Tưới khỏe giữa mùa khô

Trong khi nhiều vùng ở Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng khô hạn kéo dài, nước phục vụ tưới tiêu luôn căng thẳng, thì nhiều nhà vườn tại Lâm Đồng lại khá nhàn nhã vì đã dần ý thức sử dụng nguồn nước một cách hợp lý, tiết kiệm hơn. Sản xuất nông nghiệp gắn với ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước đã được áp dụng khá phổ biến từ nhiều năm nay như một hướng đi bền vững trước những biến đổi bất thường của thời tiết.
Phương pháp tưới nhỏ giọt đang được nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng áp dụng
Phương pháp tưới nhỏ giọt đang được nhiều nhà vườn ở Lâm Đồng áp dụng

Xa dần cảnh kéo vòi hoa sen

Trước đây, ông Phạm Văn Trị (thôn Suối Thông C, xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng) thường xuyên sử dụng vòi hoa sen tưới nước cho hơn 1ha rau củ. Hình thức tưới này tốn khá nhiều chi phí về công lao động, lãng phí nước và phân bón bị rửa trôi. Năm 2008, gia đình ông liên kết trồng thử nghiệm 5 sào khoai tây với một doanh nghiệp bằng hình thức doanh nghiệp hỗ trợ giống, kỹ thuật, hệ thống tưới phun mưa và tưới nhỏ giọt.

Đến nay, gia đình ông mở rộng diện tích trồng rau, màu lên 6ha, toàn bộ sử dụng hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước. Bên cạnh những thay đổi trong cách thức sản xuất, việc áp dụng tối đa phương pháp tưới, bổ sung chất dinh dưỡng qua hệ thống tưới phun mưa đã giúp năng suất khoai tây của gia đình ông tăng từ 8 tấn/ha/năm lên gần 30 tấn/ha/năm.

Không chỉ gia đình ông Trị, tại huyện Đơn Dương đã có hơn 500 hộ nông dân với khoảng 600ha trồng khoai tây liên kết với Công ty PepsiCo Việt Nam, đã sử dụng toàn bộ hệ thống tưới phun mưa tiết kiệm nước. Bằng phương pháp này, mỗi vụ người dân tiết kiệm được 3.700m3 nước/ha. Để được bao tiêu toàn bộ sản phẩm, nông dân tham gia chuỗi phải thực hiện việc sản xuất bền vững như phía công ty đưa ra.

Cũng là người tiên phong lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tại địa phương, bà Lại Thị Hiền (xã Tân Lâm, huyện Di Linh), cho biết, gia đình bà đã đầu tư gần 100 triệu đồng xây bể chứa nước khoảng 10m3 nước cùng hệ thống máy bơm, đồng hồ đo nước và các van chia ra nhiều hướng khác nhau phục vụ tưới cà phê. Một hệ thống ống nước nhỏ được lắp đặt dưới mặt đất khoảng 2 - 5cm, thuận lợi cho việc tưới nhỏ giọt.

Với mô hình này, lượng nước luôn được kiểm soát, không thừa mà cũng không thiếu, đồng thời giúp nông dân kiểm soát được phân bón, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất cây trồng. 

Ông Nguyễn Văn Chức (xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh) cho biết: “Trước đây, người nông dân quen với hình thức tưới truyền thống đó là tưới “dí”, khiến lượng nước hao tốn nhiều. Khi bón phân cho cây cà phê, người dân phải chờ trời mưa, thiếu chủ động trong bón phân và lượng nước tưới. Sau khi được dự án VnSAT hỗ trợ, nhiều bà con đã triển khai mô hình tưới nhỏ giọt. Phương pháp tưới tiết kiệm còn giúp nông dân kiểm soát được phân bón, tức là bón đúng bón đủ”. 

Tiếp tục nhân rộng

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh có 151.686ha đất trồng trọt ứng dụng 3 loại hình tưới tiết kiệm, tập trung nhiều nhất tại TP Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Lâm Hà. Trong đó, có 50ha trồng rau thủy canh; 3.618ha tưới nhỏ giọt (2.070ha rau, 1.048ha hoa và 500ha cà phê); 40.613ha tưới phun mưa (18.132ha rau, 2.824ha hoa, 14.200ha cà phê, 4.600ha chè, 702ha cây ăn quả, 100ha cỏ chăn nuôi, 55ha dâu tằm). 

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết, công nghệ tưới nhỏ giọt là công nghệ tưới tiên tiến nhất hiện nay, đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong đất. Hệ thống này có bộ phân châm phân bón kết hợp với tưới nước, giảm nhân công lao động. Tưới nhỏ giọt phù hợp với nhiều địa hình khác nhau, ngăn chặn sự phát triển của cỏ dại quanh gốc cây và sâu bệnh, giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và đạt năng suất cao.

Hiệu quả của hệ thống tưới nhỏ giọt và kết hợp bón phân cho cây rau, hoa đã tiết kiệm từ 30% - 60% lượng nước so với biện pháp tưới nước truyền thống; giảm chi phí đầu tư, công lao động từ 50% - 70% và tăng năng suất từ 15% - 20% so với phương pháp tưới truyền thống. 

Cụ thể, đối với cây cà phê, tưới nhỏ giọt tiết kiệm lượng nước tưới so với tưới bồn (tưới “dí”) khoảng 200 lít/gốc/lần, giảm 100 công lao động/ha/năm. “Cây trồng hấp thụ nước thông qua bộ rễ nên chỉ cần đưa nước xuống rễ là tối ưu nhất, việc tưới trực tiếp vào lá cây, vào không khí phần nào cũng làm độ ẩm không khí thấp, đây cũng là cơ sở để mầm bệnh có điều kiện phát triển”, ông Hưng phân tích.

Đối với phương pháp thủy canh, ngoài lượng nước cây hấp thụ thì phần còn lại được tái sử dụng cho lần tiếp theo, dù vậy phương pháp này khó có thể mở rộng vì chi phí đầu tư rất lớn từ 7 - 10 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh Lâm Đồng vẫn còn 107.405ha đang áp dụng phương pháp tưới gốc, chủ yếu là trên cây cà phê, cây ăn quả, số diện tích này cần được tưới trong mùa khô nên gây áp lực lớn về nguồn nước trong bối cảnh nguồn nước ao, hồ, suối và cả nước dưới mặt đất đang bị sụt giảm qua từng năm.

“Trong chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang được triển khai, tỉnh Lâm Đồng đã xác định tập trung chỉ đạo trong phát triển sản xuất nông nghiệp và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, trong đó có tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước hướng đến sản xuất nông nghiệp một cách bền vững. Khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới phù hợp với địa hình, trình độ canh tác”, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục