Tuổi thơ yêu dấu


Những năm chiến tranh phá hoại lan rộng ra miền Bắc, lũ trẻ ở phố phải đi sơ tán về các vùng quê. Đó là cả một thiên đường để tìm hiểu đầy thú vui mà thành thị vĩnh viễn không bao giờ có được.
Minh họa: DIỄM KHANH
Minh họa: DIỄM KHANH
Từ bờ ao, ruộng lúa cho đến con trâu, con bò và heo, gà, ngan, ngỗng. Từ thú vui câu cá, bắn chim cho đến trèo cây hái quả. Từ chạy nhảy thả diều cho đến cưỡi trâu, gồng gánh. Từ bơi lội sông ngòi cho đến nhóm lửa nướng những thứ nông sản ngoài đồng…
Lũ trẻ trải nghiệm những công việc đồng áng với người nông dân đầy đam mê, thích thú. Những năm ấy, đời sống thành thị chỉ ngang bằng hoặc còn kém so với nông thôn. Ít nhất là ở cái ăn. Lúc còn ở phố, thỉnh thoảng có khách nhà quê ra chơi, thể nào cũng có những món quà quê đặc biệt hấp dẫn: trái bắp, củ khoai, cân đỗ, cân lạc, cân vừng. Thỉnh thoảng có những người cầu kỳ mua vài con cá quả đựng vào chiếc rá lót đầy bèo tây đi ô tô nửa ngày lên đến Hà Nội, mở ra cá vẫn sống. Tết nhất có thêm vài con gà ta béo vàng nhốt trong rọ xách ra. Lũ trẻ xúm xít cho gà ăn và coi đó như một món đồ chơi quý hóa. Lúc ăn thịt gà, đứa nào cũng khóc. Trẻ thành phố chỉ trông vào tem phiếu phân phối của nhà nước những món hàng thiết yếu. Chẳng bao giờ có phiếu mua lạc, mua đỗ. Phiếu mua gà chỉ có một lần trong năm vào dịp tết.
Trẻ nông thôn lúc ấy tương đối đủ ăn. Dĩ nhiên, chúng ăn những gì mà gia đình sản xuất được. Không có phiếu thịt thì đã có heo, gà, ngan, ngỗng nhà nuôi. Không có bánh kẹo, đường sữa thì thay vào đó là cây mía, quả chuối, quả đu đủ. Không có bánh mì thì đã có bánh nếp, bánh tẻ, bắp khoai. Những món quà vặt của lũ trẻ nông thôn bao giờ cũng dư dả. Có thể mang cho lũ trẻ thành thị về sơ tán cùng ăn thoải mái. Duy chỉ có quần áo mặc là trẻ nông thôn có vẻ thiếu thốn hơn thành thị. Đơn giản vì nông thôn lúc ấy không được hưởng chế độ tem phiếu vải phân phối. Trẻ con thường mặc lại đồ người lớn cắt nhỏ đi. Chỉ đến tết may ra mới có manh áo mới. Thế nhưng, lũ trẻ thành thị về sinh hoạt ở nông thôn cũng nhanh chóng hòa nhập đến không phân biệt vào trẻ làng. Quần áo cũng lam lũ màu bùn đất và rách nát như trẻ làng mà thôi.
Nếu ta đem cuộc sống kham khổ của trẻ con hơn nửa thế kỷ trước mà so với trẻ bây giờ thì sẽ thấy khoảng cách một trời một vực. Cũng chỉ trong việc ăn mặc mà thôi. Đứa trẻ ngày trước được chạy nhảy trên bờ đê chưa chắc đã kém vui hơn đứa trẻ ngồi ôm iPad bây giờ. 
Thế nhưng, nhiều người tỏ ra thương xót những đứa trẻ thành thị bây giờ phải chịu nhiều áp lực của việc học hành, thi cử. Hoặc không được vui chơi ở những vùng thiên nhiên tươi đẹp…, kể ra cũng hơi phiến diện. Trẻ con thời nào có ước ao của thời ấy. Trẻ con nông thôn bây giờ cũng ước ao được chăm bẵm áo quần, xe cộ, máy móc như trẻ con thành phố. Bởi vì có nhiều đứa khi vào đại học vẫn chưa biết máy tính là cái gì. Cũng giống như trẻ con thành phố về nông thôn là muốn sà ngay xuống đầm sen, ruộng lúa để chơi đùa. Với chúng, sen hay lúa đều chỉ có mỗi một khái niệm là thứ được mẹ mua về. Khoảng cách nông thôn - thành thị gần như chỉ còn có ý nghĩa địa lý mà thôi. Chẳng cần phải quá lo lắng khi ký ức tuổi thơ của chúng không giống nhau. Có lẽ chỉ còn lũ trẻ con châu Phi cầm súng và chết đói mới thật sự là nỗi thương cảm của nhân loại.
Cuối cùng như ta thấy, thiên tài thế giới không phải lúc nào cũng được chăm chút no đủ mà thành. Ta có một Mozart xuất thân quý tộc thì cũng có một Beethoven bần hàn có mẹ phải đi làm gái kiếm tiền nuôi con. Ta có những quý tộc L.Tolstoy, V. Hugo, S. Maugham viết văn thì cũng có những M. Dostoyevski, M. Gorky trưởng thành từ những người cùng khổ. Ta có lẫy lừng những P. Picasso, S. Dali họa sĩ triệu phú tài năng thì cũng có những lộng lẫy tên tuổi Van Gogh, A.Modigliani cả đời nghèo túng.
Tuổi thơ yêu dấu dù gian khổ hay đủ đầy vĩnh viễn là ký ức đẹp đẽ theo ta đến suốt đời. 

Tin cùng chuyên mục