Tuần hoàn chất xám

Báo The Star dẫn báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang tiến tới hội nhập sâu rộng hơn, các thành viên ASEAN có thể thực hiện các chính sách để giảm bớt các rào cản cho người lao động, tạo điều kiện cho họ di chuyển giữa các nước làm việc.
Luân chuyển lao động có tay nghề sẽ khiến thị trường lao động ASEAN tốt hơn (ảnh: Straits Times)
Luân chuyển lao động có tay nghề sẽ khiến thị trường lao động ASEAN tốt hơn (ảnh: Straits Times)

Bằng cách này, ASEAN có thể gặt hái được nhiều lợi ích thông qua việc chia sẻ, nhân rộng tài năng quanh khối, vốn là một trong những khu vực phát triển nhanh nhất của nền kinh tế toàn cầu. Người lao động cũng được hưởng lợi từ sự di cư như vậy, và nên nhìn nhận như một sự “tuần hoàn chất xám” chứ không phải là “chảy máu chất xám”. 

WB ghi nhận Cộng đồng kinh tế ASEAN đã có những bước đi nhằm chuẩn hóa chất lượng lao động. Điều này cho phép các kỹ sư, y tá, kiến trúc sư, bác sĩ, nha sĩ, điều tra viên, kế toán viên và chuyên gia của một nước này tới làm việc ở nước khác nếu họ đáp ứng được yêu cầu. Nhưng những nghề này chỉ chiếm 5% việc làm trong khu vực, cũng có nghĩa là phúc lợi cho nhân viên - thước đo bao gồm tiền lương và việc làm, sẽ không tăng nhanh. Nếu các tiêu chí đòi hỏi ở người lao động giảm, mức tăng này sẽ là 29% so với 14% khi chỉ nhắm tới những người có trình độ tay nghề cao. Singapore, Malaysia và Thái Lan thu hút phần lớn lao động nhập cư trong khu vực, nhiều người trong số họ có tay nghề thấp. 3 nước này có khoảng 6,5 triệu người ASEAN nhập cư, chiếm tổng số 96%. Ngoài ASEAN, từ năm 1995 - 2015 có thêm Đông Á và Thái Bình Dương có tỷ lệ di dân giữa các quốc gia trong khu vực tăng cao. Ở Asean, tỷ lệ này đã tăng lên 10%.

Theo các chuyên gia của WB, sự gia tăng này là do sự khác biệt về tăng trưởng và xu thế dân số trong các nước ASEAN. Dịch chuyển lao động đóng góp vào sự sống còn của khu vực với những lợi ích mang lại không chỉ đối với lao động nhập cư mà còn cho cả nước gửi và nhận lao động. Tuy nhiên, lao động nhập cư quá đông có thể dẫn tới tình trạng kiểm soát kém, người lao động thiếu giấy tờ. Singapore là ví dụ về hệ thống quản lý lao động nước ngoài tinh vi và hiệu quả, nhưng cũng còn có những lo ngại về việc thực thi việc bảo vệ người lao động nước ngoài, đặc biệt là người giúp việc. Ở ASEAN nói chung, vẫn tồn tại những khoảng cách trong các hệ thống lao động nhập cư. 

Thông thường, người lao động không được thông báo về cơ hội và chi phí, không ít trường hợp bị mất phí môi giới quá cao, nên rất cần minh bạch. “ASEAN có thể giải quyết vấn đề này bằng một cổng thông tin thị trường lao động chung”, theo báo cáo. Hệ thống đánh giá công khai của khách hàng ở Singapore đối với các công ty tuyển giúp việc được nhấn mạnh như là một cách để cải thiện tính minh bạch trong việc tuyển dụng người giúp việc. “Hệ thống này có thể toàn diện hơn nếu để người giúp việc cũng có thể nhận xét về nơi tuyển dụng”, báo cáo cho biết. Ngoài ra, WB khuyến nghị các nước thành viên ASEAN nên xuất bản số liệu về tình trạng thiếu lao động, xây dựng khuôn khổ ASEAN về các thỏa thuận song phương về luồng lao động và có các khóa học trước khi gửi lao động đi nước ngoài, như ở Philippines, để đảm bảo rằng lao động nhập cư biết được quyền của họ.

Tin cùng chuyên mục