Tự truyện nghệ sĩ - Góc khuất của ánh hào quang

Trong chưa đầy 1 tuần, 2 cuốn tự truyện, hồi ký của 2 nghệ sĩ tài danh lần lượt ra mắt bạn đọc cả nước. Đầu tiên là cuốn tự truyện của ca sĩ Ái Vân và tiếp theo đó là hồi ký của NSND Kim Cương.
Tự truyện nghệ sĩ - Góc khuất của ánh hào quang

Trong chưa đầy 1 tuần, 2 cuốn tự truyện, hồi ký của 2 nghệ sĩ tài danh lần lượt ra mắt bạn đọc cả nước. Đầu tiên là cuốn tự truyện của ca sĩ Ái Vân và tiếp theo đó là hồi ký của NSND Kim Cương.

Cả hai cuốn của 2 nữ nghệ sĩ dù có hoàn cảnh sống khác nhau, những lựa chọn khác nhau nhưng đã tái hiện lại đời sống văn hóa nghệ thuật trong nước ở những giai đoạn lịch sử riêng mà họ là nhân chứng.

Tự truyện Để gió cuốn đi của nghệ sĩ Ái Vân và hồi ký Sống cho người, sống cho mình của nghệ sĩ Kim Cương

"Sống cho người, sống cho mình"

Đó là nhan đề cuốn hồi ký của NSND Kim Cương, người mà cho đến tận bây giờ dù đã rời xa sân khấu gần 20 năm, thì với khán giả vẫn là một kỳ nữ không ai có thể thay thế.

Người ta nhắc đến NSND Kim Cương với những hào quang thành công của những vai diễn mà người nghệ sĩ đã để lại dấu ấn trong lòng khán giả, người ta nhớ về những vở kịch mà Kim Cương đã viết mà đến nay vẫn là kinh điển của sân khấu cải lương miền Nam. Thế nhưng, qua cuốn hồi ký, bạn đọc có thể tự đặt mình vào cảm xúc chua xót của người nghệ sĩ khi bị bội bạc trong tình yêu, nằm mê man trong một bệnh viện nhỏ vì bị sẩy thai và ngay khi đó bên ngoài bức tường bệnh viện, loa quảng cáo vẫn đang vang vang về kỳ nữ Kim Cương lộng lẫy, rực rỡ; về vở kịch “vĩ đại” mà kỳ nữ sắp diễn.

Có thể nói, hình ảnh đó có thể xem là tiêu biểu cho cả cuốn hồi ký khi khắc họa đầy đủ những gì mà bạn đọc có thể hiểu về người nghệ sĩ trong cuộc đời thật của họ với đầy đủ những cung bậc như bao người khác dù có những lúc họ hào nhoáng lộng lẫy trên sân khấu.

Về hình thức thể hiện, hồi ký của NSND Kim Cương có thể chia thành từng phần cụ thể như thời ấu thơ, khi thành danh, lúc ở vai trò người lãnh đạo một đoàn hát và cuối cùng là khi ngừng diễn, dành trọn thời gian còn lại cho những chuyến đi từ thiện. Nhưng như chính nhan đề của tác phẩm, cuốn hồi ký cũng có thể chia làm hai phần rất rõ ràng, phần “Sống cho người” và phần “Sống cho mình”. Dấu ấn sâu đậm nhất của những sự sống này là ở chương 12: “Sống là chọn một con đường”.

Bối cảnh khi đó là ngay sau ngày đất nước thống nhất, như nhiều nghệ sĩ miền Nam khác, Kim Cương đứng trước sự lựa chọn đi hay ở và rồi người nghệ sĩ quyết định ở lại bởi “khán giả các nước có thể quý trọng Kim Cương vì tài năng hay ái mộ Kim Cương vì nhan sắc nhưng không có khán giả nào có thể thương Kim Cương bằng khán giả Việt Nam”.

