Tương lai của mạng 5G

TPHCM sẽ là một trong 2 địa phương đầu tiên của cả nước triển khai mạng viễn thông 5G vào năm 2019. Thông tin trên tiếp tục được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP khóa IX vừa diễn ra.

 

Những lợi thế của 5G kỳ vọng sẽ tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ, sự ổn định thiết bị di động, xóa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, hỗ trợ giải quyết các thách thức về kết nối tại đô thị lớn. 

Sẵn sàng cho 5G

Theo đồng chí Trần Vĩnh Tuyến, trong năm 2019, TPHCM tập trung thực hiện đề án xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh, gắn với việc xây dựng điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) và phấn đấu triển khai mạng viễn thông 5G. Có thể hình dung, khi TPHCM triển khai mạng viễn thông 5G sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn vì TP đã và luôn tập trung phát triển đột phá ngành điện tử và CNTT. Trong đó, CNTT được coi là một trong 4 ngành công nghiệp chủ lực của TP (cùng với ngành cơ khí, hóa nhựa và chế biến lương thực - thực phẩm). Không chỉ là ngành công nghiệp chủ lực, mà CNTT còn là một trong 9 ngành dịch vụ chủ lực, đóng góp 60% vào tổng giá trị sản phẩm dịch vụ của TP. TPHCM đang xây dựng đô thị thông minh, 5G sẽ góp phần tạo nên những liên kết nhanh chóng hơn nữa trong truyền tải, xử lý. 

Viettel khẳng định đủ năng lực để thử nghiệm 5G
Trong khi đó, với các nhà mạng thử nghiệm 5G, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)  đang có lợi thế lớn. Ông Tào  Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel, cho hay: “Viettel mong sớm có thông tin về tần số để các nhà mạng có sự chuẩn bị về thiết kế, thiết bị phù hợp nhằm đáp ứng tần số mà Bộ TT-TT dự kiến sử dụng cho 5G”. Được biết, Viettel đã nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G, thành lập nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ 5G từ năm 2015. Hơn nữa, với kinh nghiệm trong phát triển trạm phát sóng 4G eNodeB và mạng lõi, Viettel định hướng tập trung vào nghiên cứu trạm phát sóng 5G. Cụ thể hơn, Viettel đã đạt được một số kết quả tích cực: làm chủ công nghệ lõi của phần mềm cho thiết bị 5G, làm chủ thiết kế phần cứng khối thu phát cao tần, làm chủ thiết kế phần mềm lớp vật lý cho thiết bị 5G. “Viettel đặt mục tiêu đến năm 2019 sẽ hoàn thành chế thử trạm phát sóng 5G phiên bản 1, thử nghiệm mạng lưới trạm 5G vào năm 2020 và sẵn sàng thương mại sản phẩm vào năm 2021”, ông Tào  Đức Thắng cho biết thêm.


Thế giới đã vào cuộc

Các chuyên gia cho biết, 5G là thế hệ tiếp theo của công nghệ truyền thông di động sau thế hệ 4G, hoạt động ở các băng tần 28, 38 và 60 GHz. Mạng 5G sẽ có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G hiện nay, giúp mở ra nhiều khả năng mới và hấp dẫn. Về mặt lý thuyết, tốc độ truyền tải dữ liệu của 5G có thể lên tới 10Gbps. Lúc đó, xe tự lái có thể đưa ra những quyết định quan trọng tùy theo thời gian và hoàn cảnh. Tính năng chat video sẽ có hình ảnh mượt mà và trôi chảy hơn, làm cho chúng ta cảm thấy như đang ở trong cùng một mạng nội bộ. Các cơ quan chức năng có thể theo dõi tình trạng tắc nghẽn giao thông, mức độ ô nhiễm và nhu cầu tại các bãi đậu xe, do đó có thể gửi những thông tin này đến những chiếc xe thông minh của mọi người dân theo thời gian thật. Lợi ích của 5G bao gồm ứng dụng cho một chuỗi công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ việc kết nối, tự động hóa, đường truyền tốc độ cao, độ trễ thấp, giải quyết được nhiều hạn chế hiện nay của những công nghệ cũ. Do vậy, một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc dự kiến triển khai mạng 5G trong giai đoạn 2019-2020. 

Đáng chú ý, tại sự kiện công nghệ Snapdragon thường niên vừa diễn ra tại Mỹ, Qualcomm Technologies, Inc. - một đơn vị trực thuộc Qualcomm Incorporated (NASDAQ:QCOM) - đã công bố thế hệ mới nhất trong 8 series của nền tảng di động là Qualcomm® SnapdragonTM 855 Mobile Platform. Đây là nền tảng di động thương mại đầu tiên trên thế giới hỗ trợ đồng thời tốc độ 5G nhiều gigabit, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu và thực tại ảo tăng cường (extended reality - XR), qua đó mở ra một kỷ nguyên mới của các thiết bị di động đột phá. Nền tảng di động Qualcomm® SnapdragonTM 855 Mobile Platform hiện đang được gửi mẫu cho khách hàng và được kỳ vọng sẽ bắt đầu được bán ra trên các thiết bị thương mại trong nửa đầu năm 2019. Ở đây, Qualcomm Technologies, Inc. là hãng cung cấp chip và cả thiết bị tham chiếu đầu cuối. Vì vậy, dự báo năm 2019 là năm của thiết bị 5G.

Mạng 5G được xem là chìa khóa để đi vào thế giới Mạng lưới vạn vật kết nối Internet (IoT), trong đó các bộ cảm biến là những yếu tố quan trọng để trích xuất dữ liệu từ các đối tượng và từ môi trường. Hàng tỷ bộ cảm biến sẽ được tích hợp vào các thiết bị gia dụng, hệ thống an ninh, thiết bị theo dõi sức khỏe, khóa cửa, xe hơi và thiết bị đeo.

Tính đến tháng 5-2018, Việt Nam có tổng cộng 76,8 triệu người sử dụng Internet. Với riêng truy cập băng rộng di độ có tổng cộng 64,2 triệu người dùng,gồm 51,2 triệu người sử dụng 3G và 13 triệu người sử dụng 4G. Các dự báo khác cho thấy, công nghệ 5G có sức tác động khoảng 4,6% ở mọi lĩnh vực của đời sống.

Tin cùng chuyên mục