Tự sự dây chun

Cây cao su có mặt ở Việt Nam vào năm 1878 do người Pháp mang vào Sài Gòn trồng thử và nhân giống. Kể từ đó cho đến suốt thế kỷ 20, nó là giống cây công nghiệp chủ lực của miền Đông Nam bộ. 
Miền Bắc do sự chia cắt đất nước những năm 1950, 1960 thế kỷ trước phải dùng giống cây Trung Quốc. Cũng chỉ trồng quy mô nhỏ ở vùng núi phía bắc và Lai Châu. Mủ cao su thu hoạch ở vùng này không đủ dùng cho chỉ một Nhà máy cao su Sao Vàng nằm ở khu công nghiệp Cao-Xà-Lá Thượng Đình. Cao-Xà-Lá là tên gọi tắt của ba nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá. 
Sợi dây chun (thun) có lẽ là sản phẩm phụ của quy trình làm những sản phẩm lớn hơn như săm lốp xe đạp, xe máy, ô tô. Nhưng thật ngạc nhiên, cuối những năm bao cấp, săm lốp xe là mặt hàng vô cùng khan hiếm thì sợi dây chun lúc nào cũng có đủ cho người dùng. Bằng chứng là khi ấy ai được bình bầu là lao động tiên tiến cuối năm thể nào cũng được mua ở căng-tin ngoài tiêu chuẩn vài mét dây chun quần. Những nhu yếu phẩm được mua ngoài tem phiếu như vậy có thể coi là một phần thưởng quý giá mang yếu tố khích lệ tinh thần lao động sản xuất.
Tự sự dây chun ảnh 1 Minh họa: P.S
Những năm ấy ở thành phố thịnh hành sợi dây chun vải dệt dùng khá an toàn. Cũng chỉ có duy nhất một kích cỡ bản rộng khoảng 1cm. Dùng cho tất cả các loại quần chun. Chun này không thể đứt mà chỉ rão ra khi sử dụng lâu ngày. Nghĩa là một lúc nào đó nó sẽ biến thành cái dải rút không còn đàn hồi nữa. Ở nông thôn chủ yếu phải dùng sợi chun cắt ra từ săm xe đạp cũ. Cũng chỉ đàn ông dám dùng nó để luồn cho quần đùi. Nó có thể đứt phựt toàn bộ vào những lúc khó ngờ nhất.
Thế nhưng đàn bà và kể cả trẻ em gái đều thích dùng chun. Cũng không hẳn thích mà chiếc quần lụa đen chẳng có thứ dây nào thay thế được. Nó quá mong manh so với bất kỳ loại dây nào cứng hơn sợi chun. Và đã không bao giờ có những trò nghịch ngợm quá trớn của cả trẻ con lẫn người lớn. Có một quy định bất thành văn nhưng được chấp hành rất triệt để trong cả những ngày tháng thiếu thốn gian khổ nhất.
Sợi dây chun còn là dụng cụ không thể thiếu những ngày Hà Nội phải sơ tán hồi chiến tranh phá hoại. Nó được cắt ra từ săm ô tô hỏng và đánh móc sắt ở hai đầu. Gạo, muối, dầu, chăn màn, quần áo không có dây chun buộc sau xe đạp là không thể lẽo đẽo chở đi tiếp tế cho gia đình xa hàng vài chục cây số. Xe đạp còn là phương tiện giao thông chính cho đến thập niên 1990. Lúc này sợi dây chun buộc hàng đã được sản xuất công nghiệp với móc khóa mạ trắng và dây dệt vải tròn rất bền chắc. Thế nhưng những năm cuối 1970, đầu 1980, mấy tên trộm cắp thường xuyên rình rập theo sau xe đạp cắt chun để lấy hàng hóa. Người ta cảnh giác không còn dám chở những thứ có giá trị buộc chun sau xe đạp của mình. Sợi dây chun buộc hàng cũng biến mất từ khi dân phố không còn dùng xe đạp như phương tiện giao thông chính nữa. 
Bây giờ chỉ còn nhìn thấy những vòng chun trần dùng để gói buộc cho các bà đi chợ. Thứ dây chun này những năm 1980 cũng đã từng được đám trẻ gái Hà Nội sáng chế ra một trò chơi vô cùng hấp dẫn: Trò nhảy dây chun. Sợi dây chun bây giờ còn được dùng nhiều hơn trước gấp nhiều lần. Chỉ có điều ta không nhìn thấy nó mà thôi. Tất cả mọi loại chun đều đã được may chìm vào giày dép, quần áo, vật dụng hàng ngày. Nhiều thứ chỉ đến khi dùng ta mới biết tính năng của nó là có thể co giãn. Giờ mà đưa một sợi dây chun vải cho thiếu nữ tầm 20 tuổi chắc cô ấy cũng không biết nó dùng vào việc gì. Đó là thứ mà phụ huynh các cô ấy phải mất một năm miệt mài lao động sản xuất và bình bầu vất vả mới mua được.
Và dây chun bây giờ hay được ví như giờ giấc hoặc hứa hẹn của những nhân vật quan trọng. Dài ngắn, nhanh chậm, sớm muộn chẳng biết đâu mà lần. Nó vẫn luôn ở đẳng cấp hơn người là thế.

Tin cùng chuyên mục