Tư tưởng Bác Hồ về “Nước lấy dân làm gốc”

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

PGS-TS Phan Xuân Biên

“Dân là gốc”, nên “Nước lấy dân làm gốc; gốc có vững cây mới bền; xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân” là cội nguồn và là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực sự “dân là gốc của nước” thì Nhà nước cần thực hiện cho được 4 mục tiêu: “Làm cho dân có ăn - Làm cho dân có mặc - Làm cho dân có chỗ ở - Làm cho dân có học hành”, PGS-TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương, nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo SGGP.

* PHÓNG VIÊN: Là một nhà nghiên cứu, điều đồng chí tâm đắc nhất trong di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho Đảng ta, dân tộc ta là gì?

- PGS-TS PHAN XUÂN BIÊN: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô giá, đó là tư tưởng của Người. Trong giai đoạn hiện nay, để “tiếp tục làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”  đã nêu thì học tập, làm theo tư tưởng Bác Hồ chính là phải quán triệt cho được 6 nhóm vấn đề. Đó là: Về con đường của cách mạng Việt Nam; Về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Về nhân dân, đại đoàn kết toàn dân tộc; Về xây dựng văn hóa và con người; Về phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; Về xây dựng Đảng.

Trong đó, theo tôi, tư tưởng của Người về dân có ý nghĩa rất đặc biệt; đến nay vẫn còn nguyên giá trị và mãi là nguồn mạch của sự sáng tạo, là “kim chỉ nam” cho mọi hành động trên con đường đổi mới mạnh mẽ của nước ta hiện nay.

Có thể nói, xuyên suốt trong tư tưởng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra, “có dân là có tất cả”. Thấm nhuần tư tưởng Mác-xít và triết lý mà các bậc minh quân đã tổng kết trong lịch sử Việt Nam, trải qua thực tiễn quá trình đấu tranh cách mạng lâu dài, Người đánh giá rất cao vai trò, sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Dựa vào dân, tin dân, chăm lo cho dân để tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với dân - đây chính là nền tảng công cuộc đổi mới mà Đảng ta đã và đang thực hiện?

- Đúng vậy! Khi khởi xướng công cuộc đổi mới, Đại hội VI của Đảng đã nhấn mạnh bài học phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. Điều đó đã góp phần hình thành, hoàn thiện và thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Tổng kết 30 năm đổi mới, Đại hội XII của Đảng đã nêu bật bài học: Đổi mới phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân làm gốc”, vì lợi ích của nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm của nhân dân… Vì lợi ích của nhân dân là trách nhiệm, mục tiêu phấn đấu của Đảng và Nhà nước. Nhưng đó không phải là sự ban phát, ban ơn cho dân, mà là thực hiện đúng quy luật của sự tồn tại và phát triển của Đảng, của dân tộc về mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân. Từ đường lối, chính sách, pháp luật mà phát huy vai trò, trách nhiệm, sự sáng tạo, nguồn lực của nhân dân để mang lợi ích cho chính nhân dân, để nhân dân thực sự là chủ thể của đất nước, của xã hội.

Tiến sĩ Trần Du Lịch phát biểu tại Hội thảo Các vấn đề phát triển TPHCM, cơ chế, chính sách đột phá Ảnh: VIỆT DŨNG

* Nếu làm thật tốt theo tư tưởng của Người về lấy “dân làm gốc” thì đây có phải là vũ khí quan trọng của Đảng ta để thực hiện thành công công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII?

- Cuộc chỉnh đốn Đảng phải gắn chặt với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phải vì Tổ quốc, vì nhân dân, cho nên không có sự tham gia của nhân dân thì khó thành công. Có nhiều vấn đề cần bàn, trước hết đề cập đến hai việc quan trọng. Một là, chủ trương chính sách, pháp luật của nước ta phải thực sự hướng tới người dân, vì lợi ích của nhân dân. Cho nên phải huy động trí tuệ, sáng tạo và mọi nguồn lực của dân trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật, phải đưa cuộc sống vào nghị quyết, chính sách, pháp luật. Muốn vậy phải dựa vào dân, lắng nghe ý kiến của dân; thảo luận, bàn bạc với dân trước khi quyết định để cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Bác Hồ đã dạy “tin vào dân chúng, đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không phù hợp thì để dân đề nghị sửa chữa”. Tóm lại, phải thật sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân để kiến tạo những vấn đề cơ bản của sự phát triển, đồng thời giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và cả những khiếu nại, tố cáo của công dân. Hai là, phải huy động được nhân dân tham gia tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chống tham nhũng, quan liêu, suy thoái. Nhân dân ta thường có truyền thống “chọn mặt gửi vàng” theo gương người có tài, có đức, có công với đất nước, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Song, hiện nay tình trạng suy thoái phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, lãng phí, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm ngày càng nghiêm trọng như Đảng ta đã nhận định; “tấm gương” ngày một mờ phai, niềm tin ngày càng giảm sút. Vậy phải làm sao lấy lại niềm tin của nhân dân? Phải nêu cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những tệ hại đó. Phê bình và tự phê bình là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng Đảng, song xem ra hiện nay đã kém hiệu lực. Điều đó đòi hỏi phải có sự trợ giúp của nhân dân. Đảng ta cũng đã nhiều lần chủ trương phải sử dụng sự giám sát của nhân dân, của công luận; các cơ quan thông tin đại chúng tích cực chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Phải thực hiện nghiêm minh lời dạy của Bác Hồ “Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Dựa vào dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”.

Có như vậy thì công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay mới có kết quả thiết thực, góp phần lấy lại và nâng cao niềm tin của nhân dân, củng cố nguồn cội sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Mời bạn đọc viết bài tham gia chuyên mục và gửi về địa chỉ: Báo Sài Gòn Giải Phóng, 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc các email: toasoan@sggp.org.vnhhiepsggp@gmail.com. Xin trân trọng cảm ơn!

HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục