Tọa đàm “Mãi mãi tuổi 20”, câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Công Tộc

Tự vấn về lý tưởng tuổi 20 hôm nay

Cũng là một trong những buổi sinh hoạt tư tưởng chính trị thường kỳ của đoàn viên, nhưng trong buổi tọa đàm ngày 9-11, vì sao Đoàn TNCS Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM lại chọn chủ đề “Mãi mãi tuổi 20”, câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Công Tộc?
Tự vấn về lý tưởng tuổi 20 hôm nay

Cũng là một trong những buổi sinh hoạt tư tưởng chính trị thường kỳ của đoàn viên, nhưng trong buổi tọa đàm ngày 9-11, vì sao Đoàn TNCS Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM lại chọn chủ đề “Mãi mãi tuổi 20”, câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Công Tộc?

Từ những bài thuyết trình chuẩn bị cho cuộc thi tìm hiểu 60 năm Đảng Cộng sản Việt Nam, tình cờ các anh chị em đoàn viên Đoàn TNCS Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tìm gặp nhân vật liệt sĩ Nguyễn Công Tộc qua hai bài bút ký “Trên từng nắm đất Hàng Dương” và “Câu chuyện 50 năm xưa về một anh hùng” của nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long đăng trên Báo SGGP.

Tự vấn về lý tưởng tuổi 20 hôm nay ảnh 1

Đoàn viên Trần Thị Việt Hà trong phút xúc động tự vấn về lý tưởng thanh niên hôm nay.

Chúng tôi rất xúc động về câu chuyện của liệt sĩ Nguyễn Công Tộc và mọi người mong muốn tìm hiểu thêm về câu chuyện và những nhân vật có liên quan đến người cộng sản kiên cường ấy - anh Hà Hữu Trí mở đầu lời giới thiệu cho cuộc tọa đàm.

– Chị đã bắt đầu viết về câu chuyện liệt sĩ Nguyễn Công Tộc từ đâu? Khi được một đoàn viên hỏi, nhà báo Ngô Ngọc Ngũ Long kể lại những cảm xúc của chị trong chuyến đi thăm nhà tù Côn Đảo vào tháng 7-2005. Cuộc hành trình đi tìm tiểu sử nhân vật tưởng như chuyện mò kim đáy biển, bởi chi tiết tại Bảo tàng Côn Đảo về nhân vật này cũng giống như chi tiết trong quyển sách viết về Thanh niên Tiền Phong và các phong trào học sinh, sinh viên, trí thức Sài Gòn của hai tác giả Huỳnh Văn Tiểng, Bùi Đức Tịnh, chỉ ghi vỏn vẹn mấy dòng “Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Công Tộc, xin xác nhận lập trường là tôi không ly khai Đảng Cộng sản”.

Chỉ từ chi tiết thật đáng khâm phục ấy, tác giả đã viết về nhân vật bằng tất cả tấm lòng quý trọng những người trí thức yêu nước chống Pháp… Khi bài báo được đăng tải, một cú điện thoại của người xưng là cháu ruột anh Nguyễn Công Tộc đã gọi đến tòa soạn tìm tác giả. Bây giờ những thông tin về cuộc đời, gia đình và cả đời tư của người cộng sản yêu nước ấy mới được hé lộ.

Trong buổi tọa đàm, các bạn đoàn viên trẻ không khỏi háo hức, tò mò khi biết nhân vật người bạn gái trong mối tình thầm lặng mà thủy chung của anh Nguyễn Công Tộc đang có mặt. Cô gái xinh xắn, một thời từng là người bạn gái trong công tác truyền bá chữ quốc ngữ với anh Nguyễn Công Tộc tại Sài Gòn và còn là người đồng chí, chọn con đường cách mạng như anh, đã bùi ngùi kể lại đức tính của chàng trí thức trẻ sôi nổi yêu nước nhưng trong tình yêu thì thật kín đáo, tế nhị. Hơn 50 năm, từ ấy đến bây giờ, cô Nguyễn Thị Xinh vẫn còn bồi hồi và khẽ khàng nhắc lại chút kỷ niệm của mối tình xưa.

“Tôi cũng là một trong những độc giả đã từng bị “sức hút” về một chút chi tiết cuộc đời của anh Nguyễn Công Tộc qua bài báo của Ung Ngọc Ky và bây giờ là bài báo của cô Ngô Ngọc Ngũ Long”, ông Huỳnh Văn Can, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Kháng chiến tâm sự. Có mặt trong buổi tọa đàm với tư cách là một khách mời nhưng ông còn là người đang đi tìm và lập hồ sơ đề nghị truy tặng anh hùng cho anh Nguyễn Công Tộc cùng 4 liệt sĩ chống ly khai cộng sản.

Bằng cái tâm của một người cộng sản, ông hết sức cảm phục và trăn trở suy nghĩ vấn đề truy tặng danh hiệu anh hùng cho những người đồng chí. Đất nước mình đã một thời được mệnh danh ra ngõ gặp anh hùng, nhưng không phải ai cũng được truy tặng anh hùng… Họ cũng là những người đã gác lại tình riêng, làm cách mạng với trái tim yêu nước nóng bỏng…

Làm sao không xúc động được trước câu chuyện anh Nguyễn Công Tộc tự viết bản án tử hình chính mình một cách dũng cảm, bất khuất? Và những tư tưởng đẹp, trong sáng từ các trang tự bạch của anh đã làm cô đoàn viên trẻ Trần Thị Việt Hà xúc động, rơi nước mắt. Cô đã nghẹn ngào bày tỏ những lời tự vấn về thế hệ trẻ hôm nay bằng cái nhìn khá nghiêm khắc và đầy trách nhiệm của một thanh niên.

Buổi tọa đàm trong phút giây cuối bỗng trở nên sôi nổi khi các bạn trẻ tự so sánh cái đẹp và cái anh hùng của từng thế hệ trẻ. Phân tích đầy đủ hơn, anh Đỗ Anh Tuấn đã đặt lại vấn đề “tự vấn” của lớp trẻ hôm nay không phải chỉ trăn trở với những cái tiêu cực của cuộc sống, của xã hội. Nếu thế hệ trẻ năm xưa đã cảm thấy nhục nhã vì mất nước, dám dũng cảm xả thân vì độc lập dân tộc thì thế hệ trẻ hôm nay cũng phải biết nhục vì kinh tế đất nước còn trì trệ, đời sống người dân còn nghèo nàn, khoa học kỹ thuật còn lạc hậu… Nhận thức và biết mình phải làm gì cũng chính là những bài học thật thiết thực, là những tình cảm thực thụ mang ý nghĩa nối tiếp những thế hệ đi trước.

Tuổi 20 yêu nước năm xưa của anh Nguyễn Công Tộc đã sống thật anh hùng. Tuổi 20 yêu nước của thế trẻ hôm nay cũng phải mang dáng nét của người anh hùng mới, anh hùng của thời đại khoa học công nghệ, biết làm giàu, làm đẹp cho dân tộc mình.

Yên Ngọc

Tin cùng chuyên mục