được ở miền Bắc; chuyện loài đà điểu không sợ mưa nắng, nuôi từ nhỏ đến lớn không cần chuồng trại… Những điều ấy nếu không có người nói ra thì đâu phải người nông dân nào cũng biết để áp dụng vào đời sống.

Có kiến thức, nhưng phải truyền đạt như thế nào cho phù hợp với từng đối tượng để đạt hiệu quả. Còn nhớ, lần lên Sơn La dạy đồng bào dân tộc Mông làm mộc nhĩ, ông đã phải cõng đầu video, tivi và máy nổ vào tận bản, rồi chiêu đãi bà con một băng hình dài 20 phút. Cả bản háo hức xem và bình luận rôm rả suốt đêm.

Sáng hôm sau, ai nấy hì hụi đục gỗ, bọc rơm làm mộc nhĩ… như trong phim. “Nông dân là đối tượng khao khát làm giàu nhất nhưng lại rất thiếu kiến thức. Chính vì vậy tôi tự đặt ra nhiệm vụ phải giúp đỡ họ” - ông đúc kết.

Bộ sách bách nghệ dạy nông dân làm giàu của ông gồm 100 cuốn, mỗi cuốn hướng dẫn cho nông dân một nghề. Sách viết đơn giản, ngắn gọn để người dân đọc là làm được, kèm theo mô hình nông dân điển hình và địa chỉ những nơi làm thành công, người đọc có thể tự liên hệ để mua giống, học hỏi kinh nghiệm.

Mỗi bộ sách kèm theo một băng hình dài 30-50 phút hướng dẫn trực quan, người không biết chữ cũng học được. Năm nay, ông phấn đấu làm 50 cuốn, sang năm cố 50 cuốn nữa là xong. Ông rất tự tin với bộ sách thiết thực này vì từng có kinh nghiệm viết sách hướng dẫn nuôi ba ba, ếch, lươn, cua biển, lợn rừng, nhím, giun đất… rất bổ ích với bà con nông dân.

Sách làm xong, với vai trò ủy viên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, ông lại cùng Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đưa sách về tận tay nông dân.

Nam giải chuyện phát hành

Hào hứng khi nói về bộ sách bao nhiêu thì khi tính về đầu ra cho nó, GS Nguyễn Lân Hùng lại ngậm ngùi bấy nhiêu. Ông bảo, các kênh thông tin của chúng ta còn quá hình thức. Ai đời, Nhà xuất bản Nông nghiệp, phục vụ cho gần 80% dân số cả nước mà không có hiệu sách riêng. Một số nhà khoa học thì toàn nói những chuyện sáo rỗng, viển vông.

Một vị lãnh đạo của Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, các đề tài của Bộ chỉ 30% có tính ứng dụng. Giá mà mỗi nhà khoa học xắn tay giúp nông dân một vấn đề thì họ đỡ khổ! Ông cũng ngán ngẩm khi từng đăng báo xin 3 tỷ đồng để dạy nghề cho nông dân cả nước nhưng không có ai đáp lời. Ông còn đi gõ cửa nhiều bộ, ngành, nhưng chỗ nọ đùn đẩy cho nơi kia…

Vò đầu bóp trán mãi, ông nghĩ đến kênh doanh nghiệp. Ông viết thư gửi đến các công ty nói rõ việc thực hiện bộ sách, kê chi tiết từng khoản chi, rồi mời các doanh nghiệp hỗ trợ tiền thực hiện tủ sách. Kỳ cạch làm cầu may, ông cũng nhận được sự hưởng ứng của cả trăm doanh nghiệp.

Giở cuốn sổ tay dày đặc chữ, ông khoe tôi tên những mạnh thường quân ở mọi lĩnh vực nào là Thạch Bàn, FPT, UNESCO Việt Nam… Ông tin bộ sách sẽ sớm được hoàn thành để tìm đến với triệu triệu nông dân cả nước.

Ngoài Tủ sách bách nghệ, GS Nguyễn Lân Hùng còn mơ ước thành lập ba văn phòng tư vấn miễn phí cho nông dân ở TPHCM, Hà Nội và Đà Nẵng. Hàng tháng, ông sẽ mời các nhà khoa học đến tư vấn chuyện làm ăn cho bà con nông dân.

“Tôi đi nói chuyện khắp nơi, tới đâu cũng thấy bà con khao khát lắm. Bản thảo vừa đưa ra, bà con đã đòi mang đi photocopy. Khi hoàn thành, mỗi cuốn sách, tôi chỉ bán giá 10.000 đồng (nếu phát miễn phí cho bà con nông dân là lý tưởng nhất) nhưng nó có thể giúp bà con làm ra hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng. Dứt khoát phải giúp nông dân vươn lên” - ông quả quyết. 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục