Tỷ giá sẽ ổn định

Sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD thêm 0,25%, từ 1,5% lên 1,75% trong ngày 22-3 (giờ Việt Nam), tỷ giá USD/VND được các ngân hàng thương mại niêm yết tăng nhẹ, giá vượt 22.800 đồng/USD.

Và hiện nay, 3 ngày sau đó, tỷ giá USD/VND chỉ nhích nhẹ, giao dịch phổ biến ở mức 22.760 đồng/USD mua vào và 22.830 đồng/USD bán ra (trong ngày 26-3). Cần nhấn mạnh, đây là mức tăng lãi suất cao nhất của FED trong 10 năm qua, cũng là lần tăng thứ 2 trong vòng 3 tháng - khiến thị trường lo lắng sẽ tác động lên tỷ giá USD/VND. Tuy nhiên, những diễn biến trong 3 ngày qua cho thấy mức độ ảnh hưởng từ sự kiện này không quá lớn như những đồn đoán trước đó.

Theo các chuyên gia, tỷ giá trên thị trường Việt Nam không biến động lớn trước sự kiện này, bởi thị trường đã dự báo và 1 tháng trước đó, giá USD đã từ từ nhích nhẹ. Vấn đề quan trọng hơn, đó là khả năng cầm cương tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo TS Trần Du Lịch, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng tốt, mức độ tăng dự trữ ngoại hối của năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 cao, cùng với chính sách điều hành tỷ giá linh hoạt của NHNN, dự báo tỷ giá trong năm 2018 sẽ ổn định và không có biến động.

Nhận định về việc này, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cũng cho rằng, trong năm 2017, FED đã 3 lần tăng lãi suất và USD trên thị trường quốc tế giảm giá 9% so với nhiều đồng tiền khác. Trong khi đó, tại Việt Nam, thị trường ngoại tệ khá ổn định, tỷ giá trung tâm chỉ tăng 1,2%, tỷ giá USD/VND trên thị trường giảm 0,2%. Do đó, năm 2018, dù Mỹ có tiếp tục tăng lãi suất USD, NHNN vẫn tiếp tục điều hành chính sách ổn định tỷ giá như năm trước. Đặc biệt, dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá cao, xấp xỉ 60 tỷ USD - là một trong những yếu tố quan trọng để điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường. 

Dù vậy, vẫn còn không ít ý kiến lo ngại. TS Vũ Viết Ngoạn vẫn lưu ý, cần tiếp tục theo dõi yếu tố đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán. Vì nếu thị trường này có biến động sẽ gây sức ép lớn cho thị trường ngoại hối; mặc dù dự trữ ngoại hối của Việt Nam khá cao, nhưng chưa phải quá dồi dào, quá an toàn. Do đó, cần tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối để tăng khả năng chống đỡ các cú sốc bên ngoài.

Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, FED tăng lãi suất sẽ tác động đến thế giới. Riêng Việt Nam, 2 rủi ro cần lường trước đó là lãi suất và tỷ giá. Cụ thể, lãi suất đồng USD tăng sẽ tác động đến lãi suất của các đồng tiền trên thế giới, kéo theo lãi suất phải tăng theo, trong đó VND cũng nằm trong rủi ro này. Còn đối với áp lực tỷ giá, khi FED tăng lãi suất cộng với chính sách của Tổng thống Donald Trump thì giá USD được dự báo tăng lên khá nhiều trong năm nay. Khi USD tăng giá tạo áp lực tăng giá đối với nhiều loại hàng hóa, giảm giá với nhiều loại ngoại tệ khác nhau trong đó có VND, nguy cơ các nước nhập khẩu nhiều sẽ gia tăng nhập siêu. Riêng áp lực dẫn đến việc dịch chuyển dòng vốn đầu tư, ông Lực cho rằng, sẽ có rủi ro dòng vốn đầu tư sẽ dịch chuyển từ những nước đang phát triển, từ các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam, để quay về Mỹ, EU đầu tư với lãi suất cao hơn, ít rủi ro về giá. Tuy nhiên 2 tháng đầu năm qua dòng vốn đầu tư nước ngoài cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, chứng tỏ Việt Nam vẫn hấp dẫn đối với nhà đầu tư và dòng vốn chưa dịch chuyển đi. Nhưng chúng ta không thể chủ quan và cần đưa ra các cách ứng phó mới.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng HSBC Việt Nam nhận định, tỷ giá USD/VND trong năm 2018 tiếp tục ổn định mức ở 22.900 đồng/USD (cao hơn 200 đồng/USD so với năm 2017) nhưng lạm phát sẽ chịu nhiều áp lực từ giá lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Lý giải nhận định trên, đại diện Khối kinh doanh tiền tệ và thị trường vốn, HSBC Việt Nam, cho rằng dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục tốt như năm 2017. Và khi vốn vào lớn, về lý thuyết sẽ khiến VND tăng giá so với đồng USD. Nhưng Chính phủ muốn hỗ trợ xuất khẩu nên tỷ giá năm qua cũng như thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định, chấp nhận VND yếu đi so với USD. Về lạm phát, HSBC Việt Nam đánh giá sẽ chịu nhiều áp lực từ các mặt hàng như lương thực, thực phẩm và xăng dầu. Đây là hai mặt hàng có khả năng tăng trong năm. Xăng dầu thì phụ thuộc vào giá thế giới.

Trong khi đó, nhóm lương thực thực phẩm vốn có mức lạm phát thấp trong năm 2017 dù chịu tác động mạnh của lũ lụt (vì năm 2016 trước đó đã tăng cao) cũng có nhiều khả năng tăng trong năm 2018 và tác động ngay lên lạm phát chung. Các nhóm mặt hàng khác như dịch vụ giáo dục, y tế cũng có khả năng tăng nhưng đây lại là các yếu tố mà Nhà nước có thể điều chỉnh được. Theo HSBC Việt Nam, lạm phát có khả năng vượt mức chỉ tiêu 4% vào khoảng tháng 6, tháng 7 nhưng cuối năm sẽ về mức 3,7%.

Một khảo sát mới đây của NHNN cho thấy, hiện lạm phát đang ở mức 3,7%. Tuy nhiên, lạm phát tăng trong 2 tháng đầu năm do mùa vụ và do tác động từ tăng giá điện, giá xăng (giá xăng đã tăng đỉnh lên 65 USD vào đầu tháng 2 và nay giảm xuống 60 USD). Giá cả thế giới sẽ tăng cao hơn năm 2017, nhưng vẫn trong phạm vi tăng thấp. Những yếu tố này cho thấy, lạm phát năm 2018 có thể tăng hơn năm 2017 nhưng vẫn ở trong phạm vi kiểm soát tốt.

Tin cùng chuyên mục