Túi chứa nước bảo vệ môi trường

Tại sự kiện “Cộng đồng rút ngắn khoảng cách 2015 - Trái tim xanh”, Tổ chức hỗ trợ phát triển cộng đồng Lin đã tài trợ 150 triệu đồng cho dự án “Vì môi trường” của nhóm sinh viên Trường ĐH Hoa Sen. Bằng cách ứng dụng hệ thống túi chứa nước, túi chứa biogas sử dụng vật liệu HDPE, nhóm bạn trẻ này đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường theo cách rất độc đáo.
Túi chứa nước bảo vệ môi trường

Tại sự kiện “Cộng đồng rút ngắn khoảng cách 2015 - Trái tim xanh”, Tổ chức hỗ trợ phát triển cộng đồng Lin đã tài trợ 150 triệu đồng cho dự án “Vì môi trường” của nhóm sinh viên Trường ĐH Hoa Sen. Bằng cách ứng dụng hệ thống túi chứa nước, túi chứa biogas sử dụng vật liệu HDPE, nhóm bạn trẻ này đã giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường theo cách rất độc đáo.

Trong dự án này, nhóm nghiên cứu phát triển túi chứa nước mưa trong mùa khô ở các vùng thiếu nước ngọt. Túi được đặt trên đất, có đường ống cũng được làm bằng vật liệu HDPE dẫn nước mưa từ máng xối vào. Đầu còn lại của túi là van nước và bộ phận lọc, có thể lắp đặt và thay thế đơn giản, đảm bảo nước ra khỏi túi sử dụng an toàn cho sức khỏe. Không dừng lại ở đó, các bạn trẻ còn biến bạt trải HDPE thành túi đựng chất thải chăn nuôi, thu khí biogas để cung cấp chất đốt cho các hộ dân.

Nhóm sinh viên Trường ĐH Hoa Sen bên hệ thống túi chứa nước, túi chứa biogas sử dụng vật liệu HDPE .

Dự án được thực hiện triển khai tại hai xã Tân Lợi Thạnh và An Hiệp, tỉnh Bến Tre mang lại hiệu quả bất ngờ. Bạn Thu Huỳnh Đức, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, xã An Hiệp là xã miền biển nên hệ thống mạch nước ngầm bị nhiễm mặn. Nước mưa là nguồn nước sạch duy nhất của bà con. Nhưng vì nhiều lý do, bà con vẫn sử dụng nước mưa chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Trong khi đó tại xã Tân Lợi Thạnh, nhiều gia đình nuôi heo rồi xả chất thải trực tiếp ra môi trường, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa không tận dụng được nguồn khí biogas phục vụ đun nấu. Chính vì thế, các bạn trẻ đã phối hợp với với Tổ chức ECO tại Việt Nam xây dựng hệ thống túi chứa bằng chất liệu HDPE.

Theo nhóm nghiên cứu, túi HDPE có độ bền cao, giá thành rẻ. Ngoài ra, túi còn có khả năng kháng tia cực tím (UV), chống oxy hóa dưới tác động của thời tiết, an toàn với sức khỏe con người. Sau 20 năm sử dụng, HDPE có thể được nấu tái chế để tạo ra loại nhựa thứ cấp, không ảnh hưởng đến môi trường đất. Do chưa thể đảm trách toàn bộ kỹ thuật chế tạo túi HDPE nên nhóm nghiên cứu đã hợp tác với Công ty Á Châu gia công túi bằng máy hàn chuyên dụng, đảm bảo thẩm mỹ và độ bền cho túi.

Đa phần các bạn trẻ này đều đang là sinh viên, thời gian học gần như chiếm hết quỹ thời gian. Chưa kể, quãng đường từ TPHCM đến Bến Tre hơn 200km, nhưng bằng nhiệt huyết và say mê, các bạn trẻ đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành dự án.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen phấn khởi vì sinh viên biết quan tâm đến môi trường và tham gia các dự án như thế này. Cô chia sẻ, nếu sinh viên môi trường sử dụng các kiến thức được học về môi trường giải quyết các vấn đề thực tế, đời thường liên quan đến môi trường sống của cha mẹ, gia đình, bản thân mình là việc rất có ích đối với tuổi trẻ. Quan tâm môi trường là có trách nhiệm xã hội và với chính bản thân mình. Sự ra đời của túi chứa nước, túi biogas bằng vật liệu HDPE sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tạo cuộc sống tốt hơn cho người dân.

Nguyễn Tường

Tin cùng chuyên mục