Sự lựa chọn của Kim Cương có thể nói là vì khán giả, vì chính lý tưởng nghệ thuật đã chọn từ ngày đầu và cũng có thể nói là vì cả bạn bè, đồng nghiệp. Giữa lúc tình hình còn phức tạp khi đó, với tầm ảnh hưởng, sự quyết đoán của mình, người nữ nghệ sĩ đã góp phần không nhỏ khôi phục sân khấu cải lương Nam bộ với đoàn kịch Kim Cương. Đoàn kịch đã có vai trò không nhỏ trong việc quy tụ nghệ sĩ, làm sống lại sân khấu cải lương, kịch nói sau những thăng trầm của lịch sử.

Đó cũng là một chi tiết độc đáo trong cuốn hồi ký, xây dựng theo những ghi nhớ của người nghệ sĩ, tác phẩm có nhiều chi tiết độc đáo từ cá nhân cho đến lịch sử nghệ thuật trong một giai đoạn lịch sử đặc thù nhiều biến cố của dân tộc. Đó là những tư liệu vô giá cho những ai muốn tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật này trong tương lai.

"Để gió cuốn đi"

Có một điều rất lạ lùng là hai cuốn tự truyện của ca sĩ Ái Vân và hồi ký của NSND Kim Cương có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều dành một phần quan trọng để nhắc đến những người thân của mình. Cả hai cũng miêu tả chi tiết những kỷ niệm của họ với những đồng nghiệp và cả hai đều có chung những kỷ niệm với những biến cố lịch sử. Với Kim Cương là kỷ niệm những ngày biểu diễn phục vụ bộ đội tại biên giới Tây Nam, là câu chuyện không thể quên về người lính trẻ rời sân khấu biểu diễn đi gác đêm với lời nhắn “xong sẽ quay lại xem nữa” nhưng rồi không thể trở về do một viên đạn thù.

Có một điều rất lý thú là cả hai nghệ sĩ có một kỷ niệm lịch sử chung dù chính họ khi đó không hề quen biết nhau. Đó là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ái Vân là cô ca sĩ trẻ, từ miền Bắc theo đoàn quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, ngơ ngác với những điều mới mẻ, tò mò trước sự khác biệt về văn hóa nhưng tựu trung là tràn đầy niềm vui… Kim Cương cũng ở đó nhưng là sự trằn trọc, lo lắng về tương lai khi xã hội mình biết, mình quen đã không còn tồn tại. Và rồi bằng những cách riêng của mình, hai người nghệ sĩ lại hòa vào cuộc sống mới, dĩ nhiên mỗi người một con đường nhưng vẫn có điểm chung là sự sống mãnh liệt với tình yêu nghệ thuật.

Nhưng lại có một điểm khác biệt rất lớn giữa hai tác phẩm, nếu NSND Kim Cương viết ra để nhớ, thì ngược lại, ca sĩ Ái Vân viết ra để quên, để như chính nhan đề của tác phẩm là Để gió cuốn đi.

Chính vì thế, dù cùng có rất nhiều kỷ niệm đời nghệ thuật nhưng lối kể của Kim Cương mang nặng sự hoài niệm, nhớ nhung, không muốn quên đi. Ngược lại, lối kể của Ái Vân nhẹ nhàng, luôn có chút đùa vui dù nhiều chi tiết không thể nói là vui vẻ được. Tự truyện của Ái Vân ngồn ngộn chi tiết, nhắc về rất nhiều nghệ sĩ tài danh một thời mà nhiều người trong số đó nay đã là những nghệ sĩ hàng đầu của đất nước. Những chi tiết đó đa phần là chi tiết vui, có thể khiến người đọc  phì cười.

Cả 2 tác phẩm của 2 nghệ sĩ đã để lại với người đọc những cảm xúc riêng. Nhưng dù cảm xúc nào thì với cả hai, họ đều đọng lại cho người đọc về cuộc sống của người nghệ sĩ, những cuộc sống vốn dĩ bình thường nhưng lại trở nên bất thường khi phải mang trên mình cái bóng hào quang của sân khấu.

Và cuối cùng với cả hai, đều khép lại những dòng hồi ức của mình với đam mê cống hiến cho nghệ thuật cùng mong muốn hạnh phúc sau bao thăng trầm của cuộc sống.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục