Tương lai bất ổn của Samsung

Ngày 9-3, tỷ phú Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, sẽ ra tòa vì tội hối lộ trong “phiên tòa thế kỷ mà cả thế giới theo dõi”, như trưởng nhóm công tố viên đặc biệt Park Young-soo tuyên bố với báo giới. Tập đoàn lớn nhất trong nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang đối mặt với con đường không chắc chắn phía trước, sau một năm lao đao vì vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc.

Ngày 9-3, tỷ phú Lee Jae-yong, Phó Chủ tịch Samsung Electronics, lãnh đạo trên thực tế của Tập đoàn Samsung, sẽ ra tòa vì tội hối lộ trong “phiên tòa thế kỷ mà cả thế giới theo dõi”, như trưởng nhóm công tố viên đặc biệt Park Young-soo tuyên bố với báo giới. Tập đoàn lớn nhất trong nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á đang đối mặt với con đường không chắc chắn phía trước, sau một năm lao đao vì vụ bê bối tham nhũng làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc.

Đóng cửa văn phòng chiến lược

Trong năm 2016, danh tiếng Samsung giảm mạnh với vụ bê bối cháy nổ pin điện thoại thông minh Galaxy Note 7 khiến phải thu hồi 2,5 triệu máy. Tiếp theo, Samsung liên quan đến vụ bê bối chính trường Hàn Quốc đã khiến Tổng thống Park Geun-hye bị Quốc hội luận tội vào ngày 9-12-2016 và đang chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp trong tháng 3 này. Tỷ phú Lee Jae-yong, 48 tuổi, người thừa kế Samsung, đã bị bắt giam từ ngày 17-2 và ngày 28-2 bị truy tố các tội hối lộ, tham ô, che giấu tài sản ở nước ngoài và khai man.

Theo nhóm công tố viên độc lập điều tra vụ bê bối tham nhũng, Lee Jae-yong đã đưa hoặc cam kết đưa hối lộ khoảng 43 tỷ won (36,3 triệu USD) bằng cách đóng góp cho 2 quỹ và một công ty thành lập bởi Choi Soon-sil, người bạn thân của Tổng thống Park, để đổi lấy sự ủng hộ của chính phủ trong vụ sáp nhập 2 công ty con Samsung là Samsung C&T và Cheil Industries trong tháng 7-2015. Đây là vụ sáp nhập quan trọng để chuyển giao quyền lực suôn sẻ từ Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee, bị bệnh tim phải nằm viện từ năm 2014, cho Lee Jae-yong, con trai duy nhất của ông.

Cảnh sát áp giải Phó Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong (giữa) đến văn phòngcông tố viên đặc biệt tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 25-2-2017 Ảnh: Bloomberg

Tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc trên thực tế không có lãnh đạo sau khi Lee Jae-yong bị bắt ngày 17-2. Ngày 28-2, Samsung tuyên bố đóng cửa Văn phòng Chiến lược Doanh nghiệp (CSO), tổ chức quản lý gồm khoảng 200 lãnh đạo cấp cao từ các công ty con, bộ não thực tế điều hành tập đoàn với 60 công ty con. Tập đoàn Samsung nổi tiếng nhất với công ty con Samsung Electronics về thiết bị điện tử và điện thoại di động, nhưng còn một loạt doanh nghiệp khác, từ kinh doanh khách sạn, xây dựng khu đô thị, công viên giải trí, đến đóng tàu, bảo hiểm nhân thọ, dược phẩm sinh học... Gia đình Lee điều khiển Tập đoàn Samsung thông qua một mạng sở hữu chéo phức tạp giữa các công ty con. CSO thường bị các công ty con chỉ trích vì cơ chế ra quyết định từ trên xuống, nhưng cũng được thừa nhận về quản lý hoạt động nhanh chóng và hiệu quả. Yonhap ngày 28-2 đã gọi là “tháo dỡ trên thực tế Tập đoàn Samsung” khi đưa tin Samsung đóng cửa CSO.

Người Hàn Quốc xem CSO là một biểu tượng gây nhiều tranh cãi về bí mật của Samsung. Theo Lee Jong-tae của tạp chí Hàn Quốc SisaIN, trong quá khứ, CSO rất quan trọng trong việc đảm bảo sự kiểm soát gia đình và quản lý các mối quan hệ với chính phủ để duy trì sự kiểm soát đó. Nhưng CSO đại diện cho sự tập trung quyền lực các tập đoàn gia đình mà người Hàn Quốc đang quá chán ngán. Việc đóng cửa CSO có những điểm tương đồng với vụ giải thể Văn phòng Kế hoạch và Chiến lược (SPO) gây ấn tượng trong năm 2008. Lúc đó, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee bị kết án 3 năm tù tội tham ô và trốn thuế (nhưng sau đó được Tổng thống Lee Myung-bak ân xá), Samsung đã đóng cửa SPO để chứng tỏ nghiêm túc với việc cải tổ. Nhưng đến năm 2010, SPO đã được tái sinh, chính là CSO.

Mất chìa khóa thành công

Các tập đoàn lớn thường phải đối mặt lựa chọn sử dụng nhà cung cấp nội bộ và bên ngoài. Chẳng hạn, thiết kế một điện thoại di động phải quyết định sử dụng màn hình của công ty con hoặc của một nhà cung cấp bên ngoài. Một nhà cung cấp nội bộ cho phép hợp tác chặt chẽ hơn, nhưng có nguy cơ là khi có khách hàng cố định, công ty con sẽ trở nên trì trệ. Đầu thập niên 1990, Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee đưa ra một chiến lược khác thường là vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các công ty con của tập đoàn, sử dụng đồng thời cả nhà cung cấp nội bộ và bên ngoài. Khi thiết kế một mẫu điện thoại di động mới sẽ bao gồm các thành phần của Samsung như màn hình, chip nhớ, pin, cùng những thành phần khác của nhà cung cấp bên thứ ba. Trong một nghiên cứu sâu rộng năm 2016 về văn hóa Samsung, các học giả Jaeyong Song, Kyungmook Lee và Tarun Khanna cho biết: “Các công ty con Samsung không được đối xử đặc biệt khi giao dịch với nhau mà phải chuẩn bị để mất đơn hàng vào tay các nhà cung cấp bên ngoài nếu không thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả hay thời gian giao hàng”.

Cạnh tranh nội bộ lành mạnh có thể làm tất cả mọi người nỗ lực tối đa, nhưng nếu cạnh tranh gay gắt hơn hay vượt ngoài kiểm soát, nó có thể gây sụp đổ nội bộ, làm giảm thành công của cả công ty. CSO, được Lee Kun-hee tập hợp các lãnh đạo Samsung hoàn toàn trung thành với Samsung và với cá nhân ông, đóng vai trò bộ não điều hành Samsung để tránh điều đó. Chiến lược này phụ thuộc sự lãnh đạo mạnh mẽ từ người đứng đầu, trong lúc Samsung hiện nay dường như không còn sự lãnh đạo cần thiết đó để tiếp tục chiến lược. Và đó là một vấn đề lớn với Samsung vì lĩnh vực điện thoại thông minh sinh lợi đang đối mặt cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ Trung Quốc. Samsung cần một chiến lược thống nhất để giải quyết các mối đe dọa đó, nhưng việc thiếu một lãnh đạo cao cấp và không còn CSO sẽ rất khó thực hiện một chiến lược như vậy.

Vấn đề nữa, nếu không có lãnh đạo cao cấp nhất trong hệ thống phân cấp của tập đoàn được thừa nhận, CSO chỉ có thể trở thành một chiến trường cho các cuộc đấu đá giữa các công ty con Samsung. Trước khi bị bắt, Lee Jae-yong đã phải nỗ lực xây dựng vị trí tầm cỡ trong Samsung như cha mình, nhưng bây giờ, bị truy tố và có thể ngồi tù trong tương lai, gần như Lee Jae-yong không thể phát huy quyền lực như cha mình đã có. Với quyết định đóng cửa CSO, nhiều khả năng Samsung sẽ trở thành một tập đoàn gần như truyền thống, với các công ty con được tăng quyền tự chủ và giảm áp lực vừa hợp tác, vừa cạnh tranh nhau. Theo Chang Sea-jin, Đại học Quốc gia Singapore, mọi người mong đợi các chức năng chính của CSO được chuyển đến các công ty con hàng đầu của tập đoàn để chuẩn bị cho một sự chuyển tiếp, dự kiến kéo dài, để trở thành một công ty cổ phần có cấu trúc minh bạch hơn.

Tại đại hội đồng cổ đông vào ngày 24-3, mà Samsung cho biết sẽ tổ chức lại và thúc đẩy phát triển tập đoàn trong năm 2017, các công ty con Samsung có khả năng sẽ nhóm lại trong 3 doanh nghiệp chủ lực của tập đoàn, gồm Samsung C&T, Samsung Life Insurance và Samsung Electronics. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết chỉ có thể đánh giá triển vọng Samsung khi vụ án Lea Jae-yong đã được giải quyết và lãnh đạo mới của Samsung được công bố.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục