Turkistan - nơi thời gian ngừng trôi

Tôi khá lo lắng khi hãng hàng không SCAT thông báo chuyến bay từ thủ đô Astana đến Shymkent bị trễ 6 tiếng vì sự cố kỹ thuật. Tôi rất sợ đặt chân đến một thành phố xa lạ giữa bóng đêm, giống như mình đang lạc trong ổ tơ vò, không tìm được lối thoát để tiết kiệm chi phí chuyến đi, dù người Trung Á luôn được khách lữ hành gọi là “những người thân thiện”.
Turkistan, nơi thời gian ngừng trôi vì các kiến trúc chưa bị phá hủy
Turkistan, nơi thời gian ngừng trôi vì các kiến trúc chưa bị phá hủy

Gặp lại hình ảnh đại sứ du lịch

Giữa ngày mùa đông rét mướt năm 2013, trong đêm tối trời tại Lahore, chị Salah, một nhân viên ngân hàng đã dạy cho anh chạy xe tuk tuk một bài học về sự “chặt chém”. Điều này đã làm tôi cảm thấy ấm áp và quý mến những người anh em Hồi giáo Pakistan. Trong một đêm hè oi bức ở Shymkent, tôi lại lần nữa cảm mến khi gặp được hai đại sứ du lịch của Kazkhstan.

Tiếng Anh không phổ biến nên những người lữ hành thường gặp khó khăn nhất định khi băng qua dãy đất Trung Á, nơi vừa mới mở cửa ngành công nghiệp không khói. Không còn xe buýt địa phương để vào trung tâm, tôi thấp thỏm trong bụng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay quốc tế Shymkent lúc 20 giờ. Tôi đoán mình sẽ bị chặt chém giá taxi bởi tài xế không thể đọc được địa chỉ nhà nghỉ bằng dòng chữ La tinh mà tôi cẩn thận ghi ra tờ giấy nhỏ. Duy nhất một anh tài xế nói được tiếng Anh ra giá 20 USD, do đã tìm hiểu từ trước nên tôi cho rằng không hợp lý.

Một chị hành khách trung niên đứng gần chờ người nhà đến đón, nói được tiếng Anh chút ít, nghe được câu chuyện bước đến giúp tôi. Chị thẳng thừng từ chối tài xế taxi và gọi một chiếc taxi khác với giá khoảng 8 USD. Cuộc đấu khẩu to tiếng gần như muốn đánh nhau giữa tài xế cũ và mới. Cô tiếp viên hãng hàng không SCAT chạy đến hỏi thăm chị hành khách và lập tức hỗ trợ tôi kéo hành lý về phía cô, sau đó nghiêm mặt “dạy” các tài xế taxi bằng ngôn ngữ địa phương. Tôi thật sự quá ấn tượng với câu nói của cô: “Người Kazakhstan và người Shymkent dành thiện cảm cho một du khách như thế sao?”, khiến tài xế taxi cũ phải cúi mặt. Để dung hòa giữa các tài xế, cô tiếp viên gọi một hãng taxi khác đến, dặn dò bác tài thật kỹ lưỡng địa chỉ và nháy mắt với tôi: “Bạn chỉ phải trả 5 USD”.

Taxi chở tôi lướt qua chầm chậm chiếc xe của cô tiếp viên được bạn trai đến đón. Trong làn gió đêm Shymkent, những cái vẫy tay tạm biệt thật lâu cùng nụ cười cảm tạ thật lòng của tôi dành cho đôi lứa đang yêu. Đại sứ du lịch không đâu xa mà ở chính ngay trong lòng những người địa phương luôn bảo vệ du khách!

Đặc sắc kiến trúc của nhà Timurid

Trên đường viễn chinh, thành quách vững chắc có thể sụp đổ nhưng trung tâm tôn giáo, lăng mộ hoàng gia, thầy tu thì vẫn còn soi bóng đến ngàn sau, bởi đoàn quân thiện nghệ luôn hiểu rằng, đụng chạm đến những gì thuộc về phạm trù “linh thiêng” thường hậu vận không tốt. Nhờ đó, những vết tích ấy còn sống sót khi thời gian đi qua và các nhà khoa học ngày nay mới xác định, đo lường được những “giá trị vàng” trong thời cổ - trung đại…

Những người lữ hành thầm reo vang như vừa khám phá ra điều bí mật to tát gì đó từ Samarkand - Uzbekistan đến Turkistan - Kazakhstan. Lăng mộ của đại đế Timur ở cố đô Samarkand vẫn còn ánh lên hào quang rực rỡ như những sợi vàng thật được dát lên những hoa văn cầu kỳ trên từng mái vòm hay các viên gạch men ở các bức tường thành bên trong. Khác với văn hóa của người Ba Tư hay Mông Cổ, đại đế Timur chọn cung điện hoàng gia, cũng sẽ là ngôi nhà cuối đời của ông, trước khi bước vào ngưỡng cửa thiên đường.

Không sinh cùng thời với nhà thơ cũng là thầy tu Khwaja Ahmad Yasavi (1093 - 1166), nhưng hoàng đế Timur vô cùng kính trọng bậc hiền nhân chọn dòng Sufi (Hồi giáo mật tông) tu khổ hạnh và cống hiến cả cuộc đời để gầy dựng đạo Hồi trên vùng đất Trung Á bằng những ngôi thánh đường, trường dạy kinh ngầm dưới lòng đất. Đại đế Timur xây dựng lăng mộ cho ông Khwaja Ahmad Yasavi chẳng khác gì kiến trúc cung điện vàng son của mình ở Samarquand, chỉ là mô hình nhỏ hơn. 

Giữa khuôn viên rộng lớn được thiết kế theo nghệ thuật sân vườn Ba Tư, cung điện được xây dựng theo hình chữ nhật có ba phần cơ bản hình lục giác gồm: phòng tiếp khách rộng lớn, giáo đường cầu nguyện dành riêng cho thánh Allah nối tiếp phía sau và cuối cùng là nơi đặt thi hài khi trở về cõi vĩnh hằng. Hai bên những phần thiết kế cơ bản là phòng tắm, phòng ăn, phòng ngủ hay những phòng giải trí khác.

Không chỉ cân đối hài hòa giữa các phần nhỏ trong thiết kế tổng thể chung, dòng nghệ thuật Timurid ra đời còn là tiền đề cơ bản và cảm hứng bất tận để vương triều Mughal xuôi về phương Nam châu Á, sau đó tạo dựng kiến trúc nổi tiếng riêng cho chính mình. Tôi ngắm nghía, xuýt xoa trước nét đẹp vĩnh hằng của lăng mộ vua Humayun ở Dehli, hay ngôi đền mang hơi thở tình yêu bất tử Taj Mahal ở Arga.

Sự khác biệt so với các nền văn hóa đi trước

Giá xăng dầu rẻ nên chiếc vé giường nằm máy lạnh 3 tiếng rưỡi của hãng tàu lửa Kazakhstan từ Shymkent đi Turkestan chỉ có giá 3,3 USD. Từ nhà ga Turkistan, tôi bắt tiếp xe buýt địa phương số 2 với giá 50 tenge để vào trung tâm thành phố. Tôi yêu Turkestan khi chân ướt chân ráo đến đây, bởi những phố nhỏ xinh dễ dàng đi lại và nơi đó còn là tình nghĩa đậm đà giữa tôi và đôi vợ chồng có tuổi - chủ nhà nghỉ.

Sayram, một thành phố nằm cận kề với điểm trung chuyển lớn Shymkent trên con đường tơ lụa Đông Tây đã mất dần giá trị giao thương khi đại đế Timur phối hợp với hai vị tiểu vương Kerei và Janibek, xây dựng lăng mộ tuyệt đẹp cho ngài Khwaja Ahmad Yasavi ở Turkistan. Sự nức tiếng đi cùng sự sầm uất của Turkistan do đoàn thương gia lạc đà tạo ra vẫn còn giá trị đến thế kỷ 19. Tôi đến thành quách vàng son của người xưa để được ngắm nghía những sắc màu khác nhau của những viên gạch men theo tia nắng mặt trời hay tiếng gọi bầy của đám chim hoang cư ngụ trên bờ xưa lối cũ. 

Cổng chào cung điện hoàng gia là hình ảnh một quyển kinh Qu’an đang được mở ra, trong quyển kinh ấy mang luôn cả nhật ký cuộc đời ông như câu nói của cổ nhân từ ngàn xưa: “Mỗi người chính là quyển sách riêng của cuộc đời”. Lần mò theo những câu kinh sấm truyền, những bức tranh mỹ thuật được ghép lại từ các viên gạch men, hay một đoạn văn nào đó giữa ánh sáng và bóng tối bên trong lăng mộ, tôi còn hiểu ra rằng, đại đế Timur đã mang những đoạn thơ hay, các bức bích họa nổi tiếng của một nhà thơ hay họa sĩ tài hoa đã thành danh qua các giai đoạn vào nền mỹ thuật của mình. Sự sáng tạo trong mỹ thuật của nhà Timurid đã vang xa khi các vị vua Ba Tư hay Hồi giáo cội nguồn Tây Á sau này còn vương vấn nét tinh tế ấy.

Cung điện hay lăng mộ của vương triều Timur luôn có hai mái vòm trong một công trình và chính điểm nhấn ấy là sự khác biệt so với các nền văn hóa đi trước. Mái vòm thứ nhất theo kiến trúc Ba Tư truyền thống, đặt trên giáo đường cầu nguyện của hoàng gia để thể hiện hàm ý “Quốc đạo được truyền từ Ba Tư”. Mái vòm thứ hai được phủ trên lăng mộ và cũng là nét đặc sắc riêng về kiến trúc Timurid. Hình ảnh một khối trụ tròn hình nấm tượng trưng cho chiếc vương miện quyền lực được đội trên đầu nhà vua và cũng là hình ảnh chiếc nón truyền thống “Tubeteikas” vốn là biểu tượng linh thiêng của người Hồi giáo Uzbek.

Lững thững quay về khi hoàng hôn đang đậm dần nơi cuối chân trời và gió hoang từ sa mạc đang lạnh hơn trong sự giao thoa sáng tối, tôi miên man suy nghĩ: “Turkistan là nơi thời gian ngừng trôi, bởi chúng không thể bào mòn như cung điện hoàng gia ở Samarquand và Turkistan có thể tự hào là phố nhỏ giữ lại kiến trúc Timurid hoàn hảo và đẹp nhất trên ở dãy đất Trung Á”.

Tin cùng chuyên mục